ISSN-2815-5823
Người làm báo và cuộc đổi mới trong thế giới truyền thông

Người làm báo và cuộc đổi mới trong thế giới truyền thông

(KDPT) - Trong bối cảnh truyền thông đổi mới mạnh mẽ, vai trò của người làm báo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trò chuyện với nhà báo, nhà thơ Lữ Mai - người đã theo dõi sát sao biến động báo chí Việt Nam, chị mang đến góc nhìn sâu sắc về những thách thức và cơ hội trong nghề báo cũng như trong môi trường truyền thông số.
Thứ tư, 13h45 19/06/2024
Khánh Quỳnh
(thực hiện)

Sự bùng nổ của công nghệ số đang mang đến những thay đổi mạnh mẽ và đầy thách thức cho ngành báo chí. Phát triển nhanh chóng của công nghệ và nền kinh tế số buộc các nhà báo phải liên tục thích nghi và đổi mới để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Từ việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số tiên tiến đến việc thay đổi cách tiếp cận và truyền tải thông tin, những nhà báo tiên phong đang định hình lại bức tranh truyền thông hiện đại. 

Trong một buổi phỏng vấn riêng vào một ngày đầu tháng 6, PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã được lắng nghe những chia sẻ từ nhà báo, nhà thơ Lữ Mai về hành trình thích nghi và đổi mới của báo chí trong bối cảnh đầy thách thức này.

PV: Xin chào nhà báo - nhà thơ Lữ Mai. Trước hết, xin cảm ơn chị đã nhận lời phỏng vấn của Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển! Theo chị, cuộc cách mạng số hóa đã thay đổi cách độc giả tiếp cận với tin tức và báo chí như thế nào?

icon Quote

Cuộc cách mạng số hóa không chỉ mang tới giá trị cho đội ngũ sáng tạo mà còn kích thích mạnh mẽ đối tượng tiếp nhận để từ đó, có thể chính các độc giả sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu, sáng kiến đổi mới hoặc nhập cuộc để trở thành một chủ thể trong câu chuyện lan tỏa giá trị của tin tức nói riêng và báo chí nói chung.

kinhdoanhvaphattrien.vn

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Nếu trước đây, độc giả chủ yếu tiếp cận qua cách thức truyền thống như đọc báo in hoặc xem truyền hình thì ngày nay, rất nhiều loại hình đã ra đời trong sự đa dạng về hình thức, nội dung mang đến cho độc giả nhiều trải nghiệm, lựa chọn và cách tiếp nhận, phản hồi khác nhau. Cuộc cách mạng số hóa không chỉ mang tới giá trị cho đội ngũ sáng tạo mà còn kích thích mạnh mẽ đối tượng tiếp nhận để từ đó, có thể chính các độc giả sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu, sáng kiến đổi mới hoặc nhập cuộc để trở thành một chủ thể trong câu chuyện lan tỏa giá trị của tin tức nói riêng và báo chí nói chung.

PV: Trải qua những giai đoạn chuyển đổi, các nhà báo nói chung và bản thân chị đã phải thích nghi như thế nào? Chị có thể chia sẻ những trải nghiệm thú vị nhất của mình trong việc tạo ra nội dung báo chí trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế số không?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Để thích nghi với chuyển đổi, các nhà báo cần cởi mở trong tư duy và không ngại dấn thân. Bên cạnh đó, việc bồi đắp những nền tảng cơ bản theo yêu cầu cấp thiết từ thực tế khách quan cũng rất quan trọng. Chúng tôi luôn xác định rõ ràng những nhiệm vụ đó và cảm thấy rằng, việc chuyển đổi trong câu chuyện chung này chắc chắn cũng mang lại cho mỗi cá nhân các thách thức, cơ hội và thành quả khác nhau. Tất nhiên, sự thích nghi không thể ngày trước, ngày sau đã có “trái ngọt”, ta nên nắm bắt rõ tính giai đoạn và những yêu cầu cơ bản nhất. Điều quan trọng với tôi đó là cần giữ trạng thái bình tĩnh, vững vàng, không để sự chông chênh, choáng ngợp hoặc nhiễu loạn chi phối. 

Trong nhiều trải nghiệm, tôi nhớ nhất chuyến công tác ra Quần đảo Trường Sa năm 2019. Bên cạnh các loạt bài phục vụ cho cơ quan mình công tác, được sự động viên của đồng nghiệp ngoài cơ quan, tôi đã tham gia dự thi Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ nhất, năm 2022 do Báo Tài Nguyên và Môi Trường phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức và giành giải Nhất. Sau những chuyến đi, những trải nghiệm nghề nghiệp, ý nghĩa nhất dường như là chặng hành trình ta kéo dài và sống với nó sau đó. Tôi cùng kỹ sư Trần Thành đã ra mắt bộ sách “Nơi đầu sóng” là tổng hợp các bài tản văn, ký về Trường Sa đồng thời cũng tổ chức nhiều triển lãm ảnh miễn phí cho nhiều trường học. Ở đó, các em học sinh không chỉ được tiếp cận thông tin mà còn trải nghiệm nhiều ứng dụng công nghệ như quét mã QR ở ảnh để xem video, nghe thuyết minh và lưu lại phục vụ cho việc học tập, tìm hiểu kiến thức, trải nghiệm cảm xúc về biển đảo. Trong sự kéo dài hành trình tôi vừa nhắc tới, kết nối với đồng nghiệp và ứng dụng công nghệ là những yếu tố vô cùng quan trọng. 

Người làm báo và cuộc đổi mới trong thế giới truyền thông - ảnh 2

PV: Theo chị, báo chí cần làm gì để giữ vững uy tín và tinh thần nghề nghiệp trong bối cảnh phát triển của mạng xã hội?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Nói đến một tác phẩm báo chí, chúng ta không bao giờ quên giá trị căn cốt nhất đó là nội dung và đạo đức nghề nghiệp. Uy tín, tinh thần nhất thiết cần được phản ánh qua nội dung tốt với tư duy, ngôn ngữ, định hướng, sáng tạo. Bên cạnh nội dung, đạo đức nhà báo là giá trị cần thiết và mỗi người làm nghề cần tự rèn giũa, nghiêm khắc với mình. 

Tăng cường vai trò của người kết nối báo chí với doanh nghiệp

PV: Thời đại kinh tế số đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho báo chí. Chị nghĩ những cơ hội mới đó có tác động thế nào đến cách làm việc của nhà báo và những người làm nghề truyền thông không, thưa chị?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Cơ hội mới đặt ra cả những thách thức mới. Chúng ta muốn có cơ hội thì cần bản lĩnh, nhạy bén vượt qua những thách thức, vượt qua chính mình. Thời đại kinh tế số đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt, biết cách ứng dụng hiệu quả những nền tảng tiên tiến để phục vụ cho công việc. Bên cạnh đó, nếu chúng ta nhận ra mặt trái, hạn chế của kinh tế số thì cũng là một thế mạnh giúp ta thận trọng trong từng bước chuyển đổi. 

icon Quote

Cơ hội mới đặt ra cả những thách thức mới. Chúng ta muốn có cơ hội thì cần bản lĩnh, nhạy bén vượt qua những thách thức, vượt qua chính mình. Thời đại kinh tế số đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt, biết cách ứng dụng hiệu quả những nền tảng tiên tiến để phục vụ cho công việc. Bên cạnh đó, nếu chúng ta nhận ra mặt trái, hạn chế của kinh tế số thì cũng là một thế mạnh giúp ta thận trọng trong từng bước chuyển đổi.

kinhdoanhvaphattrien.vn

PV: Chị có nhận xét gì về vai trò của người kết nối báo chí với doanh nghiệp trong việc giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động tích cực và chiến lược truyền thông của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Đây là một vai trò cần thiết và cần được tăng cường hơn nữa. Đã suốt một thời gian dài, sự kết nối này có vẻ mờ nhạt, không chính danh, không hiệu quả hoặc bị đánh tráo khái niệm. Thực tế, nếu đội ngũ kết nối này được đào tạo, thực hành chuyên nghiệp thì cùng lúc có thể giải quyết được rất nhiều phần việc cho cả cơ quan báo chí và doanh nghiệp dựa trên yêu cầu, khát vọng chính đáng của đôi bên bởi việc các đơn vị cần sự đồng hành, chia sẻ, hợp tác là nhu cầu không thể phủ nhận. Ngoài công cuộc hợp tác, thúc đẩy, có thể còn là xử lý khủng hoảng, tham mưu, tư vấn để cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách. 

PV: Trong một thị trường báo chí ngày càng cạnh tranh, chị có nghĩ rằng việc tôn vinh những người làm nghề truyền thông có phải là điều quan trọng không và vì sao?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Ở bất cứ một lĩnh vực gì cũng đều cần đến vai trò, sự đóng góp của truyền thông. Đó vừa là một kênh quảng bá, vừa là bộ lọc giúp độc giả tiết kiệm thời gian, công sức để tiếp cận các giá trị cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay, truyền thông lại càng quan trọng. Song song với việc vận hành, nâng cấp, mở rộng phạm vi… thì tôn vinh là yêu cầu cần thiết nhằm tạo động lực và công nhận một vị trí bình đẳng, xứng đáng cho lĩnh vực này.

PV: Làm thế nào để tạo ra một hệ thống tôn vinh và công nhận công lao của những người làm nghề truyền thông, từ các phóng viên đến biên tập viên và nhà báo, đặc biệt là trong bối cảnh đang phát triển của các nền tảng truyền thông mới?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Muốn có hệ thống tôn vinh tốt, ta cần có hệ thống hoạt động tốt, xứng đáng để được tôn vinh. Muốn như vậy, đội ngũ báo chí, truyền thông cần hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, không ngừng nâng cao. Tiếp theo, là các cơ quan, đơn vị chủ quản cần xác định đúng giá trị lao động, cống hiến để đưa ra những hình thức tôn vinh xứng đáng tại cơ sở. Có thể chưa cần tới cơ quan, mà riêng các phòng, ban, hội, nhóm... cũng nên chú ý, đổi mới trong cách ghi nhận, tôn vinh. Khi những “tế bào” nói trên có đủ chất lượng thì câu chuyện hệ thống mới thể đồng bộ được. Tất nhiên, các nhà quản lý với tầm nhìn xa hơn, cao hơn cần đưa ra dự đoán về xu hướng để định hướng rõ nét, đặc thù hơn, hỗ trợ các đơn vị, cá nhân còn lúng túng chưa tìm ra cách thức để triển khai hoặc việc triển khai mới chỉ dừng ở ý nghĩa hình thức.

Sự xuất hiện của các cơ hội mới trong lĩnh vực báo chí đã và đang thay đổi cách làm việc của người làm nghề truyền thông theo nhiều cách khác nhau. Các cơ hội này bao gồm sự phát triển của kỹ thuật số và truyền thông xã hội, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình kinh doanh mới, đạo đức và tính minh bạch, cũng như kỹ năng đa nhiệm. Không chỉ đòi hỏi các nhà báo và người làm truyền thông phải nhanh chóng nắm bắt và đưa tin tức lên các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội, bên cạnh đó người làm truyền thông còn cần biết sản xuất nội dung đa phương tiện như video, podcast, infographics và livestream để thu hút độc giả.

PV: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chị có những gợi ý nào để tăng cường sức cạnh tranh của phương tiện truyền thông truyền thống?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Các phương tiện mới ra đời nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho đời sống con người chứ không hẳn sẽ triệt tiêu giá trị truyền thống. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm ra sự kết nối, bổ trợ giữa các loại hình với nhau để cùng nâng nhau lên. Ví dụ, ở rất nhiều quốc gia phát triển, vẫn có những tờ báo được sản xuất, tiếp cận độc giả theo phương thức truyền thống nhưng toàn bộ quy trình được coi là “di sản” này được quảng bá rất rộng rãi bằng các phương tiện kỹ thuật số tiên tiến nhất, bắt kịp xu hướng giới trẻ nhất nên họ đã thực sự tạo nên các “trend hoài cổ” và coi hình thức truyền thống đó như một giá trị cần được giữ gìn, bảo tồn, lan tỏa. 

PV: Cuối cùng, theo chị, việc làm báo hiện nay đang thể hiện sức hút như thế nào đối với các thế hệ trẻ quan tâm đến ngành truyền thông và kinh doanh?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Công cuộc chuyển đổi số đã tạo nên sức hút đặc biệt với thế hệ trẻ. Tinh thần sáng tạo, đổi mới trên thực tế đã tác động vào họ từ khi họ là độc giả, thậm chí là độc giả nhỏ tuổi. Nền tảng đó có thể chắp cánh ước mơ, khát vọng đưa họ tới những trường học, giảng đường, những bài viết đầu tiên họ đóng góp trong vai trò tác giả. Chúng ta cũng thấy hiện có rất nhiều tờ báo có mục riêng dành cho độc giả viết. Như vậy có nghĩa là vai trò của độc giả đang được đặt ở vị trí quan trọng, trân trọng và điều đó phần nào tạo nên sức hút với thế hệ trẻ trong niềm mong mỏi được thể hiện góc nhìn, cách tiếp cận, quan điểm của mình trên kênh báo chí chính thức.

PV: Xin cảm ơn nhà báo, nhà thơ Lữ Mai và chúc chị luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề!

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 01/07/2024