ISSN-2815-5823

TS. Phạm Minh Tú: Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

(KDPT) - TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy tài chính vi mô. Trong đó, ứng dụng từ công nghệ đóng vai trò quan trọng.

Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tài chính toàn diện theo định hướng thị trường, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc thúc đẩy tài chính toàn diện đi đôi với sự an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong đó, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện; cùng với đó, công tác an toàn bảo mật được chú trọng, các rủi ro liên quan đến quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm tài chính số được quản lý, giám sát đầy đủ.

Trong Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ" do Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) tổ chức, TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong bối cảnh lĩnh vực tài chính đang có xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ thông qua công nghệ số để người dân dễ tiếp cận, quá trình chuyển đổi mang lại những cơ hội nhất định cho nước ta. Nếu nắm bắt được những cơ hội đó, Việt Nam có thể tăng tốc nhanh hơn đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững - mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.

TS. Phạm Minh Tú tại buổi tọa đàm
TS. Phạm Minh Tú tại buổi tọa đàm

Bên cạnh đó, TS. Phạm Minh Tú cũng nêu ra những thách thức trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

“Các tổ chức, chương trình, dự án vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế như năng lực vốn, tài sản yếu, mạng lưới mỏng, thiếu đa dạng trong phát triển và cung ứng sản phẩm dịch vụ; hạn chế trong ứng dụng công nghệ, số lượng nhân sự có đủ nghiệp vụ chuyên môn còn chưa nhiều…”, ông Tú phân tích.

Ngoài ra, một bộ phận khách hàng vẫn chưa được trang bị smartphone (điện thoại thông minh) với nhiều lý do như tuổi tác, hoàn cảnh kinh tế, kỹ năng công nghệ… Đây cũng là thách thức đối với quá trình thúc đẩy tài chính.

Trước những khó khăn đó, TS. Phạm Minh Tú đã đóng góp một số đề xuất, kiến nghị cả về phía cơ quan quản lý và phía tổ chức, chương trình, dự án.

TS. Phạm Minh Tú: Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam - ảnh 2

Theo đó, các cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển về số lượng các tổ chức tài chính vi mô.

Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển, tăng cường năng lực, mở rộng hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án. Cụ thể, cần bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô. Qua đó, nhằm tăng cường thêm nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn vay với lãi suất thấp (ưu đãi tín dụng, bảo lãnh tín dụng); khuyến khích các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp Fintech, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán… tham gia đầu tư, hợp tác với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô để tạo dựng thị trường bán buôn vốn tài chính vi mô, đi kèm với đẩy mạnh hoạt động đại lý thanh toán.

Đối với tổ chức, chương trình, dự án, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ (bằng cách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản trị, công nghệ, phát triển sản phẩm, kỹ năng mềm…) cũng như nâng cao hiểu biết, kỹ năng về tài chính, công nghệ cho đối tượng khách hàng bằng các chương trình giáo dục tài chính qua nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, thành lập một tổ chức dưới dạng hiệp hội tài chính vi mô để tập hợp tiếng nói, hỗ trợ, chia sẻ giữa các đơn vị. Các chương trình, dự án, tổ chức tài chính vi mô cũng cần chủ động nâng cao về năng lực tài chính (chủ động mở rộng nguồn vốn, tăng cường hợp tác với các tổ chức tín dụng, minh bạch thông tin về điều hành, quản trị để thu hút giới đầu tư).

Việc áp dụng công nghệ cũng là một trong nhiều giải pháp được TS. Phạm Minh Tú đưa ra. Theo đó, các tổ chức, chương trình, dự án cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quá trình hoạt động cũng như đẩy mạnh hợp các với các công ty công nghệ, công ty Fintech để cùng đưa ra các giải pháp số nhằm cắt giảm chi phí, hướng đến tự động hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/12/2024