ISSN-2815-5823
Nhà báo và thách thức kinh tế số!

Nhà báo và thách thức kinh tế số!

(KDPT) - Mấy năm gần đây, các cụm từ “số hóa”, “chuyển đổi số”, “kinh tế số”, “kinh doanh số”, “xã hội số”… ngày càng như cùng ăn cùng ngủ với nhiều người, ở nhiều lĩnh vực mà báo chí cũng không ngoại lệ.
Thứ sáu, 12h25 21/06/2024
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh
(thực hiện)

Cuối tháng 11/2023 vừa rồi, báo Nhân Dân cùng với nhiều cơ quan báo chí đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”.

Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tại đây, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số là chậm thay đổi tư duy từ lãnh đạo, quản lý đến phóng viên, biên tập viên. Nếu người lãnh đạo quyết liệt chuyển đổi số sẽ dẫn dắt toàn bộ cả tòa soạn cùng chuyển đổi theo. Ông nhận xét: “Cơ quan báo chí nào có người lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công cao hơn các cơ quan khác 30-50%. Trên thế giới, có một số cơ quan báo chí đã tạo ra đại sứ chuyển đổi số trong tòa soạn, làm hạt nhân lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong tòa soạn”.

Cơ quan báo chí nào có người lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công cao hơn các cơ quan khác 30-50%. Trên thế giới, có một số cơ quan báo chí đã tạo ra đại sứ chuyển đổi số trong tòa soạn, làm hạt nhân lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong tòa soạn.

Ông Lê Quốc Minh
Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
kinhdoanhvaphattrien.vn

Đấy là chuyện “bếp núc” của mỗi tòa soạn. Tuy nhiên, trong nền kinh tế số, việc chuyển đổi số của mỗi tổ chức mới chỉ là một góc nhỏ, mới chỉ là điều kiện “cần”. Vì thế, các tòa soạn cũng như bản thân mỗi nhà báo phải có trong tay điều kiện “đủ” nữa thì con đường thành công mới có cơ hội mở rộng.

Cũng cần phải ghi nhận rằng trước đây, khi công nghệ số chưa sinh ra thì nhiều cơ quan báo chí đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình, bởi trong tay họ có rất nhiều nhà báo chuyên nghiệp. Vậy những nhà báo chuyên nghiệp đó là ai?

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt xuất bản của Viện Ngôn ngữ học thì “Nhà báo là người chuyên làm nghề viết báo”. Không biết khái niệm như thế đã đầy đủ chưa (vì có rất nhiều loại hình báo chí như báo nói, báo viết, báo hình, báo ảnh, báo điện tử… chứ không chỉ có viết báo) nhưng tôi rất tâm đắc với khái niệm của một nhà báo nổi tiếng trên thế giới mà tôi đã ngấm ngay nó vào từng tế bào của cuộc đời mình trong suốt ngót nửa thế kỷ làm báo: “Nhà báo là những người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại”.

Thời gian càng qua đi, tôi thấy càng thấm thía. Chẳng nói gì xa xôi về hình ảnh các nhà báo quốc tế đã từng mạo hiểm lăn lộn trên chiến trường khắp nơi trên thế giới, những người đã dũng cảm phanh phui những vụ bê bối tày trời của các đời Tổng thống Mỹ…, ngay những ngày tháng gần đây, nhiều nhà báo Việt Nam không ngại an nguy đến sinh mạng chính trị và cuộc sống bản thân đã dấn thân vào phát hiện những vụ việc tham ô, tham nhũng lớn, được xã hội ghi nhận. Phát hiện và thông tin tất cả những “nỗi đau của nhân loại” ấy chính là công việc mà sứ mạng lịch sử đã bắt buộc các nhà báo phải đảm trách.

Tôi cho rằng muốn phác họa tương đối chuẩn mực chân dung của nhà báo không hề dễ dàng một chút nào. Có lúc anh ta như một nhà tư tưởng, có lúc là nhà ngoại giao, có lúc lại là một thám tử, rồi có lúc lại như một nghệ sĩ, một nhà văn hóa… Nghề nghiệp bắt buộc họ phải như vậy.

Tôi cho rằng muốn phác họa tương đối chuẩn mực chân dung của nhà báo không hề dễ dàng một chút nào. Có lúc anh ta như một nhà tư tưởng, có lúc là nhà ngoại giao, có lúc lại là một thám tử, rồi có lúc lại như một nghệ sĩ, một nhà văn hóa… Nghề nghiệp bắt buộc họ phải như vậy.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh
kinhdoanhvaphattrien.vn

Thật khó lòng trở thành một nhà báo giỏi nếu thiếu một tư tưởng triết học sâu sắc mà câu nói nổi tiếng nêu trên chỉ là một ví dụ. Thử hỏi hàng chục nhà báo bị giết hại mỗi năm trên thế giới liệu có vô nghĩa cho những giá trị cao thượng của con người? Vì động cơ nào mà nhiều phóng viên viết điều tra của chúng ta thời gian qua đã quên mình trong việc phanh phui những tệ nạn xã hội? Chắc chắn tiền bạc và danh vọng không phải là mối quan tâm cốt yếu của họ.

Còn là nhà ngoại giao? Hiếm thấy nhà báo thành đạt nào lại thiếu tài ngoại giao. Điều cốt tử trong nghề làm báo là tư liệu, tư liệu sống và tư liệu quá khứ. Tư liệu đó nằm rải rác khắp nơi trong đời sống con người. Vậy làm thế nào để có được những tư liệu đó nếu thiếu khả năng ngoại giao? Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, tư liệu quá khứ được con người xử lý, lưu trữ tốt hơn, nhà báo đỡ vất vả hơn trong hoạt động nghiệp vụ nhưng chúng không thể thay thế được tư liệu sống. Cũng như bữa ăn thường ngày của con người không thể thiếu thức ăn tươi sống vậy.

Chất thám tử trong mỗi nhà báo thường ít bộc lộ ra ngoài nhưng không thể thiếu. Thật nhợt nhạt và lạnh lẽo nếu trong một sản phẩm báo chí không xuất hiện những tình tiết khám phá. Muốn là nhà thám tử không dễ dàng một chút nào. Anh phải có tính mạo hiểm, nhưng lại phải “lỳ đòn”, phải biết “kín mồm kín miệng”, phải biết “phớt ăng lê” nhiều điều cám dỗ, rồi lại phải có phổ kiến thức rộng để đủ phân tích, đánh giá sự kiện…  Nhìn chung, đây là tố chất hóc hiểm nhất của nghề làm báo.

Chỉ có người trong nghề mới có thể hiểu được nhà báo bắt buộc phải có lượng ngôn từ phong phú và có một tài năng nhất định để sử dụng nó. Muốn hấp dẫn bạn đọc về một sản phẩm báo chí, trước hết phải biết đặt “tít” cho hay, cho ấn tượng, đó là cả một nghệ thuật. Rồi lại phải có một đoạn “mào đầu” cuốn hút, sinh động, sau nữa là việc sắp xếp các sự kiện mạch lạc, sáng tạo. Không dám so sánh với các nhà văn trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ nhưng nhà báo cũng phải đạt được độ chuẩn mực nhất định mới có thể hoàn thành tốt công việc…

Thử hỏi trong các nhà báo chúng ta, có bao nhiêu người có thể tự tin và nói rằng, bộ não của mỗi nhà báo chuyên nghiệp chính là một “cỗ máy công nghệ số” hoàn hảo?

Báo chí vận động cùng kinh tế số. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Báo chí vận động cùng kinh tế số. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)

Đứng ở một góc độ nào đó thì chính là như vậy! Bởi lẽ tất cả sự sáng tạo ra nền kinh tế số của loài người hiện nay để sản sinh ra các cụm từ “số hóa”, “chuyển đổi số”, “kinh tế số”, “kinh doanh số”, “xã hội số”… đếu xuất phát từ những nơi đầy bí ẩn đó!

Khi đã tự tin như vậy thì việc đi tìm điều kiện “đủ” cho nhà báo có thể vẫy vùng trong nền kinh tế số hoàn toàn là điều khả thi. Các cụ xưa đã nói “Biết địch biết ta, trăm trận đánh trăm trận thắng”. Vậy “kinh tế số là gì?” và nhà báo cần phải hiểu nó và tiếp cận nó như thế nào?

Năm học 2024-2025, Trường đại học Đại Nam tuyển sinh 50 chỉ tiêu hệ đại học chính quy ngành Kinh tế số. Theo các thầy cô của trường thì Kinh tế số là ngành đào tạo dựa trên các trụ cột của kinh tế, thương mại điện tử, công nghệ thông tin và toán ứng dụng.

Kinh tế số bao hàm kinh doanh số và gồm năm thành phần chính là: Thương mại điện tử (TMĐT); Hợp tác số; Truyền thông số; Đào tạo số và Thông tin số. Trong các thành phần trên, Thương mại điện tử được đánh giá là trụ cột của kinh tế số, theo đó, các hoạt động kinh tế liên quan đến việc nghiên cứu thị trường, sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp trong kinh tế số sẽ được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Các quyết định kinh doanh sẽ được thực hiện dựa trên kết quả phân tích số liệu từ doanh nghiệp, từ thị trường, từ các yếu tố vĩ mô… thay vì ra quyết định cảm tính.

Chỉ cần dừng ở đây thì chúng ta đã thấy nền kinh tế số mênh mông như thế nào. Để hiểu được nó, tham gia cùng nó, chia sẻ với nó là một thách thức không nhỏ.

icon Quote

Chỉ cần dừng ở đây thì chúng ta đã thấy nền kinh tế số mênh mông như thế nào. Để hiểu được nó, tham gia cùng nó, chia sẻ với nó là một thách thức không nhỏ.

kinhdoanhvaphattrien.vn

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, với những tố chất bẩm sinh của nghề báo, những con người mà “có lúc anh ta như một nhà tư tưởng, có lúc là nhà ngoại giao, có lúc lại là một thám tử, rồi có lúc lại như một nghệ sĩ, một nhà văn hóa…” thì không chỉ nền kinh tế số, nền công nghệ 4.0 mà cho dù sau này, trí tuệ nhân loại có sản sinh ra những nền công nghệ 5.0, 6.0… hay n.0 thì cũng vẫn rất cần những người đồng hành như “anh ta” vậy!

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 01/07/2024