Phát triển toàn diện và bền vững các khu công nghiệp
Xu hướng khu công nghiệp toàn cầu đang thay đổi
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp: Giải pháp toàn diện và đầu tư bền vững" do Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Việt Nam đang nổi lên là điểm đến chiến lược của dòng vốn đầu tư quốc tế, nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý thuận lợi và môi trường đầu tư cải thiện. Các khu công nghiệp (KCN) vì vậy cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về cá tiêu chí phát triển bền vững, tiêu chuẩn ESG, chuyển đổi số, giảm phát thải, chất lượng lao động…

“Những thay đổi trên thế giới đang tạo ra áp lực và cũng là động lực để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống khu công nghiệp - vốn được coi là nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Đây là xu hướng tất yếu để không bị "tụt hậu" trong cuộc đua toàn cầu” - TS Nguyễn Văn Khôi chia sẻ.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam VNREA Trương Gia Bảo cho biết, cả nước đang có hơn 400 khu công nghiệp được quy hoạch, hơn 290 khu đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đa số các khu công nghiệp vẫn theo mô hình truyền thống, dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, ưu đãi đất đai và mở rộng diện tích, đến nay đã không còn phù hợp.
Theo ông Trương Gia Bảo, Việt Nam cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới trong quy hoạch và phát triển khu công nghiệp. “Đó không chỉ là nơi sản xuất, mà còn là hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo, là hạt nhân kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và là không gian phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường” - ông Trương Gia Bảo nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Thông tin và Hỗ trợ đầu tư phía Bắc (Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Tài chính) nhận định, mô hình khu công nghiệp truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu liên kết chuỗi, sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, áp lực môi trường và cản trở chuyển đổi xanh. Theo ông Phạm Thanh Bình, các khu công nghiệp Việt Nam cần một cuộc chuyển đổi mô hình mang tính chiến lược để đáp ứng yêu cầu phát triển chất lượng cao. Các nhà đầu tư hiện nay không chỉ quan tâm chi phí sản xuất mà còn yêu cầu khắt khe về hạ tầng thông minh, cam kết phát thải thấp và lực lượng lao động kỹ thuật số.
"Chính vì vậy, chỉ khi chúng ta tạo dựng được những khu công nghiệp thông minh, tích hợp, vận hành bằng công nghệ, đảm bảo ESG và phát triển bền vững, thì mới có thể cạnh tranh trong cuộc đua thu hút FDI chất lượng cao", - ông Phạm Thanh Bình khẳng định.
Các giải pháp chiến lược cho phát triển
Trước yêu cầu phát triển bền vững, thu hút FDI chất lượng cao ông Phạm Thanh Bình đề xuất dẩy mạnh quy hoạch tích hợp vùng, liên kết các khu công nghiệp với đô thị, cảng biển, trung tâm đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ khu công nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng số và nền tảng xúc tiến đầu tư trực tuyến; gắn kết đào tạo - công nghệ - công nghiệp nhằm tạo ra lực lượng lao động kỹ thuật số, kỹ năng xanh và nhân lực AI. Đồng thời, thiết lập mô hình vận hành tích hợp, sử dụng công nghệ thông minh để giám sát môi trường, an ninh, năng lượng và logistics.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI là xu hướng chung trong phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều này đòi hỏi một hạ tầng bền vững, an toàn.
Về vấn đề này, Giám đốc Viettel Cyber Security Bùi Trung Thành cho rằng, hiện nay, an toàn không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật đơn thuần mà là yếu tố chiến lược với các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh số hóa sâu rộng. “Khi hoạt động sản xuất ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu, hệ thống kết nối và chuỗi cung ứng tích hợp số, một sự cố mất an toàn thông tin có thể gây gián đoạn vận hành, tổn thất tài chính, rò rỉ bí mật thương mại và làm suy giảm nghiêm trọng uy tín doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp xuất khẩu và các khu công nghiệp thông minh cần chủ động xây dựng các "lá chắn số" để bảo vệ hạ tầng công nghệ, dữ liệu sản xuất và thông tin khách hàng”, ông Bùi Trung Thành chia sẻ.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc khu công nghiệp sinh thái Deep C nhấn mạnh, phát triển khu công nghiệp không chỉ để cho thuê đất mà phải có tầm nhìn dài hạn, đầu tư cho một tương lai bền vững. Theo ông Bruno Jaspaert, chiến lược phát triển khu công nghiệp sinh thái phải dựa trên bốn trụ cột: Sử dụng hiệu quả tài nguyên; tạo môi trường làm việc tích cực; hợp tác vì mục tiêu bền vững; tiên phong lan tỏa mô hình sinh thái. Trong khu công nghiệp sinh thái, các dòng vật chất, năng lượng, nước, chất thải được tái sử dụng hiệu quả, nhằm giảm phát thải và tăng giá trị gia tăng.
“Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không chỉ cần tái sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, mà cần tiếp cận mạnh mẽ hơn trong việc cải tiến công nghệ, chia sẻ dữ liệu vận hành nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy các sáng kiến cộng sinh công nghiệp. Đây là hướng đi quan trọng để hình thành hệ sinh thái sản xuất có khả năng thích ứng và sáng tạo cao, phù hợp với xu thế công nghiệp hiện đại” - ông Bruno Jaspaert chia sẻ./.