Trung tuần tháng 5/2019, chuỗi nhà hàng Pizza 4P’s đã hoàn tất nhận vốn đầu tư từ quỹ của Mekong Capital, đánh dấu một chặng đường mới sau 8 năm khởi nghiệp tại Việt Nam. Trươc đó, tại thời điểm năm 2017, khi mới chỉ có 7 cửa hàng, Pizza 4P’s đã được định giá khoảng 20 triệu USD, hiện tại chuỗi nhà hàng này đã tăng lên 11 cửa hàng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Khởi nghiệp từ sở thích của bạn gái cũ

Mặc dù được kỳ vọng là nhà hàng pizza đắt khách nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại và được đánh giá cao trên các website về ẩm thực, tuy nhiên câu chuyện khởi nghiệp của những người sáng lập Pizza 4P’s lại bắt đầu từ một sự tình cờ: Không một ai là đầu bếp chuyên nghiệp hay có năng khiếu về làm pizza hay phomai.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày nọ khi bạn gái cũ của Yosuke nói với anh “Này, sao chúng ta không xây một lò nướng bánh pizza ở sân sau nhỉ?”. Với sự giúp sức của những người bạn, Yosuke đã biến ước mơ của bạn gái thành sự thực và lò nướng bánh pizza sau nhà đã trở thành nơi tụ tập của nhóm bạn vào cuối tuần. Đó là một nơi tràn ngập tiếng cười, và pizza là loại bánh mà bạn có thể tùy ý muốn bỏ thứ gì lên đó cũng được.

Sau này, Yosuke và vợ là Sanae Mashiko sang Việt Nam và làm việc cho một quỹ đầu tư mạo hiểm. Với số vốn ban đầu 100.000 USD, Yosuke và Sanae đã quyết định mở nhà hàng đầu tiên tại Lê Thánh Tôn, TP.HCM, sau khi tìm mãi không ra được món pizza mà mình yêu thích!. Họ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về công thức pizza, và điều này không gây khó khăn với vợ chồng Yosuke. Việc kết hợp giữa hương vị phương Tây và địa phương đã khiến hầu hết bạn bè xung quanh họ đều cảm thấy thích thú. Với phomai, Yosuke nhận thấy rằng, việc nhập khẩu phomai sẽ tăng chi phí trong khi không giữ được vị tươi ngon, và họ quyết định tự làm phomai của riêng mình.

Yosuke và Sanae Mashiko – nhà sáng lập Pizza 4P’s. Ảnh: Internet

Từ trang trại tới bàn ăn – Lan tỏa năng lượng tích cực

Yosuke đã học cách làm phomai ngay tại nhà hàng ở Lê Thánh Tôn. Trong một bài phỏng vấn báo giới, Sanae đã gọi xưởng sản xuất phomai ban đầu của mình “giống như một phòng thí nghiệm”. Yosuke và Sanae cùng những người bạn đã học cách làm phomai qua Youtube, và sản phẩm ban đầu …không ra gì!!! Phomai không thể kết dính và trôi tuột qua kẽ tay.

Mong muốn của Yosuke và Sanae là đem lại những trải nghiệm phong phú để giúp cho mỗi vị khách khi bước vào mỗi cửa hàng Pizza 4P’s sẽ gặt hái được những điều thú vị và tích cực. Năng lượng tích cực được lan tỏa qua những trải nghiệm ẩm thực và mỗi thực khách khi ra về đều có cảm nhận tích cực dù chỉ là một chút thôi.

Thời kỳ đầu Yosuke lấy sữa của các hộ nông dân xung quanh, nhưng sau này nhận ra chất lượng sữa vẫn không đạt như mong muốn, anh đã chọn cách mua bò từ Thái Lan về tự nuôi, tự lấy sữa, tự làm phomai, theo một tiêu chuẩn khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Với sữa tươi sản xuất tại nông trại và kĩ thuật chuyên nghiệp, Pizza 4P’s đã thành công trong việc sản xuất phô mai Burrata tại Việt Nam. Những viên Burrata được làm tại Đà Lạt, ngay lập tức được đóng gói sản phẩm trong nước muối và vận chuyển vào thành phố HCM. Phô mai cực kì tươi và Burrata trong tiếng Ý có nghĩa là “viên bơ”, nó có vị béo ngậy, dịu và có mùi bơ, và nó là một sản phẩm đóng dấu “made by Pizza 4P’s”.

Omotenashi – Tinh thần hiếu khách của người Nhật Bản

Kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Pizza 4p’s là “Omotenashi”, nghĩa là tinh thần chào đón khách với tất cả tấm lòng, thể hiện lòng hiếu khách của người Nhật Bản. Nó được thể hiện trong các chi tiết rất nhỏ, như nhân viên phải học cách rắc topping và phomai sao cho mỗi một miếng bánh được cắt ra đều mang đầy đủ các loại topping. Sanae chia sẻ: “Chúng tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc, vì thế chúng tôi muốn chia bánh sao cho mỗi miếng bánh đều có đủ hương vị của hạnh phúc”.

Quá trình làm phomai Burrata Ảnh: Pizza 4P’s

Hay như không gian của Pizza 4P’s luôn là một không gian mở. Ở đó các khách hàng có thể tận mắt chứng kiến quá trình làm ra chiếc bánh pizza của người đầu bếp, với sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ và sự hiếu khách của đội ngũ nhân viên. Luôn luôn sẽ có bảng đánh giá chất lượng của khách hàng sau mỗi bữa ăn để nhà hàng có thể cải thiện hơn các sản phẩm của mình.

Các nhà hàng Pizza 4P’s luôn là một không gian mở. Ảnh: PIzzza 4P’s

Pizza 4P’s không chú trọng đến quảng cáo. Với Yosuke và Sanae, cách quảng cáo tốt nhất là truyền miệng và việc của chủ nhà hàng và người đầu bếp là tập trung tốt nhất vào chất lượng của bánh. Và điều này cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang thành công, hầu hết các khung giờ đều kín chỗ và khách muốn đến Pizza 4P’s thường phải đặt trước.

Theo dữ liệu của VIRAC, doanh thu của Pizza 4P’s trong năm 2017 đạt hơn 283 tỷ, tăng 79% so với năm trước đó. Đồng thời lợi nhuận tăng vọt lên gần 33,3 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với mức 5,5 tỷ đồng của năm 2016. Năm 2018, hoạt động kinh doanh tiếp tục bùng nổ khi doanh thu của công ty tăng 45% lên 411 tỷ đồng còn lợi nhuận tăng 65%.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, các nhà sáng lập Pizza 4P’s sẽ còn nhiều việc phải làm, khi nhận vốn mới của các quỹ đầu tư và quan trọng hơn cả là đảm bảo giữ nguyên được chất lượng của các món ăn khi mở rộng chuỗi.

Theo CafeF