Khởi nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường

Vừa qua, thành phố Hội An tổ chức Phiên chợ “Khởi nghiệp - Tiêu dùng xanh” cùng nằm trong chuỗi sự kiện Trại sáng tác “Không gian sáng tạo Hội An”, “Nét hoa Nghề lần thứ II” của thành phố. Phiên chợ do Hội Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo TP. Hội An tổ chức với mục đích giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, hướng đến bảo vệ sức khỏe. Đây là dịp để các cá nhân khởi nghiệp xanh có cơ hội tiếp cận với du khách cả trong và ngoài nước.

Từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi như vải vụn, gốc tre khô… dưới bài tay khéo léo của con người những thứ vô tri vô giác đó đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến thăm phố cổ Hội An.

Những hình tượng tác phẩm với nhiều kiểu dáng khác nhau được chú Đỏ thực hiện.

Nhắc đến những tác phẩm nghệ thuật về gốc tre hầu hết người dân Hội An sẽ nghĩ ngay đến ông Huỳnh Phương Đỏ (SN 1973) với thương hiệu “Gốc tre nghệ thuật chú Đỏ”. “Sản phẩm từ gốc tre này vừa là nghệ thuật, vừa được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Ý nghĩa từ nguyên liệu bảo vệ môi trường cũng là cảm hứng để bản thân tôi thổi hồn vào từng gốc tre, nâng tầm được ý nghĩa sau mỗi hình hài điêu khắc”, chú Đỏ chia sẻ.

Hội An nổi tiếng là “thiên đường may nhanh chuyên nghiệp” của thế giới nên mỗi ngày lượng vải vụn thải ra bên ngoài là một vấn đề nhức nhối cho việc xử lý rác thải của thành phố. Sau một lần tham quan Hội An, tình cờ nhìn thấy những bao tải vải vụn bị vứt bỏ, chị Trần Thị Kim Soi (SN 1989) nảy ý tưởng tận dụng các loại vải vụn tạo ra những phụ kiện thời trang như băng đô, khăn turban, kẹp tóc, bông tai, vòng tay… bán với giá 15.000 đồng/chiếc.

Bà Kaur Aadhya (du khách đến từ Ấn Độ) hứng thú cho biết: “Tôi rất thích những phụ kiện ở đây, nó rất đẹp, nó giúp tôi làm nổi bật bộ trang phục của mình. Ngoài ra, nó còn được làm từ chất liệu bảo vệ môi trường, đây là một giải pháp tuyệt vời mà Hội An mang đến trong phiên chợ hôm nay”.

Ngoài việc hướng đến những sản phẩm làm quà tặng, phụ kiện gần gũi với môi trường, gắn với xu hướng tiêu dùng xanh còn nằm ở việc người tiêu dùng hướng đến sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên. Hiểu được điều này, chị Trần Thị Hồng Vâng (SN 1986) đã khởi nghiệp với chính những loại thực phẩm sạch, mang lại nhiều dưỡng chất cho cơ thể với thương hiệu Ngũ cốc dinh dưỡng Mẹ Tép. Sau gần 3 năm hoạt động, Ngũ cốc dinh dưỡng Mẹ Tép hiện đang là cơ sở kinh doanh vững mạnh với một nhà máy sản xuất đang trong quá trình hoàn thiện.

Phiên chợ “Khởi nghiệp - Tiêu dùng xanh” nhằm giới thiệu nét văn hóa bản địa đặc trưng Hội An.

Không chỉ những mô hình khởi nghiệp xanh được nêu trên, hiện nay tỉnh Quảng Nam nói chung và TP Hội An nói riêng còn rất nhiều những cá nhân khác có những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, những con người dám nghĩ dám làm, mang đến cho tỉnh nhà những sản phẩm đậm đà bản sắc văn hóa lại góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Đinh Quân (Phó Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hội An) cho biết: “Định hướng chung của nước ta cũng như tỉnh Quảng Nam hiện nay đó là du lịch xanh và phát triển những sản phẩm xanh phục vụ cho du lịch. Những sản phẩm tại phiên chợ đều là những sản phẩm thuần tự nhiên, đã đạt chứng nhận OCOP, chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hoặc những sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua những hội thi. Ví dụ, trong chuỗi sự kiện lần này có Nét hoa nghề, thông qua điều này mình có thể tổng hợp và giới thiệu các sản phẩm một cách chân thực hơn”.

Hướng đi nào để khởi nghiệp xanh của tỉnh nhà được bền vững?

Khởi nghiệp xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng và có tiềm năng vô cùng lớn trong thời đại ngày nay. Một trong những tiềm năng lớn nhất của khởi nghiệp xanh là khả năng tạo ra các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội.

Việc tập trung vào các giải pháp xanh không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo ra việc làm, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Khởi nghiệp xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của người dùng.

Sản phẩm Ngũ cốc dinh dưỡng Mẹ Tép được nhiều lứa tuổi lựa chọn là giải pháp tối ưu cho sức khỏe.

Các sản phẩm và dịch vụ xanh ngày càng được ưa chuộng, tạo ra một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xanh và khuyến khích các công ty khác đi theo con đường này để dần tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, nâng tầm chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, khởi nghiệp xanh còn thu hút sự quan tâm và hỗ trợ từ phía các tổ chức tài trợ và nhà đầu tư. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng tài trợ và đầu tư vào các khởi nghiệp xanh với hy vọng mang lại lợi nhuận kép: lợi nhuận kinh doanh và lợi ích môi trường. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển và mở rộng của các doanh nghiệp xanh, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và khuyến khích sự sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để Quảng Nam đưa kinh tế địa phương ngày một đi lên.

Tiềm năng là vậy, nhưng bên cạnh thời cơ, mô hình khởi nghiệp xanh cũng đối diện không ít thách thức. Đúng như Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An – ông Đặng Đức Vinh nhận định: “Đối với khởi nghiệp xanh, cũng như những bước đầu trong câu chuyện khởi nghiệp của các thương hiệu, cần nhìn nhận rõ những thách thức để thích ứng mới có thể đi đến con đường phát triển bền vững”.

Khởi nghiệp xanh đã trở thành một phần quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và giải quyết các vấn đề về môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, để khởi động phát triển và thúc đẩy sự chuyển đổi sang môi trường kinh doanh xanh, cần có chính sách hỗ trợ từ phía địa phương và các tổ chức liên quan.

Địa phương cần có sự linh hoạt để thúc đẩy sự sáng tạo và tăng cường sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Đồng thời, cần thiết lập các tiêu chuẩn môi trường và xã hội rõ ràng để đảm bảo các mô hình khởi nghiệp xanh tuân thủ các quy định và đạt được các mục tiêu bền vững. Nói như Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hội An – ông Lê Ngọc Thuận, dù khó khăn nhưng thế giới người ta đã hoàn thiện, thì ta cần phải tiếp cận và làm đúng theo các tiêu chí sẵn có. Phải tiếp cận các xu hướng của thế giới. Tiếp cận, học hỏi và thay đổi…

Có thể thấy, xu hướng khởi nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là một cơ hội lớn nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước, cần có sự nỗ lực của mỗi cá nhân khởi nghiệp cũng như sự quan tâm của địa phương để mô hình này ngày một phát triển; nâng cao nhận thức, hành động của người tiêu dùng trong công cuộc sống xanh, bền vững. Đồng thời, quảng bá được hình ảnh xanh sạch đẹp của địa phương với khách du lịch năm châu.