Sắp thanh tra dự án của Tập đoàn Nam Cường
Sắp thanh tra dự án BT của Tập đoàn Nam Cường
Theo quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện sắp được tiến hành thanh tra gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai.
Đoàn thanh tra gồm Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện một số đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện các sở, ngành Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Thanh tra thành phố, Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố và đại diện UBND 11 quận, huyện nơi có địa điểm sử dụng đất của đối tượng thanh tra.
Theo quyết định, Ba Vì có 2 đơn vị thuộc đối tượng thanh tra, Quốc Oai 1 đơn vị, Bắc Từ Liêm 9 đơn vị, Đông Anh 1 đơn vị, Hoài Đức 5 đơn vị, Đống Đa 4 đơn vị, Hoàng Mai 2 đơn vị, Tây Hồ 3 đơn vị, Thạch Thất 3 đơn vị, Chương Mỹ 1 đơn vị, Ba Đình 2 đơn vị.
Đáng chú ý trong danh sách thanh tra có loạt dự án của nhiều ‘ông lớn’ địa ốc, có thể kể đến như: Dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tại Thạch Thản, Ngọc Mỹ, Đồng Quang, Cẩn Hữu và thị trấn Quốc Oai thuộc huyện Quốc Oai của Tập đoàn Nam Cường, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) với dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao; Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) với dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức); Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Phát triển đô thị mới An Khánh với dự án Khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức); Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) ở dự án phần mở rộng khu B (huyện Hoài Đức); Công ty Đầu tư phát triển nhà số 12 với dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở công trình công cộng (quận Bắc Từ Liêm); Công ty cổ phần Đầu tư An Lạc với dự án Khu đô thị mới thuộc khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ TST ở dự án Khu nhà ở các lô C1B và 2A thuộc khu đô thị mới Đại học Vân Canh (huyện Hoài Đức).
Bên cạnh đó còn có các dự án của Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần xây dựng sông Hồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng IDC với các dự án ở quận Tây Hồ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Nam Cường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Đạt có các dự án huyện Thạch Thất; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Linh, Công ty cổ phần Kết Thành.
Nam Cường ‘ôm’ nhiều đất vàng rồi bỏ hoang
Tập đoàn Nam Cường vốn được biết đến là “ông trùm” bất động sản phía Bắc khi sở hữu quỹ đất rộng lớn, ở vị trí đắc địa nhờ tham gia vào các dự án BT (hợp đồng xây dựng chuyển giao).
Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy được thành lập vào năm 1984. Đến năm cuối năm 2007, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường và chính thức chuyển đổi mô hình công ty cổ phần vào tháng 8/2009, với tên giao dịch mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Thời điểm cuối năm 2016, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỷ đồng, tương đương sở hữu 94%. Bà Trần Thị Quỳnh Ngọc (SN 1991) là ái nữ của bà Ngà nắm giữ 3% vốn.
Nam Cường bắt đầu công cuộc mở rộng quỹ đất “khủng” của mình từ thời điểm năm 2008 thông qua việc tham gia vào các dự BT. Đầu tiên phải kể đến việc Nam Cường tham gia xây dựng dự án 5,1km đường trong trục phát triển phía Bắc của quận Hà Đông.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, có điểm đầu tuyến thuộc phường Vạn Phúc và điểm cuối thuộc phường Yên Nghĩa.
Thời điểm năm 2009, khi thị trường địa ốc sôi động nhất, Nam Cường là ông trùm địa ốc nắm trong tay các dự án khủng như: Dự án khu đô thị Cổ Nhuế, dự án khu đô thị Phùng Khoang và dự án khu đô thị Dương Nội (hai dự án đối ứng từ dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài).
Thời điểm đó, dù ì ạch triển khai nhưng Tập đoàn này vẫn tự tin xin đầu tư dự án Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất) và dự án Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ). Riêng hai dự án này, tổng số quỹ đất mang về cho Nam Cường có quy mô lên đến gần 1500ha.
Chưa dừng lại ở đó, Nam Cường còn muốn đầu tư thêm dự án BT Đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Theo đó, Nam Cường được giao quỹ đất đối ứng lên đến gần 2000ha bao gồm 2 dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và dự án Khu đô thị sinh thái Chương Mỹ.
Tính đến thời điểm này Nam Cường sở hữu hơn 3500ha quỹ đất và nghiễm nhiên trở thành “ông trùm” dự án.
Tuy nhiên, sau khi nhận một loạt dự án “khủng” nêu trên, năm 2010, thời điểm thị trường bất động sản có dấu hiệu suy thoái, nhìn lại tất cả những dự án ấy vẫn chỉ là đất “bỏ hoang” , gần như không thấy Nam Cường có bất cứ hoạt động nào nữa.
Không chỉ tham vọng “gom đất” ở Hà Nội, Nam Cường còn vươn tới nhiều tỉnh thành khác nhờ tham gia các dự án BT. Tại Nam Định, Nam Cường trở thành chủ của 3 khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung. Tại Hải Dương, Nam Cường có Khu đô thị phía Tây Hải Dương,…
Nhiều dự án dính ‘tai tiếng’
Có thể nói, tại Hà Nội, Nam Cường gần như thống trị quỹ đất tại khu vực phía Tây và Tây Nam thành phố.
Một trong những dự án được coi là lớn nhất của Nam Cường là Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông). Đây cũng là nơi Nam Cường chọn để đặt trụ sở chính.
Tuy nhiên, dự án đình đám này cũng từng dính ‘lùm xùm’ khi xây thừa 500 căn biệt thự và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.
Ngoài ra, thời điểm cuối năm 2021, dự án này cũng nằm trong danh sách 37 dự án dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn TP Hà Nội.
Mới đây nhất, theo thông tin từ Tạp chí Xây dựng (Bộ Xây dựng), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; các chủ đầu tư dự án và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.
Trong đó, có nêu và chỉ rõ các tồn tại trong việc điều chỉnh đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 KĐT mới Dương Nội.
Cụ thể, liên quan đến quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý theo quy hoạch được duyệt hai bên tuyến đường Tố Hữu, Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ, QHCT tỷ lệ 1/500 (lần đầu) Khu đô thị mới Dương Nội phê duyệt tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 26/12/2007 có nội dung không phù hợp so với QHCT tỷ lệ 1/2000 Trục đô thị phía Bắc TP Hà Đông (phê duyệt tại Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 14/12/2007 của UBND tỉnh Hà Tây) như: Tăng mật độ xây dựng tại lô khách sạn, HH-01, bệnh viện quốc tế; chuyển chức năng lô bệnh viện quốc tế từ “hỗn hợp” sang “bệnh viện”, không có thông tin về dân số của từng lô đất; tăng số tầng cao tại lô đất CT-05 thêm 10 tầng, lô đất CT-06 thêm 11 tầng; tăng mật độ xây dựng thêm 10%, hệ số sử dụng đất thêm 0,3 lần, là điều chỉnh quy hoạch mà không thuyết minh, tính toán sự đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 23 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 1 Điều 11 Luật Xây dựng 2003.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn nêu rõ, KĐT mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường tiến hành điều chỉnh quy hoạch mà không thuyết minh, tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không nêu lý do điều chỉnh; điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, vi phạm khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng, khoản 1 Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP.
Đáng chú ý, lô đất khách sạn hệ số sử dụng đất tăng thêm 1,5 lần, tầng cao trung bình tăng thêm 05 tầng (từ 20 tầng lên 25 tầng).
Ngoài dự án KĐT mới Dương Nội, vào thời điểm tháng 3/2021, khi Hà Nội tiến hành rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Tập đoàn Nam Cường cũng có mặt trong danh sách này với một số dự án.
Cụ thể, dự án Khu đô thị Chương Mỹ ở Đông Sơn, Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ diện tích 5.673ha của Nam Cường được quyết định giao đất, cho thuê đất ngày 28/7/2018 chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng, kết luận thanh tra dự án này không còn phù hợp quy hoạch chung của thị trấn Chúc Sơn.
Hay dự án Xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm được giao đất từ ngày 7/9/2011, diện tích chậm giải phóng mặt bằng là 475 m2. UBND TP Hà Nội yêu cầu Tập đoàn Nam Cường phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm làm việc với Học viện Kỹ thuật quân sự để làm rõ nội dung vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng diện tích trên.
TP Hà Nội cũng kiến nghị ra hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án bệnh viện quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, còn có dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam và dự án Giao đất để xây dựng trục kinh tế tại huyện Thạch Thất của Tập đoàn Nam Cường cũng bị UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật.
ANH HUY (T/H)