ISSN-2815-5823
Nguyễn Thùy
Thứ sáu, 18h17 16/02/2024

Savills điểm tên mặt bằng bán lẻ sẽ đắt khách thuê trong năm 2024

Các chuyên gia chia sẻ về triển vọng bất động sản thương mại và cho biết, nguồn cung trung tâm thương mại chất lượng cao sẽ tiếp tục tăng trong 3 năm tới tại khu vực Hà Nội và TP.HCM.

Mới đây, đơn vị nghiên cứu Savills đã công bố báo cáo, trong đó có phần đánh giá về thị trường bán lẻ năm 2024 và 2025 sẽ sôi động hơn. Động lực đến từ việc các đơn vị trong ngành đã và đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam, vốn được coi là thị trường trọng điểm của khu vực Đông Nam Á. Điều đáng nói, khách thuê trong nước lẫn ngoài nước đều đang có xu hướng dịch chuyển vào trung tâm thương mại được phát triển bài bản hơn là thuê sản phẩm nhà phố đơn lẻ.

Khách thuê trong nước lẫn ngoài nước đều đang có xu hướng dịch chuyển vào trung tâm thương mại được phát triển bài bản hơn là thuê sản phẩm nhà phố đơn lẻ. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cho biết những bài toán xây dựng danh mục khách thuê của trung tâm thương mại có phần tích cực hơn so với nhà phố. Cũng theo dữ liệu của Savills Hà Nội, công suất thuê của trung tâm thương mại cuối năm 2023 đã tăng 2% so với cùng kỳ. Đây cũng là loại hình có diện tích cho thuê thêm lớn nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất.

Xét về nguồn cung, loại hình trung tâm mua sắm từ năm 2019 cho đến nay vẫn giữ mức ổn định, ghi nhận mức tăng trưởng 2% theo năm. Tổng nguồn cung bán lẻ trong quý 4/2023 là 1,78 triệu m2, chỉ tính riêng trung tâm mua sắm là 1,1 triệu m2 và chiếm 63%. Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội nhận định, trung tâm thương mại đang là mặt bằng bán lẻ được khách thuê ưu ái nhất, đặc biệt là những mặt bằng chất lượng cao, có pháp lý đầy đủ và đảm bảo tốt yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Thực tế, trung tâm thương mại còn có thể phân khu khách thuê khoa học và tiến hành tổ chức bài bản từ chiến lược quảng cáo cho đến quản lý vận hành. Nguyên nhân bởi, các khách hàng không chỉ mong muốn tìm kiếm được nơi mua sắm thích hợp mà còn muốn trải nghiệm tổng hợp các loại hình giải trí và ẩm thực đặc sắc.

Loại hình nhà phố nếu so sánh với trung tâm thương mại sẽ có ưu thế hơn về vị trí (thuận tiện) và mức độ tiện lợi. Tuy nhiên, ở Hà Nội và TP.HCM tình trạng ế ẩm mặt bằng nhà phố tại các tuyến đường trung tâm ngày càng phổ biến. Theo các chuyên gia, nguyên do ế ẩm là bởi giá thuê cao và liên tục tăng cao, ngoài ra còn có việc cạnh tranh gay gắt với thương mại điện tử.

Bà Minh lấy ví dụ, giá thuê bán lẻ ở tầng 1 hoặc tại một số tuyến đường quan trọng trên địa phận quận Hoàn Kiếm có giá cao hơn 20% so với thời điểm trước dịch, thậm chí còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Những cửa hàng đã thuê mặt bằng từ trước dịch cũng gặp nhiều khó khăn vì chủ nhà tăng giá, lại còn phải cạnh tranh với nhiều nhãn hàng mới mở hoặc cần phải mở rộng trên cùng khu vực.

Những cửa hàng đã thuê mặt bằng từ trước dịch cũng gặp nhiều khó khăn vì chủ nhà tăng giá, lại còn phải cạnh tranh với nhiều nhãn hàng mới mở hoặc cần phải mở rộng trên cùng khu vực. (Ảnh minh họa)

Đối với triển vọng bất động sản thương mại, các chuyên gia cho biết, nguồn cung trung tâm thương mại chất lượng cao tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng trong 3 năm tới. Đáng chú ý, việc cho thuê nhà phố và khối đế bán lẻ chung cư sẽ có nhiều khó khăn; giá thuê tăng theo mặt bằng chung của trung tâm thương mại.

Nếu xét về vị trí địa lý, số lượng dự án chất lượng cao ngoài trung tâm thời gian tới dự kiến sẽ tăng, tạo cơ hội để các thương hiệu có thêm lựa chọn về vị trí cũng như khả năng chi trả. Điều đáng nói, tình trạng nguồn cung hạn chế ở các trung tâm thành phố vẫn sẽ tồn tại. Theo dữ liệu của Savills, chỉ có 0,4% nguồn cung tương lai thuộc khu vực trung tâm. Điều này khiến các nhà bán lẻ khi chọn vị trí và mô hình kinh doanh phải tiếp tục tìm kiếm giải pháp sáng tạo và linh hoạt.

2,75 triệu tỷ đồng rót vào bất động sản năm 2023

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ của lĩnh vực bất động sản tính đến cuối năm 2023 là khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, so với đầu năm đã tăng khoảng 6,75%. Trong đó, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay của tín dụng bất động sản, tăng 22%.

Trong thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tung ra một loạt giải pháp, tạo điều kiện tháo gỡ cho những dự án bất động sản đang gặp khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tại một số ngân hàng đã tăng so với cuối năm 2022, điển hình như HDBank, Techcombank, VPBank, SHB, MSB, MB và TPBank. Ngược lại, tỷ trọng cho vay bất động sản tại VIB, Kienlong Bank, PGBank, VietBank và BVBank lại giảm xuống.

Trong số những ngân hàng được công khai chi tiết, tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ cao nhất thuộc về Techcombank. Tính đến thời điểm 31/12/2023, tỷ trọng của "nhà băng đỏ" là 35,22% trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 26,44%. Đứng ở vị trí thứ hai là VPBank với tỷ trọng cho vay bất động sản 19%, cao hơn con số 14,39% của cùng kỳ năm trước.

Trong số những ngân hàng được công khai chi tiết, tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ cao nhất thuộc về Techcombank.

Tại VietBank, cho vay bất động sản đạt 19%, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2022. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng ghi nhận tỷ lệ cho vay bất động sản tăng mạnh như SHB tăng từ 8,33% lên 15,45%; MB tăng từ 4,91% lên mức 7,49%. Xét trên tổng dư nợ, MSB cũng tăng nhẹ từ 8,75% lên 8,96%, TPBank tăng từ 6,31% lên 7,12%, Saigonbank vẫn giữ nguyên mức 6%.

Một số nhà băng khác lại ghi nhận tỷ lệ này sụt giảm như: BVBank giảm nhẹ từ 14,4% xuống còn 13%, PGBank giảm từ 8% xuống 6%, KienLong Bank giảm từ 6,6% xuống còn 4%, VIB giảm từ 0,86% xuống 0,63%.

Theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, cho vay khách hàng ở nhóm này trong năm 2023 đã tăng 18% so với năm 2022 và đạt 9,8 triệu tỷ đồng. Con số này chưa gồm cho vay của Agribank cùng các ngân hàng chưa niêm yết. Còn theo báo cáo sơ bộ của Agribank, cho vay khách hàng của ngân hàng trong năm vừa qua đạt khoảng 1,55 triệu tỷ đồng.

Nếu tính cả Agribank, tổng dư nợ cho vay của 28 ngân hàng thương mại trong năm 2023 lên đến 11,303 triệu tỷ đồng, so với năm liền trước đã tăng 15,95%./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024