ISSN-2815-5823

Savills: Nhiều dự án bất động sản đi vào hoạt động trong trung hạn sẽ làm thị trường khách sạn “sôi động” hơn

Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam - ông Troy Griffiths cho biết, du lịch Hà Nội có dấu hiệu phục hồi tốt, dù không còn phụ thuộc vào nhóm khách Trung Quốc. Nhiều dự án bất động sản đi vào hoạt động ở trong trung hạn sẽ làm cho thị trường khách sạn sôi động hơn.

Có thể thấy, ngành kinh doanh khách sạn đang sôi động hơn khi mà khách du lịch quốc tế đang quay trở lại, doanh thu ngành du lịch cũng ghi nhận tốt nhất trong thời gian 5 năm qua.

Ghi nhận, phân khúc khách sạn 5 sao ở TP.HCM trong năm 2023 có sự cải thiện mạnh nhất, đạt mức 61% và giá phòng trung bình ghi nhận tăng 14% theo năm, đạt mức 2,9 triệu đồng/phòng/đêm.

Nhiều dự án bất động sản đi vào hoạt động ở trong trung hạn sẽ làm cho thị trường sôi động hơn. (Nguồn ảnh: Nhịp sống thị trường)

Công suất phòng khách sạn có sự cải thiện

Savills Việt Nam cho biết, TP.HCM đã ghi nhận được doanh thu du lịch tốt nhất trong thời gian 5 năm qua, trong năm 2023 đạt mức 160.000 tỷ đồng, tăng 22% theo năm và so với năm 2019 tăng 25%.

Và TP.HCM tiếp tục là điểm đến hàng đầu của Việt Nam trong năm 2023 khi mà chào đón 40 triệu lượt khách. Trong đó, có 5,2 triệu lượt khách quốc tế đến TP.HCM, tăng 44% theo năm và chiếm 40% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Mặc dù vậy thì con số này vẫn chỉ bằng 58% so với năm 2019.

Cũng trong năm qua, doanh thu dịch vụ lưu trú ở TP.HCM tăng 60% theo năm, đạt mức 12.000 tỷ đồng. Số liệu này tăng 6% so với năm 2019 mặc dù công suất phòng có phần kém hơn, thể hiện được sự thay đổi trong tỷ trọng phòng được thuê theo hạng. Khách sạn 5 sao chiếm 45% số phòng được thuê, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2019, trong khi phân khúc 3 sao giảm 5 điểm phần trăm, chiếm 27% thị phần.

Và tình hình hoạt động ở khách sạn tại TP.HCM được cải thiện trong năm 2023 khi mà công suất đạt 63% và tăng 18 điểm phần trăm theo năm nhưng còn thấp hơn 5 điểm phần trăm so với năm 2019 bởi khách quốc tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Phân khúc 5 sao ũng có sự cải thiện mạnh nhất, công suất tăng 20 điểm phần trăm theo năm lên mức 61% và giá phòng trung bình tăng 14% theo năm, đạt mức 2,9 triệu đồng/phòng/đêm.

Tình hình hoạt động khách sạn tại TP.HCM. (Nguồn ảnh: Savills Việt Nam)

Điều này được ghi nhận từ quý 4/2023 là mùa cao điểm ở TP.HCM với các kỳ nghỉ, hoạt động kinh doanh cũng như thương mại. Chính vì thế, trong quý này, công suất khách sạn đạt 67%, tăng 9 điểm phần trăm theo quý, 5 điểm phần trăm theo năm. Giá phòng trung bình tăng 7% theo quý, 12% theo năm và đạt mức 2 triệu đồng/phòng/đêm.

Ghi nhận, trong quý 4/2023, nguồn cung tăng 2% theo quý khi mà có thêm 5 dự án đạt xếp hạng 3 sao. Tổng nguồn cung ở TP.HCM đạt mức 15.991 phòng từ 114 khách sạn, tăng 3% theo năm, tương đương với nguồn cung của năm 2019. Có 2 khách sạn 4 sao quốc tế gia nhập trong năm 2023 bao gồm Ramada Encore Sài Gòn By Wyndham (70 phòng), Sotetsu Grand Fresa Sài Gòn (125 phòng).

Ở Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam - ông Troy Griffiths cho biết, du lịch Hà Nội có dấu hiệu phục hồi tốt, dù không còn phụ thuộc vào nhóm khách Trung Quốc. Nhiều dự án bất động sản đi vào hoạt động ở trong trung hạn sẽ làm cho thị trường sôi động hơn. Điều này cũng giúp cho công suất phòng khách sạn trong năm 2023 đạt trung bình 60% với giá thuê phòng trung bình là 2,7 triệu đồng/đêm.

Nguồn cung khách sạn sẽ tăng trong thời gian tới

Trong năm 2023, Việt Nam đã đón 120,6 triệu lượt khách, so với năm 2022 tăng 19%. Khách quốc tế đạt mức 12,6 triệu lượt khách, so với năm 2022 tăng gấp 3 lần và vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách đặt ra trong năm 2023. Mặc dù vậy thì vẫn còn nhiều cơ hội để cho ngành du lịch cải thiện bởi vì hiệu suất này hiện chỉ bằng 70% so với mức của năm 2019.

Trong năm 2024, Sở Du lịch TP.HCM cũng đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu khách nội địa. Doanh thu du lịch cũng được kỳ vọng đạt mức 190.000 tỷ đồng. Và việc hoàn thành nhà ga hành khách mới T3 ở Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến vào quý 2/2025 sẽ giải quyết được tình trạng quá tải hiện tại cũng như phục vụ lượng khách ngày càng tăng cao.

Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM - bà Cao Thị Thanh Hương cho biết, năm 2024 hứa hẹn sẽ tiếp tục phục hồi nhờ vào sự trở lại của khách Châu Á và nhu cầu du lịch trong nước. Tình hình hoạt động thời gian gần đây đã trở lại mức trước đại dịch, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng từ những thị trường nguồn.

Ngành kinh doanh khách sạn đang sôi động hơn khi mà khách du lịch quốc tế đang quay trở lại, doanh thu ngành du lịch cũng ghi nhận tốt nhất trong thời gian 5 năm qua. (Nguồn ảnh: Vneconomy)

Ở TP.HCM, đến năm 2026, có 4 khách sạn với 800 phòng xác nhận sẽ khai trương, trong khi có nhiều dự án đang trong quá trình lập kế hoạch và chưa có thời gian mở cửa cụ thể. Và vào quý 1/2024, khách sạn 5 sao Hilton Sài Gòn sẽ khai trương.

Còn ở Hà Nội, trong giai đoạn 2024 - 2026, dự kiến sẽ có 13 dự án với 2.746 phòng được đưa vào hoạt động. Trong đó thì năm 2024 sẽ có 3 dự án gia nhập thị trường bao gồm Dusit Hà Nội - Từ Hoa Palace với 207 phòng, Fusion Suites với 238 phòng, Mỹ Đình Pearl giai đoạn 2 với 500 phòng.

Những đơn vị vận hành nội địa dự kiến sẽ chiếm 70% nguồn cung tương lai với con số 1.919 phòng từ 7 dự án mới. Trong đó thì có 74% sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Những đơn vị vận hành quốc tế cũng sẽ mở 6 dự án mới tương đương với 827 phòng, chiếm 30% nguồn cung tương lai. Có khoảng 62% tổng nguồn cung quốc tế sẽ nằm trong khu vực nội thành./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024