ISSN-2815-5823
Trần Ngọc Đức
Thứ năm, 11h21 20/06/2024

Tập đoàn Petrolimex: “Cánh chim đầu đàn” của ngành xăng dầu Việt Nam

(KDPT) - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Tập đoàn Petrolimex - PLX) ban đầu là một đơn vị cung cấp xăng dầu cho hai miền Nam Bắc thời kỳ chiến tranh, nay đã trở thành tập đoàn chủ lực của nền kinh tế.

Tổng quan về Tập đoàn Petrolimex 

Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Tập đoàn Petrolimex) tiền thân là Tổng công ty Xăng dầu mỡ ra đời theo Nghị định số 09/BTN ngày 12/1/1956 của Bộ Thương nghiệp và được thành lập dựa trên Quyết định số 224/TTg ngày 17/4/1995 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập đoàn sở hữu 41 công ty thành viên, 34 chi nhánh và xí nghiệp thuộc các công ty thành viên 100% vốn nhà nước, có 23 công ty cổ phần vốn góp chi phối, 3 công ty liên doanh với nước ngoài và 1 chi nhánh tại thị trường Singapore. 

Tập đoàn Petrolimex: “Cánh chim đầu đàn” của ngành xăng dầu Việt Nam - ảnh 1

Petrolimex - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam được hình thành từ việc cấu trúc và cổ phần hóa Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Tập đoàn này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hoá dầu và đầu tư vốn vào các công ty khác để kinh doanh các ngành nghề của mình và các ngành nghề theo quy định của pháp luật.

Về sứ mệnh, Petrolimex luôn đảm bảo kịp thời và đầy đủ các chủng loại xăng dầu để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Công ty luôn tiên phong thực hiện những công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh và sản xuất để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn cũng như đảm bảo quản lý - kinh doanh có hiệu quả.

Ngoài xăng dầu, Petrolimex còn tập trung ưu tiên nghiên cứu và hoàn thiện các phương án và mô hình kinh doanh. Đồng thời lựa chọn đối tác phù hợp để phát triển dịch vụ gia tăng tại các hệ thống cửa hàng.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn Petrolimex 

Tập đoàn Petrolimex chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, còn có lọc hóa dầu và đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác để tham gia vào các ngành nghề mà công ty đang kinh doanh.

Tập đoàn Petrolimex: “Cánh chim đầu đàn” của ngành xăng dầu Việt Nam - ảnh 2

Không chỉ hoạt động sôi nổi trong các lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng và vận tải xăng dầu, dầu mỡ nhờn và các sản phẩm hóa dầu. Công ty còn đầu tư vào các ngành nghề như xây lắp, thiết kế, cơ khí, bảo hiểm, ngân hàng và các hoạt động thương mại dịch vụ khác, trong đó có những thương hiệu nổi bật như PGC, PLC, PG Tanker hay Pjico…

Lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn Petrolimex

Chặng đường gần 70 xây dựng và phát triển của tập đoàn Petrolimex luôn đi liền với các sự kiện lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Giai đoạn 1956 - 1975

Petrolimex có nhiệm vụ đảm bảo nhu cầu xăng dầu cho sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế nhằm xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại miền Bắc. Bên cạnh đó cũng cung cấp kịp thời và đầy đủ xăng dầu cho chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

Đạt được thành tích xuất sắc ở giai đoạn này, 8 đơn vị thành viên của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, công nhận 1 cá nhân Anh hùng lao động và 31 cán bộ nhân viên là liệt sĩ khi làm nhiệm vụ.

Giai đoạn 1976 - 1986

Petrolimex bắt tay vào hồi phục các cơ sở xăng dầu bị tàn phá tại miền Bắc, đồng thời quản lý các cơ sở xăng dầu cung ứng tại các tỉnh phía Nam. Song song với đó là thực hiện cung cấp nhu cầu xăng dầu cho sản xuất, đời sống nhân dân và quốc phòng để hàn gắn vết thương chiến tranh và góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Ở giai đoạn này, doanh nghiệp đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì.

Giai đoạn 1986 - 2011

Tập đoàn Petrolimex thực hiện đổi mới và phát triển theo đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Theo đó, công ty chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng từng bước trở thành hãng xăng dầu quốc gia năng động và mạnh mẽ.

Ở giai đoạn này, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhì, 114 Huân chương lao động các hạng cho tập thể và cá nhân.

Giai đoạn 2011 đến nay

Năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam được hình thành và tổ chức thành công IPO. Đến năm 2014, công ty ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với công ty JX Nippon Oil & Energy của Nhật Bản. Vào năm 2016, tập đoàn phát hành thành công cổ phần riêng lẻ.

Hai năm sau đó, ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn điện lực Việt Nam về đầu tư phát triển năng lượng sạch LNG. 

Tập đoàn Petrolimex: “Cánh chim đầu đàn” của ngành xăng dầu Việt Nam - ảnh 3

Từ năm 2020 đến nay, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam chủ yếu nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển năng lượng mới thân thiện với môi trường. 

Lĩnh vực kinh doanh phân phối xăng dầu tại Việt Nam đã có một năm 2022 gặp nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Về thuận lợi, sản lượng tiêu thụ xăng dầu đã tăng mạnh nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế hậu đại dịch.

Tuy nhiên, các yếu tố địa chính trị đã ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu thế giới khiến những đợt biến động giá tăng giảm sốc đan xen. Ngoài ra, nguồn cung xăng dầu cũng có những thời điểm khủng hoảng kéo theo biến động giá bán bất thường. Điều này đã khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác điều hành thị trường của cơ quan quản lý gặp không ít khó khăn. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu, trong đó có Petrolimex cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Doanh thu thuần hợp nhất của Petrolimex trong năm 2022 đạt 304.063 tỷ đồng, tăng 79,9% so với năm trước đó. Nhờ sản lượng và giá bán bình quân tăng mạnh nên mức doanh thu này là con số ghi nhận cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy vậy, biên lợi nhuận hợp nhất lại giảm còn 4,1% và trở thành mức thấp nhất kể từ năm 2013. Lợi nhuận gộp đạt 12.319 tỷ đồng, giảm 2,4%.

Chi phí tài chính và chi phí bán hàng gia tăng khiến Petrolimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm mạnh tới 39,2% so với năm 2021 khi đạt 1.902 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ giảm 48,9% khi đạt 1.449,8 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 98,8 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Ngoài ra cũng đã tập trung khai thác nguồn hàng chính với sự hỗ trợ lớn của tập đoàn và tổng công ty vận tải thủy. Do đó, duy trì được năng suất hoạt động đem lại hiệu quả về kinh tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024