Tập đoàn Trung Nguyên của ông vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ cùng những bước đi đầu tiên khi chuyển mình sang bất động sản
Liên quan đến Thành phố Cà phê, đây được biết đến là dự án đầu tay của “ông vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ, được khởi công vào đầu năm 2017 tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dự án có diện tích 45,45 ha. Sau 1 năm khởi công dự án do Trung Nguyên Legend làm chủ đầu tư cơ bản đã hoàn thành cơ sở hạ tầng.
Thời gian gần đây, dự án trên đã lần lượt khai trương các dự án thành phần. Cụ thể, theo cổng thông tin tỉnh Đắk Lắk, ngày 15/1 vừa qua, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã khai trương phòng trưng bày bán hàng nhằm chia sẻ thông tin về Dự án Thành phố Cà phê. Sau đó ngày 23/1 một công trình của dự án là Zen Garden cũng đã chính thức được khai trương. Dự án có quy mô 9.000 m2, bao gồm hai khu: Vườn nhiệt đới và vườn thiền.
Dự kiến trong năm 2021, Thành phố Cà phê sẽ tiếp tục khai trương các tiện ích dành cho cư dân như: Khu bắn cung, cưỡi ngựa Ả Rập, Gym, Yoga… và động thổ khởi công xây dựng trường mầm non Loving, trường tiểu học Happy và hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 dự án.
Đến năm 2026 dự án đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng 2 phân khu trên cùng 82 biệt thự, khu nhà ở tái định cư kết hợp làng văn hóa du lịch, khu trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng, công viên sinh thái văn hóa cà phê…
Nói về Tập đoàn Trung Nguyên, theo tìm hiểu Tập đoàn được thành lập vào năm 2006 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từng được mệnh danh là “vua cà phê” tại thị trường Việt, hoạt động của Trung Nguyên đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau mâu thuẫn trong nội bộ gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đặc biệt là giai đoạn năm 2018.
Cụ thể, theo thông tin từ tờ Zing.vn, năm 2018, sau khi trừ các chi phí và giá vốn hàng bán, Trung Nguyên ghi nhận gần 347 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 50% so với năm 2017. Đáng chú ý, năm 2017, Trung Nguyên thu về 681 tỷ đồng lãi trước thuế, nhưng mức này cũng đã giảm hơn 11% so với 2016. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Tập đoàn Trung Nguyên vào khoảng 6.081 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2017 nhưng vẫn thấp hơn giá trị ghi sổ cuối năm 2016.
Tuy nhiên trong những năm gần đây Tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có những bước đi mới. Giữa năm 2020 vừa qua, cụ thể là sau 25 năm, Amazon và Alibaba đã chính thức có mặt tại Việt Nam khi Tập đoàn của ông Vũ chính thức đưa sản phẩm lên hai sàn thương mại điện tử trên. Cùng thời điểm này, Trung Nguyên cũng công bố phiên bản mới cho mô hình nhượng quyền E-Coffee tại TP Hồ Chí Minh, được đặt tại một trung tâm mua sắm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).
Cùng việc đang rục rịch khai trương những dự án thành phần của Thành Phố Cà phê cùng với những bước đi mới trong vài năm qua đã cho thấy tham vọng cụ thể của Tập đoàn Trung Nguyên cũng như của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trên thương trường.
(tổng hợp)
UYỂN NHI