ISSN-2815-5823

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đón cơ hội mới trong khó khăn

(KDPT) - Dù đang trong tình trạng “ngủ đông” kéo dài nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi mới.

“Mùa đông” trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong năm 2023, nguồn cung và giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm. Sự sụt giảm này còn ảnh hưởng đến sức cầu khi hầu hết các dự án mở bán trong năm vừa qua đều bán rất chậm.

Cụ thể, đối với loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung trong năm 2023 tiếp tục giảm, chỉ bằng 42% so với cùng kỳ. Phần lớn nguồn cung đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án đã mở bán ở giai đoạn trước, còn nguồn cung đến các dự án mới chỉ tương đương 6% so với năm 2022.

Sức cầu chung trên thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp chỉ tương đương 13% so với cùng kỳ, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Phần lớn lượng giao dịch trong năm tập trung ở những dự án có mức giá bán dưới 150 tỷ đồng/căn, có pháp lý đầy đủ và được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, có năng lực tài chính mạnh.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng kết thúc một năm 2023 ảm đạm. (Ảnh minh hoạ)

Đối với loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, thị trường tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm trong suốt năm 2023, nguồn cung giảm hơn 62% so với cùng kỳ. Sức cầu chung của thị trường giảm mạnh, ghi nhận mức thấp nhất trong 6 năm qua, lượng tiêu thụ sơ cấp chỉ bằng 6% so với cùng kỳ.

Hầu hết các dự án mới đều bán rất chậm. Lượng giao dịch trong năm 2023 chủ yếu tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện, được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn. Trong khi đó, thị trường sơ cấp ghi nhận hơn 53% dự án đóng giỏ hàng không ghi nhận phát sinh giao dịch.

Tương tự loại hình condotel, nguồn cung sơ cấp giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu ở những dự án mở bán từ trước, trong khi dự án mới khá khiêm tốn bởi những rào cản pháp lý cũng như sự thận trọng của các chủ đầu tư khi đưa sản phẩm ra thị trường trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Sức cầu chung thị trường ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, lượng tiêu thụ sơ cấp chỉ bằng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các dự án mới có tình hình bán hàng chậm, trong khi đó hơn 50% dự án sơ cấp đóng giỏ hàng không ghi nhận phát sinh giao dịch.

Thanh khoản thị trường ở mức thấp, giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án có pháp lý đầy đủ, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín và có năng lực tài chính mạnh.

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng mới đều có tình hình bán hàng chậm. (Ảnh minh hoạ)

Theo ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Việt Nam, sự khó khăn chung của thị trường địa ốc cùng với sự phục hồi chưa được như kỳ vọng của ngành du lịch đã tác động lớn đến tâm lý khách hàng trong thời gian qua. Điều này đã khiến thanh khoản trên thị trường bất động nghỉ dưỡng cả nước tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Theo ông Thắng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khó phát triển bứt phá trong năm 2024 và nhiều khả năng đà giảm của thị trường vẫn tiếp tục kéo dài trong 3-5 năm tiếp theo. Mặt bằng giá sơ cấp sẽ duy trì ổn định, khó có những biến động mạnh trong năm nay. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, cam kết cho thuê, ân hạn nợ gốc... sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong năm 2024.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khó phục hồi trong ngắn hạn. (Ảnh minh hoạ)

Ghi nhận tín hiệu phục hồi mới

Giới chuyên gia DKRA Việt Nam dự báo, trong năm 2024, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ giảm hoặc chỉ tương đương với năm 2023. Sức cầu chung trên thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu của sự phục hồi trong ngắn hạn. Mặt bằng giá sơ cấp sẽ duy trì ở mức ổn định, khó có những biến động mạnh về giá trong năm nay.

Dù “mùa đông” của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ còn kéo dài trong năm 2024 nhưng hiện tại phân khúc này vẫn ghi nhận một số tín hiệu phục hồi tích cực mới. Cụ thể, theo ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels, đầu năm 2024, nguồn cầu đến từ lượng khách trong nước và quốc tế đang dần khôi phục với tốc độ ổn định. Bên cạnh đó, nguồn cung cũng đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi nhiều dự án đang trong quá trình tái khởi động.

Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang tái khởi động trở lại trong năm 2024. (Ảnh minh hoạ)

Phân tích rõ sự phục hồi trong từng phân khúc, vị chuyên gia Savills Hotels cho biết, đối với loại hình khách sạn và căn hộ dịch vụ, thị trường ghi nhận sự gia tăng về số lượng dự án đang trong quá trình hoạch định ở Hà Nội. Bên cạnh đó, phân khúc khách sạn hạng trung, cao cấp cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt ở khu vực lân cận với các khu công nghiệp. Các sản phẩm resort thuộc phân khúc hạng sang tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư.

“Chúng tôi nhận thấy thị trường M&A đang khá sôi động. Bên cạnh các dự án đang hoạt động với dòng tiền ổn định, một số dự án còn đang bị trì hoãn, phát triển dở dang trước đây cũng đang trong quá trình chuyển giao cho chủ đầu tư mới để tiếp tục phát triển và hoàn thành”, ông Mauro cho biết.

Một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang trong quá trình chuyển giao cho chủ đầu tư mới để tiếp tục phát triển. (Ảnh minh hoạ)

Đưa ra dự báo về xu thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở từng địa phương, ông Mauro cho biết, với lợi thế về hạ tầng kết nối, sản phẩm du lịch đa dạng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi trong năm 2024. Trong khi đó, thị trường khách sạn hạng sang, cao cấp tại TP.HCM được kỳ vọng duy trì lợi thế cạnh tranh trong một vài năm tới vì nguồn cung mới vẫn còn hạn chế.

Các điểm đến quen thuộc với khách nội địa như Quy Nhơn, Phú Yên cũng sẽ có thêm nhiều dự án đang hoạch định. Đồng thời, những địa phương này cũng đang chú trọng đến việc phát triển hạ tầng giao thông và các sản phẩm lưu trú cao cấp để thu hút thêm khách du lịch quốc tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024