ISSN-2815-5823

Thu từ nhà, đất ở TP.HCM tăng đột biến trước ngày áp bảng giá mới

(KDPT) - Chỉ trong một tháng qua, thu ngân sách từ nhà và đất ở TP.HCM đã tăng thêm gần 2.900 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với tháng trước đó.

Theo số liệu vừa được Cục Thống kê TP.HCM công bố, tính đến ngày 31/10/2024, các khoản thu về nhà, đất trên địa bàn thành phố đạt 13.509 tỷ đồng, tăng 144% so với con số 9.381 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, đến hết tháng 9/2024, các khoản thu này đạt 10.632 tỷ đồng, tăng gần 160% so với con số 6.648 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Như vậy, chỉ trong một tháng qua, thu ngân sách từ nhà và đất ở TP.HCM đã tăng thêm gần 2.900 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với tháng trước đó.

8 tháng đầu năm 2024, các khoản thu về nhà và đất trên địa bàn thành phố đạt 9.358 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 9, khoản thu này tăng thêm gần 1.300 tỷ đồng lên mức 10.632 tỷ đồng và sang tháng 10, khoản thu này tăng gấp đôi trong vòng một tháng lên thêm gần 2.900 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, bối cảnh các khoản thu từ nhà và đất ở TP.HCM tăng mạnh khi cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Theo nội dung bảng giá đất điều chỉnh mới được ban hành cách đây khoảng 2 tuần, giá đất tại TP.HCM sẽ tăng khoảng 4-38 lần so với giá đất hiện hành. Trong đó, giá đất cao nhất thuộc về các khu vực đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) với mức 687.200.000 đồng/m2. 

Liên quan đến việc này, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, bảng giá đất điều chỉnh sẽ tác động trực tiếp đến các cá nhân, hộ gia đình khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), hoặc xin hợp pháp hóa quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp gắn liền với nhà ở trong cùng thửa đất đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, hoặc xin tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, sẽ nộp tiền sử dụng đất cao hơn trước đây.

Bảng giá đất điều chỉnh cũng sẽ được áp dụng cho việc tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng, sẽ giúp tạo nguồn cung quỹ đất thực hiện các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị.

Theo ông Châu, bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án hiện nay được định giá đất chủ yếu theo phương pháp thặng dư nhưng sẽ tác động đến thị trường ở “pha 2” khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thì người dân có tâm lý muốn bán với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà.

Do vậy, cần có biện pháp để kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu”, “cò đất”, “doanh nghiệp bất lương” có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành bảng giá đất điều chỉnh để “kích giá”, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi bất chính.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/12/2024