ISSN-2815-5823

Tích cực tháo gỡ các dự án bất động sản chậm tiến độ

(KDPT) - Kể từ khi Tổ công tác Chính phủ vào cuộc gỡ vướng các dự án bị chậm tiến độ đến nay đã có kết quả khả quan khi nhiều dự án được tái khởi động. Dù vậy, thị trường vẫn còn nhiều dự án bị vướng mắc chưa được khơi thông. Vì thế, bài toán đặt ra là cần tích cực hơn nữa trong công tác tháo gỡ khó khăn cho dự án chậm tiến độ, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản sớm phục hồi.

Tác động tích cực từ các động thái gỡ vướng với thị trường

Thị trường bất động sản đứng trước giai đoạn khó khăn, khủng hoảng chưa từng có từ trước tới nay. Nhiều ngành nghề liên quan bị ảnh hưởng kéo theo nền kinh tế chung cũng bị lung lay. Trước khó khăn đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực vào cuộc để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Trong đó phải kể tới việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Song song với đó, hàng loạt Nghị quyết, Nghị định, Công điện, Thông tư được ban hành như Nghị quyết số 33/NQ-CP, Nghị định 08/NĐ-CP (chào bán trái phiếu), Nghị định 10/NĐ-CP (sổ hồng cho condotel), Nghị định 35/NĐ-CP, Công điện 194/2023/CĐ-TTg, Công điện số 469/2023/CĐ-TTg (tháo gỡ khó khăn bất động sản về xác định giá đất, nhà ở xã hội),… được ban hành.

Chính phủ vào cuộc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ
Chính phủ vào cuộc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ. (Ảnh minh họa)

Việc này đã tạo ra tiếng vang lớn, là “cú huých” cho thị trường bất động sản sớm được hồi phục. Kết quả sơ bộ từ đầu năm tới nay, tại TP.Hồ Chí Minh đã gỡ vướng cho 67 dự án bất động sản, tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu. Tại Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với 712 dự án ban đầu, đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Trong đó, đặc biệt có 7 dự án bất động sản lớn Tổ công tác đã trực tiếp đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn bao gồm: dự án khu dân cư Long Hưng, khu đô thị dịch vụ thương mại cù lao Phước Hưng (CĐT Donacoop); khu đô thị Đồng Nai Waterfront (CĐT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long); khu đô thị Aqua City (CĐT Tập đoàn Novaland); khu đô thị du lịch Nhơn Phước và dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng kết hợp khu dân cư tại phường Hố Nai (CĐT Tập đoàn Hưng Thịnh); dự án Khu đô thị sinh thái Long Tân (CĐT Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC). Bước đầu, các dự án này đã đạt được kết quả tích cực khi được tái khởi động trở lại.

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều dự án chưa được tháo gỡ về mặt pháp lý khiến dự án trong tình trạng treo dự án kéo dài, tổn phí nguồn nhân lực và tài chính.

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn các dự án chậm tiến độ?

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho những dự án bất động sản. Trong đó, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, những dự án chậm triển khai thì đơn vị chức năng cần tính đúng giá đất theo quy định; Quốc hội cần có phương án, ban hành nghị quyết để giải quyết vướng mắc của thị trường.

Hiện nay, Hà Nội có hơn 700 dự án đang bị chậm triển khai nhiều năm và mới đây cơ quan chức năng đã xử lý hủy hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài ngàn héc-ta.

Chính phủ vào cuộc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ

Thông tin tại phiên thảo luận, hầu hết những vướng mắc này liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, Quốc hội cần có những kế hoạch, ban hành nghị quyết để giải quyết vướng mắc của thị trường. Đối với những dự án chậm triển khai thì tính đúng giá đất sao cho phù hợp với quy định hiện hành. Đối với chủ đầu tư không còn khả năng thì có biện pháp giải quyết, tránh tình trạng để dự án kéo dài nhiều năm.

Hiện nay, nợ đọng thuế phí về đất đang tăng, đặc biệt là nợ đọng trong các dự án bất động sản. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần liệt kê cụ thể nội dung này, đặc biệt là giải pháp để thu hồi nợ đọng.

Cùng ngày, các địa biểu cùng bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như bộ, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn tín dụng ưu đãi. Chẳng hạn như, ngành chức năng tiếp tục chính sách giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; tận dụng các cơ hội chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia trong khu vực….

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Bộ Luật liên quan đến bất động sản cũng cần được triển khai nhanh chóng và đống bộ giữa các điều luật, tránh chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp và người mua nhà.

Phản ánh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho biết, hiện nay theo quy định của pháp luật đầu tư, luật nhà ở, luật đất đai, lô đất triển khai dự án phải có nguồn gốc (hoặc một phần diện tích) đất ở thì mới được triển khai dự án nhà ở thương mại. Quy định này đã khiến các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ các loại đất sản xuất - kinh doanh, đất nông lâm nghiệp bế tắc kéo dài, gây lãng phí tài sản của nhà đầu tư và toàn xã hội.

Do đó cần nghiên cứu vấn đề xem xét kiến nghị sửa đổi nội dung cho phù hợp với bối cảnh thị trường hiện nay để giải quyết tình trạng ở các dự án bất động sản.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024