Tìm cách “hạ nhiệt” giá nhà chung cư, ổn định thị trường
Người mua nhà càng chờ, giá chung cư càng tăng
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, chỉ trong vòng 4 năm qua, mức giá chung cư tại Hà Nội tăng tới 77%, 19 quý liên tiếp tăng giá. Hiện nay, gần như không còn mua được chung cư với giá dưới 30 triệu đồng/m2 tại Hà Nội. Trong giai đoạn 2023-2025, dự kiến nguồn cung nhà ở tại Hà Nội chỉ đạt được khoảng 86.700 căn, trong khi nhu cầu thực tế lên tới 157.000 căn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, căn hộ hai phòng ngủ tại một chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) thời điểm 2017-2018, có giá khoảng 1,5-1,7 tỷ đồng nhưng hiện nay đang được rao bán với giá 2,5-3 tỷ đồng.
Hay tại khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội), cách đây vài năm, chung cư tại đây có giá khoảng 18-25 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay giá được đẩy lên mức từ 30-35 triệu đồng/m2.
Nguồn cung nhà ở trung cấp bị thiếu hụt, đẩy giá nhà tăng cao, gây gánh nặng cho thị trường. (Ảnh minh họa) |
Giá của một chung cư trên đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chỉ trong 7 tháng qua cũng đã tăng từ 41 triệu đồng/m2 lên 46-48 triệu đồng/m2.
Khác hẳn với sự kỳ vọng giá căn hộ sẽ giảm khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, việc tăng giá “chóng mặt” của các chung cư tại Hà Nội trong thời gian qua khiến nhiều người dân “ngỡ ngàng”, không biết bao giờ mới có thể mua được nhà.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP. Invest phân tích, giá bán của các dự án chung cư đang tăng cao lên hàng ngày. Điều này cho thấy phân khúc ở thực, nhu cầu ở thực tăng cao trong khi nguồn cung nhà ở lại hết sức khan hiếm.
“Giá chung cư tăng cao còn khiến chính những người làm về bất động sản như chúng tôi cũng 'bất ngờ' về mức tăng “kinh khủng” như vậy. Thậm chí, có những chung cư, nhà cao tầng còn có giá lên tới hơn 200 triệu đồng/m2. Đây là điều hết sức bất hợp lý của giá nhà tăng cao”, ông Hiệp cho biết.
Trước đây, số lượng nhà ở cao cấp chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên thị trường bất động sản, tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, phân khúc này dường như đã chiếm đến 70% nguồn cung nhà ở hiện nay. Điều này đã dẫn đến nguồn nhà ở trung cấp bị thiết hụt, đẩy giá nhà tăng cao, gây gánh nặng cho thị trường.
Đa dạng hóa sản phẩm, tăng nguồn cung nhà ở
Lượng cầu sở hữu nhà ở của người dân hiện nay đang rất lớn, tuy nhiên giá nhà tăng cao đã làm giảm khả năng tiếp cận của nhiều người có thu nhập trung bình, thấp. Chính vì thế, điều cấp thiết của thị trường bất động sản chính là phải làm sao để kéo giảm giá nhà, ổn định giá hợp lý.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, nguyên nhân của sự lệch pha cung cầu trên thị trường phụ thuộc phần lớn vào những ách tắc trong pháp lý. Chỉ khi nào những khó khăn về mặt pháp lý được tháo gỡ và hoàn thiện thì bất động sản mới được khơi thông.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP. Invest |
Vị chuyên gia này đang rất kỳ vọng vào các luật mới được thông qua như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ giải quyết dứt điểm những tồn đọng vướng mắc của các dự án bất động sản.
“Khi các luật đi vào đời sống và tháo gỡ được những vướng mắc của các dự án dở dang thì nguồn cung nhà ở mới được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay, lúc ấy sẽ là thời điểm sáng sủa của thị trường”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, các địa phương cần phải thường xuyên tập hợp báo cáo của những dự án bị chậm trễ, đưa ra nguyên nhân cụ thể để có những hướng giải quyết kịp thời. Ví dụ như các vấn đề liên quan đến định giá đất, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch…
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc cải tạo lại chung cư, tập thể cũ để xây dựng các chung cư mới sẽ đóng góp thêm nguồn cung lớn cho thị trường bất động sản, phù hợp với phân khúc của người tiêu dùng cũng như chỉnh trang lại bộ mặt đô thị.
Cần đa dạng hóa sản phẩm nhà ở, kéo giảm giá nhà xuống. (Ảnh minh họa) |
Diễn biến tình hình thị trường bất động sản vẫn còn khá phức tạp do chịu nhiều tác động, giá nhà tăng cao đã làm ảnh hưởng không ít đến tâm lý của các nhà đầu tư cũng như người mua nhà. Để thị trường bình ổn giá nhà hơn thì phương án lúc này là cần có sự xuất hiện của thị trường nhà ở xã hội.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng thúc đẩy các nhóm dự án bất động sản, trong đó, các dự án nhà ở xã hội như chủ trương của Chính phủ xây dựng một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030 càng phải thúc đẩy mạnh hơn nữa. Từ đó mới đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm phù hợp túi tiền người dân, thị trường có nhiều sự lựa chọn hơn.
“Năm 2024, thị trường bất động sản sẽ hấp thụ các chính sách một cách chuyển biến rõ rệt hơn. Chính phủ cũng có nhiều chủ trương, chính sách để giúp giải tỏa những khó khăn của thị trường, phục hồi sức khỏe các doanh nghiệp tốt hơn”, ông Đính nói.
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng cần chủ động thực hiện tái cơ cấu lại phân khúc sản phẩm hướng tới nhu cầu thực nhiều hơn, giảm giá bán nhà ở sao cho hợp lý với thu nhập của người dân để có thể xoay vòng vốn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh./.