Từ “ngã rẽ” cuộc đời

Sở hữu 200.000 con gà, doanh thu ngót nghét 6 tỷ đồng mỗi tháng là mơ ước của bao chủ trang trại, gia trại. Và để có được cơ ngơi như vậy ngày hôm nay, ông Hải “tỷ phú gà đồi” đã không ít lần thoát “cửa tử” nhờ đồng vốn của Agribank. Về Tam Dương (Vĩnh Phúc) chúng tôi có dịp “mục sở thị” quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín tại trại gà Hải Thêu của gia đình ông Đào Xuân Hải, người được biết đến với tên gọi “tỷ phú gà đồi” từ năm 2015. Đến thời điểm hiện tại, trang trại có 1 khu lò ấp với hàng chục máy; hơn 30 chuồng chăn nuôi gà từ 1 ngày tuổi đến gà đang đẻ trứng, có lắp đặt máy pha thuốc, hệ thống quạt gió, giàn mát chủ động điều chỉnh nhiệt độ chuồng; một xưởng sản xuất cám với công suất 15 tấn/ngày; 2 khu nhà lạnh bảo quản trứng, vắc xin riêng biệt.

Bên cạnh đó, nhiều máy móc hiện đại khác cũng được trang bị cho chăn nuôi như dàn máy tiêm tự động bằng cảm ứng từ, dụng cụ thụ tinh nhân tạo…

Ít ai biết rằng, xuất phát điểm của trại gà Hải Thêu cũng chỉ như bao trang trại, gia trại chăn nuôi khác, thậm chí còn vô cùng gian nan. Sinh ra tại Yên Lạc (Vĩnh Phúc), hoàn thành nghĩa vụ quân sự và tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, ông Đào Xuân Hải đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại địa phương từ Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp cho tới Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã.

Cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc xuống thăm trang trại gà của gia đình ông Đào Xuân Hải
Cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc xuống thăm trang trại gà của gia đình ông Đào Xuân Hải.

Thế nhưng, một biến cố đã tạo nên “ngã rẽ” đưa ông Hải đến với con đường mở trang trại trồng cây, chăn nuôi phát triển kinh tế. “Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra”. Ngặt nỗi, ước mơ làm giàu trên quê hương Yên Lạc của ông Hải gặp trở ngại lớn khi không đủ vốn. Năm 1998, cơ hội đã đến khi ông được Agribank Tam Dương (Vĩnh Phúc) tiếp vốn. Cũng kể từ đó, ông gắn bó với vùng đất và con người Tam Dương. “Agribank Tam Dương tạo điều kiện cho tôi vay 50 triệu đồng. Tôi dùng để mua 10ha đồi trồng các cây, rồi mở rộng sang chăn nuôi. Sau đó, dư nợ tăng dần lên 80 triệu và đến nay tôi đang vay 10 tỷ, lãi suất rất thấp chỉ 4,5%/năm. Nếu không có Agribank Tam Dương, sẽ không có ông Hải của ngày nay”, tỷ phú gà đồi Đào Xuân Hải vui vẻ chia sẻ.

Đến thoát “cửa tử” nhờ vốn Agribank

Không chỉ là “bà đỡ” khi ông bắt tay vào khởi nghiệp, Agribank còn giúp gia đình ông thoát “cửa tử” 2 lần. Điều mà ông trân quý nhất là bất kỳ lúc nào gặp khó khăn, Agribank cũng luôn kề vai sát cánh. Ông Hải nhớ lại, vào đợt dịch cúm gia cầm đầu những năm 2000, đàn gà của gia đình phải tiêu hủy, mất trắng hàng trăm triệu đồng, các nguồn thu khác không có. Trong khi đó, ngoài chi phí sinh hoạt hàng ngày, hai vợ chồng còn phải lo cho các con ăn học. Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn.

Giữa lúc tưởng chừng như “mọi con đường đều là ngõ cụt”, Agribank đã kịp thời tiếp thêm vốn cho vay. Nhờ đó, ông bắt tay vào xây dựng chuồng trại khép kín. Kết hợp với việc chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình khoa học kỹ thuật, lứa gà đầu tiên đã cho thu nhập tốt, thành công đã bắt đầu mỉm cười với gia đình ông.

Ông Hải nhớ lại thời khắc khó khăn đó, tổng đàn gà đẻ có giá trị gần 40 tỷ đồng, nhưng gà con ra lò không ai mua. Gia đình thiệt hại nặng nề, nhưng ông chủ trại gà Hải Thêu quyết giữ bằng được đàn gà, giữ được công nhân và không bán tài sản, do đó, ông nghĩ phải nuôi gà thịt. Nhưng, làm thế nào khi tiền mua cám cũng không có? “Gia đình chúng tôi vay mượn người thân cũng chỉ được vài chục triệu, nên đã mạnh dạn đề nghị ngân hàng hỗ trợ. Sau khi trao đổi, Agribank quyết định cho vay 3 tỷ đồng. Nếu không có số tiền này lúc đó, chắc chắn tôi đã phá sản. Cán bộ Agribank đến còn tặng quà động viên tôi lúc ấy…”, ông Hải xúc động chia sẻ.

Cũng theo “tỷ phú gà đồi”, nhờ có Agribank, bà con nông dân tại Tam Dương (Vĩnh Phúc) nói riêng và cả nước nói chung luôn vững tin để nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu. “Quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp rất tốt, ấm áp như bạn bè”, ông Hải vui vẻ ví von.

Tập trung tối đa mọi nguồn lực hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh

Agribank vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm, nhằm đề ra phương hướng triển khai công tác, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Phạm Toàn Vượng cho biết, 10 tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Lạm phát, lãi suất ở mức cao và xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến tăng trưởng suy giảm, nguy cơ suy thoái kinh tế. Ở trong nước, việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, nền kinh tế còn chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, quy mô còn khiêm tốn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt trong thời gian gần đây, các tin đồn thất thiệt, thông tin tiêu cực đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và ngành Ngân hàng, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

 Nhờ vốn vay Agribank, ông Hải trở thành “tỷ phú gà đồi”
Nhờ vốn vay Agribank, ông Hải trở thành “tỷ phú gà đồi”.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, NHNN Việt Nam, trên cơ sở đồng thuận của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành và cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống, Agribank đã triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, góp phần quan trọng cùng ngành Ngân hàng ổn định thị trường tài chính tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Đến cuối tháng 10/2022, tổng tài sản Agribank đạt 1,82 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt 1,63 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,41 triệu tỷ đồng; thu nợ xử lý rủi ro đạt 9.064 tỷ đồng; các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định.

Khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của NHTM Nhà nước, Agribank là Ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư “Tam nông” chiếm trên 65%/tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Agribank nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...

Với phương châm “lấy khách hàng là trung tâm”, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh, Agribank phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, nhất là các sản phẩm ngân hàng hiện đại: Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ qua kênh điện tử, phát triển dịch vụ mới có tính nổi trội trên nền tảng E-Banking; tiếp tục triển khai dịch vụ tài khoản số đẹp, mở tài khoản trực tuyến eKYC; mở rộng hoạt động AutoBank CDM; ra mắt và triển khai sản phẩm thẻ chip nội địa Lộc Việt; ra mắt Ngân hàng số Agribank Digital…

Bên cạnh đó, phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, Agribank đã dành hơn 330 tỷ đồng ủng hộ công tác an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, triển khai chương trình trao tặng tủ sách, thiết bị học tập “Thêm con chữ, bớt đói nghèo” tại các địa bàn khó khăn trong cả nước…

Uy tín thương hiệu Agribank tiếp tục được nâng cao. Tổ chức Moody’s nâng xếp hạng Agribank từ mức “Ba3” lên mức “Ba2” với triển vọng “Ổn định”; Agribank xếp hạng cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam tại bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 năm 2022; Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín; Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022; Top 10 thương hiệu mạnh ngành tài chính ngân hàng năm 2022…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn đánh giá cao tinh thần chủ động, nỗ lực, trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ, người lao động toàn hệ thống. Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều khó khăn, thách thức, ông Phạm Đức Ấn đề nghị các đơn vị trong toàn hệ thống tập trung tối đa mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đảm bảo khả năng quản lý, an toàn, hiệu quả hoạt động.