ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ sáu, 11h31 01/03/2024

Ngân hàng mất dần lợi thế về bán bảo hiểm qua ngân hàng

(KDPT) - Theo báo cáo của các ngân hàng đã công bố về doanh thu bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) trong năm 2023, hầu hết con số này ghi nhận sụt giảm mạnh, cho thấy một năm đầy biến động trong lĩnh vực này.

Tụt dốc trong năm 2023

Kể từ năm 2017, bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) nở rộ với một loạt thương vụ ký kết độc quyền dài hạn (từ 15-20 năm) giữa ngân hàng và các hãng bảo hiểm nhân thọ. Thị trường bancassurance trở nên sôi động nhất trong giai đoạn 2019-2022 với nhiều thương vụ liên kết giá trị lớn. Ví dụ hợp đồng hợp tác giữa Vietcombank và FWD có giá trị 1 tỷ USD; Hợp đồng độc quyền 15 năm giữa MSB và Prudential; ACB ký kết với Sunlife, VietinBank và Manulife…

Trong giai đoạn 2020-2022, đa số các nhà băng đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ bancassurance, khi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm qua ngân hàng.

Bancassurance của ngân hàng sôi động trong giai đoạn 2020-2022

Phần lớn phí bancassurance đều đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ, doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng của mảng này trong các năm qua, từ chiếm 20% tổng phí khai thác mới của các doanh nghiệp trong ngành năm 2018 lên 40% năm 2021 và 45% năm 2022.

Hoạt động bancassurance dần là một nguồn thu chính của các ngân hàng thương mại trong giai đoạn đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nguồn thu ngoài lãi. Đối với nhiều nhà băng, đây còn được xem là “gà đẻ trứng vàng”.

Tuy nhiên đến năm 2023, hoạt động bán chéo bảo hiểm ngành ngân hàng chậm lại rõ rệt. Ngoài nguyên nhân là nền kinh tế chung đang khó khăn, khiến thu nhập người dân bị giảm sút, nhu cầu bảo hiểm cũng giảm đáng kể, thì còn đến từ sự khủng hoảng niềm tin của người dân đối với kênh này.

Trong năm qua, liên tục có những khách hàng khiếu nại về việc gửi tiết kiệm hoặc vay vốn bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ. Không ít trường hợp khách đồng ý mua bảo hiểm nhưng kiểm tra lại thì thành sản phẩm liên kết đầu tư, hay có người gửi tiết kiệm lại thành mua hợp đồng bảo hiểm.

Sau đó, các cơ quan quản lý đẩy mạnh thanh tra hoạt động và đưa ra quy định để chấn chỉnh hoạt động mua bán bảo hiểm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2023 ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm 17%; doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%.

Theo kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm của Bộ Tài chính, 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới thuộc về kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Nhưng phần lớn là bị ép buộc nên tỷ lệ hủy hợp đồng của khách hàng trong năm đầu tiên lên đến 70%.

(Nguồn: ĐTCK)
(Nguồn: ĐTCK)

Vì vậy, hầu hết các ngân hàng thương mại ghi nhận doanh thu giảm từ bancassurance trong năm 2023, tuy nhiên vẫn có những ngân hàng chưa công bố con số này.

Báo cáo thu nhập từ bancassurance của SeA Bank, Techcombank và TPBank giảm lần lượt là 73%, 62% và 57% trong năm 2023. VIB công bố thu nhập giảm 33% từ mảng này, MBB có mức giảm 19%.

Tương lai còn khó khăn

Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 18/1/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, hoạt động “gán việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng” đã bị đưa vào danh sách các hành vi bị nghiêm cấm (mục 5, Điều 15).

Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực nhận định, đây là một giải pháp đảm bảo tính đồng bộ với các quy định tại Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng sau khi nhận được nhiều khiếu nại của khách hàng trong thời gian qua.

“Quy định mới này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bancassurance, một trong những nguồn thu ngoài lãi của các tổ chức tín dụng và nhiều khả năng các tổ chức tín dụng sẽ bị giảm phần nào doanh thu mảng này trong ngắn hạn (chủ yếu là đối với sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc)” - Vị chuyên gia nói.

Giám đốc Công ty Luật Basico - Ông Trần Minh Hải phân tích, hiểu theo hướng chặt chẽ về quy định cấm “gán việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”, thì có nghĩa là các hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm đều bị cấm vì tất cả đều thuộc diện bán kèm.

Việc quản lý hoạt động bancassurance sẽ được siết chặt.

Theo Luật sư Hải, bán bảo hiểm qua ngân hàng đã là thông lệ quốc tế, không hề vi phạm, nhưng nếu không giải thích rõ ràng sẽ khiến khách hàng hiểu sai hoặc hiểu không rõ về sản phẩm là điều các ngân hàng phải xem xét lại.

Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) - Bà Trần Thị Khánh Hiền nhận định, từ nay, việc quản lý hoạt động bancassurance sẽ được siết chặt, điều này khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của ngân hàng chậm lại so với giai đoạn trước, nhất là với những ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB…

Báo cáo triển vọng ngành bảo hiểm năm 2024 của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, sau một năm đầy khó khăn, SSI kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm phục hồi khi tăng 7%, nhưng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận không diễn biến cùng chiều vì môi trường lãi suất vẫn đang là thách thức của ngành. Diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán và sự gia tăng trong tổng danh mục đầu tư có thể chưa bù đắp được cho mức giảm của lãi suất huy động.

Vì vậy, năm 2024, dự báo thu nhập tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm niêm yết sẽ không thuận lợi như năm ngoái

Theo dự báo của SSI, năm 2024, mảng bảo hiểm nhân thọ dự kiến tăng nhẹ 5%, đạt 164.000 tỷ đồng. SSI cho rằng cần có thời gian để lấy lại niềm tin của khách hàng với các sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng.

Bên cạnh đó, Thông tư 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính và Luật Các tổ chức tín dụng mới ban hành, sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu của mảng này trong ngắn hạn. Thông tư 67 sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững và minh bạch về dài hạn của ngành bảo hiểm. Song cần có thời gian để thích ứng với các thay đổi về chính sách./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024