Fintech ngày càng trỗi dậy

Fintech là từ viết tắt của Financial Technology (công nghệ tài chính), được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, công nghệ điện toán đám mây, điện thoại di động, các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng, đầu tư.

Có thể thấy, Fintech đang chứng tỏ là một trong những lĩnh vực mang đến nguồn thu khổng lồ, dự tính sẽ đạt mốc doanh thu 638 tỷ USD vào năm 2024. Thời gian qua, Fintech đã thâm nhập vào ngân hàng trực tuyến, công cụ huy động vốn cộng đồng, công cụ thanh toán di động, quản lý tài chính, hỗ trợ ra quyết định... Và Fintech đã có mặt ở khắp mọi nơi, có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng, việc làm ở trên toàn thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Fintech ngày càng trỗi dậy. (Nguồn ảnh: Internet)

Nikkei cho biết, Việt Nam thuộc nhóm thị trường Fintech cạnh tranh nhất Châu Á, đặc biệt là giữa công ty Fintech nội địa với những startup giàu tiềm lực. Cũng tương tự, trong Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam năm 2022 của Nextrans, Fintech cũng chính là mảng thu hút nhiều vốn đầu tư nhất với tổng vốn là 138 triệu USD, trong đó khởi nghiệp Fintech Việt Nam có tổng đầu tư đạt mức 137,9 triệu USD (chiếm 2,3% giá trị thương vụ ở trong khu vực).

Thực trạng phối hợp ở Việt Nam giữa ngân hàng và Fintech

Khi bàn về vai trò của Fintech trong mối quan hệ hợp tác Ngân hàng - Fintech, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - ông Phạm Tiến Dũng đánh giá, xu hướng hợp tác này là không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay. Và nhờ đến Fintech thì các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số.

Những ngân hàng đã từng trang bị dự án Mobile Banking cách đây khoảng 10 năm tuy nhiên một số đã phải dừng lại bởi vì chi phí đầu tư quá lớn. Và khi mà bắt đầu có sự hợp tác giữa Ngân hàng và Fintech thì Mobile Banking và Internet Banking trở nên tất yếu, phổ biến hơn.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - TS. Nguyễn Quốc Hùng nói rằng, theo như số liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng, qua kênh Internet là 76% về số lượng, 1,79% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tương ứng 65% và 77%; qua QR Code tăng tương ứng là 152% và 301%; qua ATM giảm 4% về số lượng, giảm 6% về giá trị.

(Nguồn ảnh: Internet)

Điều này cho thấy được rằng, xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử đang trở nên mạnh mẽ. Các ngân hàng và trung gian thanh toán được kết nối liên thông với thời gian giao dịch tính bằng giây, giá trị giao dịch qua ngân hàng tính trung bình là 900.000 tỷ đồng, tương ứng với 40 tỷ USD, với khoảng hơn 8 triệu giao dịch/ngày.

Bên cạnh đó, đã có trên 70% người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng thông qua việc chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí doanh thu của các ngân hàng cũng ghi nhận giảm khoảng 30%, góp phần tiết giảm chi phí đáng kể cho hoạt động của ngân hàng.

Và một trong những khoản đầu tư trong nước đáng chú ý như là VPBank vào FE Credit. VIB vào công ty Fintech Weezi cũng cho ra mắt sản phẩm MyVIB Keyboard - đây là một ứng dụng chuyển tiền qua mạng xã hội. Techcombank cũng đã kết hợp với Fintech Fastacash và giới thiệu tính năng F@st Mobile - đây là phương thức chuyển tiền một cách nhanh chóng qua Facebook và Google+. Vietcombank cũng hợp tác với M_Service trong việc thanh toán chuyển tiền. VietinBank cũng hợp tác với Opportunity Network (ON) nhằm cung cấp nền tảng kết nối doanh nghiệp với trên 15.000 doanh nghiệp tại 113 quốc gia, tạo ra cơ hội để mở rộng thị trường hiệu quả cho các doanh nghiệp ở trong nước với những đối tác ở nước ngoài.

Không những thế, cũng có trường hợp công ty Fintech tiến hành mua lại công ty con của ngân hàng. Điển hình như Công ty Lotte Card thuộc tập đoàn Lotte Hàn Quốc cũng đã thực hiện thương vụ thâu tóm công ty Techcom Finance (đây là công ty con của Techcombank Việt Nam) nhằm mục đích mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.

Ngân hàng - Fintech: Cần thiết lập một sân chơi “lành mạnh”

Các ngân hàng đều hiểu rõ rằng họ cần nắm giữ tài sản quý giá, đó chính là dữ liệu khách hàng, những ai nắm được nguồn dữ liệu này thì đó chính là chìa khóa tạo nên sức cạnh tranh. Trong khi đó thì các công ty Fintech qua dịch vụ của mình, có thể dần xây dựng cũng như nắm bắt, chuyển hóa phần dữ liệu này sang ngân hàng. Nhu cầu của khách hàng đối với những dịch vụ ngân hàng, quản lý tài chính đang ngày càng lớn, càng mở ra cơ hội về dữ liệu cho các ngân hàng cũng như công ty Fintech.

Cũng trong bối cảnh đó, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro mất an toàn về thông tin là rất cao. Đối với khía cạnh này, lợi ích của khách hàng phải được đặt lên trên hết. Đó không chỉ là đạo đức kinh doanh mà đó là câu chuyện sống còn của các ngân hàng. Việc đầu tư vào Fintech không chỉ để giảm chi phí, tăng độ tiện dụng mà còn để nắm giữ và bảo tồn, phát triển dữ liệu. Và số hóa cũng hứa hẹn sẽ mở rộng phạm vi về tài chính, việc tiếp cận khách hàng lúc này sẽ dễ dàng hơn, dữ liệu đầy đủ sẽ giúp cho vay được chính xác hơn.

Còn ở cấp độ rộng hơn, càng nhiều người sử dụng một nền tảng thì nó càng trở nên hữu ích, có khả năng thu hút thêm người khác. Ngành công nghiệp tài chính số vì thế mà có xu hướng trở thành công cụ của sự độc quyền khai thác về dữ liệu. Nếu như các công nghệ số được sử dụng cung cấp dữ liệu cho một chủ thể, chính phủ, các nền tảng nào đó thì khả năng giám sát, thao túng, tấn công có thể sẽ tăng lên.

(Nguồn ảnh: Nhịp sống thị trường)

Ant Group - đây là một công ty Fintech số 1 Trung Quốc và thế giới đã bị phương Tây cáo buộc là nằm ở trong sự kiểm soát, điều khiển của chính quyền Trung Quốc. Đây chính là một trong những lý do khiến cho họ không được chào đón ở thị trường nước ngoài. Facebook là công ty nhận không ít lời chỉ trích về những hành vi đạo đức kinh doanh đồng thời cũng bị phản ứng dữ dội ở trên toàn cầu khi tung tiền điện tử Libra hai năm trước.

Chính sự phát triển của Facebook, đặc biệt là ở trong ngành ngân hàng phải gắn liền với sự nỗ lực bảo vệ quyền riêng tư của mọi người khỏi các công ty lớn, các chủ đích chính trị. Khi phát triển, công nghệ tài chính trong ngân hàng cần phải được thực hiện một cách an toàn, tôn trọng quyền cá nhân của khách hàng.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngân hàng số

Thực tế, việc áp dụng những ứng dụng hay sáng tạo trong công nghệ kỹ thuật hiện đại vào lĩnh vực tài chính đã dẫn đến sự ra đời của những phần mềm, ứng dụng trực tuyến nhằm mục đích phục vụ cho các hoạt động tài chính, tiền tệ và ngân hàng. Và sự phát triển của Fintech ngày càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là ở trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Và Fintech phát triển sôi động trong thời gian qua tuy nhiên còn thiếu bất cập, thị trường thượng vàng hạ cám với một vài con sâu làm rầu nồi canh đang làm ảnh hưởng đáng kể đến cái nhìn của người dân với những công ty tài chính.

Theo giới chuyên gia, môi trường pháp lý đối với Fintech chưa rõ ràng và hoàn thiện thực sự là khó khăn đối với việc phát triển hệ sinh thái. Như thế, cơ sở pháp lý chưa quy định rõ về bản chất của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, hành lang pháp lý, điều kiện thành lập, hoạt động của các công ty Fintech. Và điều này làm cho các công ty có thể có tâm lý e ngại đầu tư phát triển những sản phẩm, dịch vụ mới bởi lo ngại sự bất ổn của môi trường pháp lý.

(Nguồn ảnh: Internet)

Cũng chính vì thế, nên chăng cần có những tiêu chí nhằm sàng lọc những công ty cho vay trực tuyến được phép hoạt động dựa trên vốn điều lệ tối thiểu và bề dày hoạt động, năng lực đội ngũ quản lý. Ngoài ra, để tránh những tình huống phát sinh tiêu cực ở trong quan hệ cho vay - đòi nợ trong thời gian vừa qua thì cần quy định mức lãi, phí tối đa mà khách hàng phải thanh toán khi trả trễ, cho phép các công ty Fintech sử dụng dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) nhằm mục đích ngăn ngừa trường hợp khách hàng bị quá tải với những khoản vay, các quy định về minh bạch thông tin đối với khách hàng, yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng.

Chỉ có như thế thì lành mạnh hóa hoạt động Fintech cũng chính là chặn đà lây lan của tín dụng đen, giảm bớt đi những hệ lụy xấu của xã hội, nền kinh tế./.