Ảnh minh họa, nguồn internet.

Nếu như người tiêu dùng chọn mua tại các kênh phân phối hiện đại tạm yên tâm vì tin rằng thương hiệu lớn phải làm ăn uy tín, thì người mua tại các cửa hàng trái cây nhỏ lẻ hay các xe bán hàng còn khó truy xuất nguồn gốc hơn.
Trong số 10 thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của VN thì gần như nước nào cũng yêu cầu phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và yêu cầu cao về chất lượng.
Trong đó, những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… yêu cầu trái cây VN xuất khẩu sang nước họ phải theo những tiêu chuẩn rất khắt khe.
Theo Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), để chuẩn bị cho một loại trái cây tươi xuất khẩu vào các nước trên phải mất từ 3-5 năm.
Không chỉ có các thị trường khó tính, mới đây thông tin từ Bộ phận Thị trường châu Á-Phi cho biết đã nhận được yêu cầu từ chính quyền tỉnh Quảng Tây để tìm ra nguồn gốc trái cây nhập khẩu VN thông qua các cửa khẩu tại tỉnh này.
Theo đó, từ ngày 1-4, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập trái cây từ VN phải cung cấp hình ảnh đóng gói có chứa dấu vết và thông tin chất lượng sản phẩm khi làm thủ tục xin giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây.
Các lô hàng cũng phải liệt kê tên của loại quả và nguồn gốc của chúng, cũng như tên và mã của các cơ sở đóng gói bằng tiếng tiếng Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thêm nhãn với thông tin, mã vạch, mã phản hồi nhanh hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất kỳ lúc nào.
Như vậy, một thị trường được coi là dễ tính như Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng trong nước và các công ty kinh doanh bài bản cũng thắc mắc tại sao VN chưa áp dụng những tiêu chuẩn này đối với trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bình đẳng cho doanh nghiệp?
Việc truy xuất nguồn gốc ban đầu sẽ gây khó khăn cho một số doanh nghiệp gom hàng đủ loại trên thị trường để xuất khẩu vì phải xây dựng vùng nguyên liệu bài bản. Nhưng về lâu dài điều này tốt cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.
Tuy nhiên, VN cũng nên áp dụng các quy định về truy xuất nguồn gốc với trái cây nhập khẩu, vì nhiều doanh nghiệp đã cố tình trộn hàng Trung Quốc với hàng cao cấp để bán cho người tiêu dùng vì không kiểm soát được nguồn gốc.
Theo Tổng cục hải quan, trong ba tháng đầu năm 2018 VN đã nhập khẩu 345 triệu USD các loại rau quả, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả của VN đi các thị trường đạt trên 970 triệu USD.
Dù thặng dư về ngành hàng rau quả và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này là rất cao nhưng trong những năm trở lại đây, tốc độ nhập khẩu rau quả còn cao hơn. Trái cây Thái Lan chiếm hơn 60% nguồn cung nhập khẩu, tiếp theo đó là Trung Quốc với gần 20%, xếp sau đó lần lượt là Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc, Chi lê…
Theo quy định của Cục bảo vệ thực vật (đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trái cây nhập khẩu) thì các yêu cầu với hàng hóa từ các nước nói trên chỉ dừng ở mức độ trái cây được đóng gói tại các cơ sở được cấp phép của nước xuất khẩu, phải được xử lý (ví dụ bảo quản lạnh) và được kiểm dịch. Những quy định chi tiết hơn về truy xuất nguồn gốc như phía Trung Quốc áp dụng với trái cây VN là chưa có.

Duy Khánh (tổng hợp)