ISSN-2815-5823

Vì sao người mua nhà vẫn còn phân vân chưa “xuống tiền”?

(KDPT) - Mặc dù thời gian qua, hàng loạt những chính sách ưu đãi được các chủ đầu tư đưa ra, cùng với đó là ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, tuy nhiên nhiều người có nhu cầu vẫn lăn tăn chưa “xuống tiền” vì cho rằng giá nhà còn cao.

Giá nhà vẫn còn cao

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, giá nhà ở chung cư thời gian qua vẫn tiếp tục có xu hướng tăng dù thị trường bất động sản vẫn đang chìm trong khó khăn. Điển hình như tại thị trường Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới trong quý III tăng gần 7% theo quý, 14% theo năm và trung bình khoảng 50,8 triệu đồng/m2. Việc giá bán có sự điều chỉnh theo xu hướng tăng là do lượng nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng áp đảo (trên 90%).

Cùng với đó, một số chủ đầu tư có sự điều chỉnh tăng giá và mở bán thêm quỹ hàng ở các tầng cao hơn. Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm. Tất cả các quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp tăng so với quý II. Trong đó tại các quận, huyện như: Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và Gia Lâm tăng trên 3%. Giá vẫn có xu hướng tăng như thế nhưng trên cả nước quý III vừa qua phân khúc căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ vẫn chỉ có 29.723 giao dịch thành công, chưa bằng quý trước.

Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua cư tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý trước. Trong đó, các căn hộ có giá từ 2 - 4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất. Tại các thành phố lớn hiện đã có dấu hiệu hấp thụ tốt, tập trung ở phân khúc chung cư, nhà ở giá dưới 10 tỷ đồng tại khu vực lõi trung tâm.

“Chung cư cũng là loại hình bất động sản ít bị ảnh hưởng nhất bởi các tác động tiêu cực của thị trường trong năm qua, do đây là loại hình phục vụ nhu cầu ở thực”, ông Hải nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại TP.HCM, giá bán thứ cấp tăng 3% so quý trước, đạt 45 triệu đồng/m2. Mức tăng chủ yếu nằm ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là các dự án cận kề trung tâm như quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức. Còn giá bán sơ cấp căn hộ tại thành phố đạt hơn 60 triệu đồng/m2.

“Cơ cấu sản phẩm nhà ở hiện nay không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị”, ông Hoàng Hải lý giải.

Nhìn nhận về việc giá nhà liên tục tăng giá, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 và “neo cao”, vượt ngoài khả năng tài chính của người thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, người nhập cư. Bởi lẽ căn hộ bình dân giá 2 - 3 tỷ đồng thì người thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành 100 triệu đồng/năm phải mất khoảng 25 năm mới mua nổi nhà.

Dự báo về giá nhà trong thời gian tới, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cấp cao chi nhánh Hà Nội, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển CBRE cho rằng, giá sẽ tiếp tục còn tăng bất chấp các khó khăn mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt.

“Mặt bằng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đang theo hướng bình ổn trở lại cũng giúp cho chủ đầu tư và người mua ở thật được tiếp cận vốn tốt hơn. Vì thế trong 1 - 2 năm tới, khi nguồn cung tiếp tục duy trì hạn chế trong khi nhu cầu lớn sẽ khiến giá bán tiếp tục neo ở mức cao”, bà Hoài An nhấn mạnh.

Người mua nhà vẫn chưa chịu “xuống tiền”

Những diễn biến thực tế cho thấy, các giải pháp gỡ vướng về pháp lý, “cởi trói” về phân lô tách thửa, đặc biệt là lãi suất ngân hàng liên tục hạ nhiệt, đang có tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư và những người mua nhà, đất có nhu cầu ở thực, qua đó đẩy lượng tìm kiếm tăng lên.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, niềm tin của khách hàng vẫn chưa thực sự trở lại và việc tìm kiếm hiện tại chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò. Điều này cũng lý giải vì sao sự quan tâm trên thị trường được cải thiện (qua lượt tìm kiếm), nhưng thanh khoản vẫn chưa tạo đột phá như kỳ vọng.

Đặc biệt, hiện nay giá nhà cứ ngày một tăng cao, vượt xa khả năng chi trả của người lao động, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp lại càng làm người có nhu cầu phải đắn đo, suy nghĩ. Hơn nữa, việc khan hiếm nguồn cung như bây giờ lại càng khiến “giấc mơ an cư” của nhiều người phải tạm gác lại.

Mặc dù thực tế, các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất, tuy nhiên nhiều người đánh giá lãi suất đã giảm nhưng vẫn ở mức khiến họ chưa quyết định “xuống tiền” ở thời điểm này.

Giá nhà cao là nguyên nhân khiến người mua vẫn phân vân chưa “xuống tiền”.
Giá nhà cao là nguyên nhân khiến người mua vẫn phân vân chưa “xuống tiền”.

Nhìn nhận về điều này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, hiện nay lãi suất cho vay của các ngân hàng đang giảm. Tuy nhiên, việc có vay ngân hàng hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tài chính của mỗi người, tức là thu nhập, tài sản... của người dân. Bởi vì, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) lại cho rằng, người dân có nhu cầu thật luôn sẵn sàng “xuống tiền” mua nhà, dù Nhà nước hay ngân hàng có chính sách hỗ trợ hay không. Do đó, vấn đề ở đây là làm sao giá nhà phải hợp lý.

“Thị trường rất cần nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền. Tuy nhiên, phần lớn các dự án nhà ở hiện nay đều nằm trong phân khúc trung, cao cấp, từ 30 triệu đồng/m2 trở lên. Vì thế, Nhà nước phải xem xét rút ngắn thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng kéo dài, chi phí xây dựng càng đội lên cao. Chi phí được tính vào giá thành nên thủ tục hành chính rút ngắn mới mong giảm giá nhà ở cho người dân”, ông Châu nhấn mạnh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024