ISSN-2815-5823
Trần Ngọc Đức
Thứ sáu, 10h03 28/06/2024

Vinatex: Tập đoàn dẫn đầu ngành dệt may Việt Nam

(KDPT) - Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) hiện đang có quy mô hoạt động khá lớn khi sở hữu hàng chục công ty con và công ty liên kết.

Tổng quan về Tập đoàn Vinatex

Nguyên là Tổng Công ty Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) ra đời vào năm 1995 dựa trên cơ sở các đơn vị quốc doanh dệt may trực thuộc Trung ương. Tập đoàn hiện đã có hơn 100 đơn vị thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học - đào tạo, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ.

Trong suốt những năm xây dựng và trưởng thành, tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp để tái tổ chức sản xuất ở những doanh nghiệp khó khăn nhằm ổn định và phát triển. Tính đến năm 2008, tập đoàn đã triển khai cổ phần hóa 77 đơn vị. Đa số các công ty đều đạt tỷ suất lợi nhuận bình quân trên vốn khoảng 20% sau khi cổ phần hóa. Ngoài ra, tổng lợi nhuận của tập đoàn liên tục tăng trên 15%/năm kể từ năm 2006.

Vinatex: Tập đoàn dẫn đầu ngành dệt may Việt Nam - ảnh 1

Cùng với các công ty con của mình, tập đoàn là hình mẫu của ngành dệt may trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp cũng như mối quan hệ lao động hài hòa và các chính sách xã hội. Người lao động trong hệ thống của Vinatex có thu nhập bình quân cao hơn 20% so với toàn ngành.

Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi

Về tầm nhìn, Vinatex muốn xây dựng giá trị và đem đến sự hài lòng cho khách hàng bằng việc thiết lập tập đoàn trở thành Nhà sản xuất dệt may hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, có thể mang đến các dịch vụ trọn gói trên toàn chuỗi cung ứng cho khách hàng, đảm bảo chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp hướng đến việc cải thiện chất lượng quản lý và nguồn nhân lực đổi mới công nghệ chuyển đổi số để đạt hiệu quả về sản xuất.

Văn hoá doanh nghiệp:

  • Hiểu những gì đang làm

  • Nhiệt huyết và có thái độ tích cực

  • Có trách nhiệm cao

  • Luôn học hỏi và tiếp thu ý kiến

  • Đổi mới sáng tạo

  • Đoàn kết hợp tác, hướng tới mục tiêu chung

Quy mô và năng lực sản xuất của Vinatex

  • Ngành sợi

Theo thông tin trên website của tập đoàn, ngành sợi có năng lực thiết kế đạt 190.000 tấn/năm. Công ty tập trung vào các sản phẩm sợi TR, sợi TC, CVC, sợi recycle, sợi cotton… Các mặt hàng này được sản xuất dựa trên dây chuyền công nghệ tiên tiến có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc và Châu Âu…

  • Ngành vải

Trong khi vải dệt thoi đạt 170 triệu m2/năm, thì vải dệt kim là 35.000 tấn/năm và dệt gia dụng 10.000 tấn/năm. Hầu hết máy dệt đều được nhập khẩu từ Nhật Bản với tỷ trọng lớn là máy dệt khí. 

Vinatex: Tập đoàn dẫn đầu ngành dệt may Việt Nam - ảnh 2
  • Ngành may

Năng lực thiết kế ngành may của Vinatex đạt 410 triệu sản phẩm mỗi năm. Hiện nay, phần lớn thiết bị đã đầu tư trong các dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất nổi tiếng trên toàn cầu, có nguồn gốc từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu.

Quá trình hình thành và phát triển của Vinatex

Tháng 4/1995, tiền thân của Tập đoàn Dệt may Việt Nam là Tổng Công ty dệt may Việt Nam chính thức được thành lập theo quyết định số 253/QĐ-TTg được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ. Sự ra đời của tập đoàn dựa trên cơ sở hợp nhất Liên hiệp sản xuất - xuất nhập khẩu may và tổng công ty dệt Việt Nam.

Đến tháng 10/1995, công ty nhận Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước. Bước sang năm 2010, vinh dự nhận Huân chương Sao vàng.

Vào năm 2014, Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam được cổ phần hoá theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Tập đoàn cũng thành công chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng.

Tháng 1/2015, tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu và được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần bởi Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội. Đến cuối năm đó, vinh dự được trao tặng phần thưởng cao quý là Danh hiệu Anh hùng lao động bởi Đảng và Nhà nước. 

Vào cuối năm 2021, Vinatex ghi nhận doanh thu năm đạt hơn 16.100 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế tăng 143% so với năm 2020 khi đạt 1.446 tỷ đồng. 

Năm 2022, thu nhập bình quân của tập đoàn ghi nhận ở mức gần 9,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 14% so với năm trước đó. Ngoài ra, đó cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất tính từ năm 2015 bởi trước đây chỉ tăng 6-7%/ năm.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, Vinatex và cả ngành dệt may đã trải qua nhiều khó khăn chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị khiến tổng cầu dệt may sụt giảm, nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ và Châu Âu giảm mạnh.

Vinatex: Tập đoàn dẫn đầu ngành dệt may Việt Nam - ảnh 3

Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2023 ghi nhận giảm 10%. Đó cũng là năm đầu tiên ghi nhận mức sụt giảm này kể từ khi thành lập tập đoàn nếu không tính năm đại dịch 2020.

Tập đoàn Vinatex đã tập trung mọi nguồn lực để có những phương án điều chỉnh và duy trì đơn hàng trong sản xuất kinh doanh trong năm 2023. Các thành viên của hệ thống đều kiên cường bám trụ để đảm bảo thu nhập và bảo toàn lao động trong chuỗi cung ứng cũng như duy trì được thị trường.

Ước tính, doanh thu hợp nhất của Vinatex năm 2023 đạt 17.225 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 377 tỷ đồng, đạt 104,4% và 101,9% tương ứng so với kế hoạch. Dù khó khăn nhưng tập đoàn đã nỗ lực đảm bảo công việc và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 qua việc giảm lợi nhuận.

Các dự báo năm 2024 đều cho thấy tín hiệu khả quan với những hi vọng nền kinh tế thế giới có sự tích cực hơn. Việt Nam được cho là một điểm đến an toàn nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn hàng quay trở lại. Thế nhưng các doanh nghiệp dệt may trong nước, trong đó có Vinatex cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng từ ngày 1/7 hay giá điện tiếp tục tăng…/.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 01/07/2024