ISSN-2815-5823

Vụ xe Mercedes GLC 200 bốc cháy: Luật sư nói gì?

(KDPT) – Như Kinh doanh và Phát triển thông tin, đã hơn 6 tháng kể từ khi chiếc xe Mercedes GLC 200 của Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT) bị cháy, nhưng phía Mercedes-Benz Việt Nam (MBV); Công ty CP truyền thông và dữ liệu thanh toán An Du (đại lý ủy quyền) vẫn chưa có động thái cụ thể trong việc bảo hành, sửa chữa cho khách hàng.

Chiếc Mercedes Benz GLC 200 của Công ty PTTM bị cháy ngày 29/6/2020.

Kinh doanh và Phát triển đã liên hệ với MBV và phía An Du với mong muốn có cái nhìn đa chiều, khách quan về sự việc này. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần phóng viên liên hệ, đến nay MBV vẫn chưa có động thái phản hồi, còn đại lý ủy quyền An Du lại tìm cách đẩy trách nhiệm sang MBV, khiến khách hàng ở vào thế mắc kẹt.

Để làm rõ hơn vấn đề này dưới góc độ pháp lý, chúng tôi đã gặp Luật sư Nguyễn Thị Điển (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Bài liên quan:
» Vụ xe Mercedes GLC 200 bốc cháy: Hành trình mòn mỏi đi tìm quyền lợi của khách hàng
» Vụ xe Mercedes GLC 200 bốc cháy: Hãng “dùng dằng”, khách hàng “ôm nỗi đắng cay”

» Vụ xe Mercedes GLC 200 bốc cháy: Đại lý ủy quyền đẩy trách nhiệm sang hãng, khách hàng mắc kẹt

PV: Khi đã có kết luận của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Mercedes vẫn không thực hiện trách nhiệm với khách hàng (đền bù, sửa chữa). Trách nhiệm của Mercedes Việt Nam và đại lý bán xe cho khách là Mercedes An Du trong trường hợp này ra sao? Khách hàng phải làm gì để đòi hỏi quyền lợi chính đáng?

Luật sư Nguyễn Thị Điển:

Căn cứ theo Điều 100 BLTTHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có qui định về kết luận giám định như sau: “Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định”.

Do đó, kết luận giám định được coi là một trong các nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh trong nhiều vụ án. Kết luận giám định của người được trưng cầu giám định có giá trị pháp lý và được dùng làm căn cứ để giải quyết thông tin về tội phạm và giải quyết vụ án nếu người được trưng cầu không thuộc trường hợp phải từ chối hoặc phải bị thay đổi.

Đối với trường hợp chiếc xe Mercedes Benz GLC 200 của công ty Cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao Công nghệ khi đang đỗ tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa bị cháy ngày 29/06/2020. Theo bản kết luận giám định số 4561/C09-P2 ngày 27/7/2020 của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì nguyên nhân cháy nổ do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện nối từ ắc quy sang cầu chì làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy xe thì là lỗi kỹ thuật.

Kết luận này được gọi là giám định tư pháp và có giá trị sử dụng làm chứng cứ chứng minh trước tòa trong trường hợp các bên xảy ra tranh chấp phải giải quyết theo con đường tố tụng tại tòa án. Khác với kết luận giám định của các tổ chức thực hiện giám định ngoài tố tụng (như Kết luận giám định của cá nhân, cơ quan, tổ chức) ngoài tố tụng thực hiện thì bản kết luận đó không có giá trị sử dụng làm chứng cứ chứng minh trước tòa mà chỉ có giá trị tham khảo.

Trường hợp chính sách bảo hành của hãng xe Mercedes Việt Nam là 03 năm, mà thời gian sử dụng xe của Công ty CP Cơ khí Chính xác và Chuyển giao công nghệ mới chỉ được 01 năm và đang trong thời gian bảo hành thì công ty này hoàn toàn có thể căn cứ vào bản kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an để yêu cầu hãng xe Mercedes Việt Nam và đại lý ủy quyền là Công ty Cổ phần Truyền Thông và dữ liệu thanh toán An Du phải có trách nhiệm bảo hành, sửa chữa cho khách hàng, căn cứ theo hợp đồng mua bán xe và chính sách bảo hành của hãng.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình trong trường hợp xe bị cháy, sau khi xác định rõ nguyên nhân cháy xe, khách hàng nên tới nơi đã mua xe (hãng xe Mercedes Việt Nam và đại lý ủy quyền là Công ty CP Truyền Thông và dữ liệu thanh toán An Du) để yêu cầu bên bán có trách nhiệm sửa chữa và bảo hành. Khách hàng cần cung cấp Hợp đồng mua bán, Phiếu bảo hành (nếu có); Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự để yêu cầu bên bán buộc phải bảo hành, sửa chữa những thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Luật sư Nguyễn Thị Điển (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Trong sự việc này, về phía cơ quan nhà nước, đơn vị nào sẽ có trách nhiệm giải quyết, nếu Mercedes-Benz vẫn lần lữa không giải quyết cho khách hàng?

Được biết Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ có ký hơp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo Long. Tuy nhiên, theo hợp đồng bảo hiểm Bảo Long đã có điều khoản qui định rõ về các trường hợp loại trừ được bảo hiểm chi trả đó là trường hợp Cháy xe: “Tự cháy do người được bảo hiểm; Người điểu khiển xe gây ra, xe đang trong giai đoạn bảo hành của nhà sản xuất mà nguyên nhân cháy do các sự cố về kỹ thuật, quá tải hay chạm điện, chập điện và các nguyên nhân tương tự khác”

Vì vậy, mà trong trường hợp này, để bảo đảm quyền lợi của mình Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ nên yêu cầu hãng xe Mercedes Việt Nam bảo hành và sửa chữa xe bị cháy. Trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được với nhau, không thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp, thì Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng theo thủ tục tố tụng dân sự (Khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 41 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010).

Nếu khách hàng tiến hành khởi kiện, các chi phí như tổn thất về tinh thần, vật chất sẽ được tính như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thị Điển:

Trong trường hợp xác định được bên hãng xe Mercedes-Benz Việt Nam là bên vi phạm hợp đồng, nếu khách hàng khởi kiện, bên vi phạm sẽ phải thực hiện bồi thường những tổn thất, thiệt hại cho khách hàng. Cụ thể:

Tại Điều 361 Bộ luật dân sư 2015 qui định về thiệt hại do vi phạm nghĩa vu hợp đồng như sau:

1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể”.

Ngoài ra, Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định, người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường những khoản sau:

– Giá trị lợi ích mà lẽ ra người đó sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại

– Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng

Vì vậy, trong trường hợp xác định được bên Hãng xe Mercedes-Benz Việt Nam sẽ phải bồi thường thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần do hành vi vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng. Cụ thể: Buộc phải có trách nhiệm bảo hành, sửa chữa chiếc xe bị cháy; bồi thường thiệt hại về tổn thất thực tế về tài sản, chi phí khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra hoặc có thể phải bồi thường thiệt hại về tinh thần đó chính là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể (nếu có).

Luật sư có ý kiến gì thêm?

Trong trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án, để có thể yêu cầu bên hãng xe Mercedes -Benz Việt Nam và đại lý ủy quyền Công ty An Du bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ cần phải xem xét lại rõ các điều khoản trong Hợp đồng mua bán xe của hai bên, cung cấp chứng cứ chứng minh nguyên nhân gây cháy là do lỗi của bên sản xuất chứ không phải lỗi từ phía chủ xe, cung cấp chứng cứ chứng minh rằng bên hãng xe Mercedes-Benz Việt Nam và đại lý ủy quyền Công ty An Du là bên cố tình không thực hiện cam kết trong hợp đồng và những thiệt hại phát thực tế xảy ra.

Trân trọng cảm ơn luật sư!

DUY VINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024