ISSN-2815-5823
Duy Khánh, Minh Thành, Phương Thúy, Sơn Hà
Thứ sáu, 16h39 19/05/2023

Bài 1: Đa dạng sinh học trong phát triển công nghiệp để làm gì?

(KDPT) - Sau khi đăng tải thông tin về cuộc thi "Xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp", Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều bài viết tham dự. Một trong số đó là bài viết: Xây dựng và phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp” của tác giả: Vũ Thị Lan Nhi – Phòng QLQH – ĐTXD – Công ty Cổ phần Shinec. Do dung lượng bài viết lớn, Ban tổ chức sẽ chia ra đăng tải nhiều kỳ để bạn đọc tiện theo dõi.
Bài 1: Đa dạng sinh học trong phát triển công nghiệp để làm gì?

Đa dạng sinh học là một số liệu môi trường thông qua đánh giá sự biến đổi các loài (động vật, thực vật, nấm, vi khuẩn, v.v.) sống trong một hệ sinh thái. Ở cấp độ vĩ mô, đa dạng sinh học góp phần duy trì các quá trình tự nhiên, đóng góp thụ động vào các hệ sinh thái hoạt động, một vài ví dụ như vòng tròn chất thải, xói mòn đất, tinh chế nước, cô lập carbon, ổn định chuỗi thực phẩm.

Mọi hoạt động của các loài sinh vật đều tác động lẫn nhau trong hệ sinh thái và ngược lại, dù lớn hay nhỏ diễn ra đều ảnh hưởng tới môi trường sống chung về mặt tích cực hoặc tiêu cực. Trong đó, con người là một cấu phần tác động lớn nhất, kết nối với thiên nhiên trong chuỗi liên kết chặt chẽ về nhiều mặt tạo sự đa dạng sinh học.

Hiện nay trong thời đại phát triển kinh tế mạnh mẽ, con người với tư duy vượt bậc đã tìm cách để tự tạo ra “sản phẩm” hữu hình và vô hình để phục vụ mục đích tồn tại và phát triển của bản thân qua việc khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra công cụ, sản xuất các sản phẩm hữu dụng,….đó là sự phát triển của nền công nghiệp.

Thiên nhiên là nguồn cung cấp tài nguyên vô giá cho con người sử dụng để tạo ra của cải thông qua các hoạt động sản xuất, khai thác khác nhau. Mối liên kết này được coi là vòng tuần hoàn, bởi vì nền công nghiệp có thể tồn tại một phần rất lớn khi thiên nhiên “dồi dào”. Với dân số và mức sống ngày càng tăng, sự phát triển công nghiệp tăng nhanh đem lại nhiều giá trị về kinh tế, tuy nhiên cũng mang theo nhiều hệ luỵ cho hệ sinh thái tự nhiên.

Thực trạng hiện nay, với cuộc đua tăng trưởng toàn cầu ở hầu hết các quốc gia phát triển và đang phát triển đã đưa đến một thách thức cho môi trường sinh thái tự nhiên khi các doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh không bền vững, mang đến các tiêu cực cho môi trường, được gọi là nền kinh tế tuyến tính. Có thể được hiểu rằng đó là hình thức doanh nghiệp khai thác các tài nguyên thiên nhiên quá mức để sản xuất các hàng hoá một cách lãng phí tài nguyên, tiêu dùng lãng phí, và sau đó thải bỏ rất nhiều và xử lý không hiệu quả các chất thải ra môi trường. Đây chính là việc lấy đi những món quà mà thiên nhiên ban tặng và trả lại môi trường những thứ độc hại nhất, dẫn đến sức khoẻ trái đất ngày một biến đổi, ô nhiễm.

Đa dạng sinh học đang bị mất với tốc độ chưa từng có và nền kinh tế tuyến tính khai thác, lãng phí và gây ô nhiễm của chúng ta ngày càng được công nhận là một trong những nguyên nhân cơ bản chính của cuộc khủng hoảng này. Ngày nay, hơn 90% tổn thất đa dạng sinh học là do khai thác và xử lý tài nguyên thiên nhiên quá mức và chưa hiệu quả.

Khi phát triển kinh tế là trọng tâm của Doanh nghiệp, mô hình kinh tế tuyến tính đã để lại hệ quả môi trường là đẩy nhanh quá trình biến tài nguyên thành chất thải dẫn đến làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường. Sức ép của nền kinh tế tuyến tính lên đa dạng sinh học đã quá sức phục hồi của môi trường, hậu quả dẫn đến biến đổi khí hậu, các thiên tai diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng như các trận động đất, sóng thần, bão tuyết, lũ lụt, thủng tầng Ozon hiệu ứng nhà kính,…

Khi các vấn đề này dần dần tác động càng rõ rệt lên đời sống của con người thì việc đầu tiên chúng ta đổ lỗi cho thiên nhiên khắc nghiệt và sau cùng khi lật lại lịch sử thì biết rằng không có gì bất ngờ khi những bất hạnh cho con người lại chính là con người tạo ra. Đó chính là sự đáp trả của thiên nhiên với chính con người khi đã mang sức ép nền kinh tế không bền vững làm tổn hại đa dạng sinh học.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ lớn ảnh hưởng tới nỗ lực chung vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bền vững. Năm 2023, Việt Nam được dự báo chịu đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán kéo dài và đón nhiều cơn bão nguy hiểm hơn, nguy cơ nước biển dâng ngày một rõ rệt. Theo số liệu đánh giá Suy giảm Đa dạng Sinh học tại Việt Nam (một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ của Sáng kiến BIODEV2030) tại Việt Nam đang phải chịu tác động từ 12 mối đe doạ khác nhau, trong đó khai thác, sử dụng tài nguyên sinh học; hoạt động sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản là những mối đe dọa lớn nhất.

Có thể thấy tầm vai trò quan trọng của Đa dạng sinh học là một thành phần cơ bản của sự tồn tại trong kinh doanh dài hạn. Bảo tồn sự đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành phần của tự nhiên và chia sẻ công bằng các lợi ích từ việc sử dụng tài nguyên chính là mục tiêu hướng đến trong sự tồn tại và phát triển công nghiệp.

Đứng trước những thách thức lớn của toàn cầu, tại COP 26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cũng tại Hội nghị lần thứ 15 Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra ở Montreal (Canada), hơn 190 quốc gia đã thông qua dự thảo "Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Montreal" nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu thoả thuận về bảo vệ và khôi phục ít nhất 30% đất đai và nước vào năm 2030. Các quốc gia giàu có cam kết trả khoảng 30 tỷ đô la mỗi năm đến năm 2030 các quốc gia kém phát triển hơn thông qua một quỹ đa dạng sinh học mới, đảm bảo có nhiều động vật, thực vật và hệ sinh thái lành mạnh hơn vào năm 2030.

Để đánh dấu thành tựu lịch sử và đáng kinh ngạc này, ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên Hợp Quốc phát động với Chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.

Trước những thách thức đó, quan điểm phát triển kinh tế hài hoà với bảo tồn thiên nhiên từ các thử nghiệm những sáng kiến, ưu tiên mang tính toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ngay tại Việt Nam đã được khuyến khích triển khai kỳ vọng phục hồi đa dạng sinh học và phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, trong đó các mô hình được quan tâm là ESG, Kinh tế tuần hoàn, KCNST. Thông qua những kinh nghiệm quốc tế, những mô hình thí điểm mới đã minh chứng được sự chuyển đổi sang mô hình bền vững không chỉ giúp giải quyết bài toán về môi trường và còn phát triển kinh tế hiệu quả hơn.

  • ESG: là một thuật ngữ chung về khung đánh giá các khía cạnh E – Môi trường (Environment), S – Xã hội (Social), G – Quản trị (Governance), là xu thế phát triển bền vững chủ đạo tại Việt Nam và thế giới hiện nay. Khái niệm ESG được dùng trong thực tiễn như một hướng dẫn cho các bên liên quan để hiểu cách thức một tổ chức quản lý rủi ro và cơ hội trên ba trụ cột E-S-G.
  • Kinh tế tuần hoàn theo Luật BVMT 2020, ở Việt Nam được xác định là “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”, đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
  • Khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định.

Các nhà đầu tư đang ngày càng nhận ra rằng họ có một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học vì ESG được nhận định rằng là “chủ đề ESG phát triển nhanh nhất trong thị trường vốn toàn cầu". Thực tế tại thế giới đã chứng minh, doanh nghiệp thực hành và công bố ESG mang nhiều lợi ích bên ngoài lẫn bên trong cho Doanh nghiệp từ việc thiết lập Tầm nhìn và Chiến lược cho Doanh nghiệp theo hướng bền vững đến việc quản trị việc phát triển kinh tế hài hoà hơn với môi trường. Trong 3 khía cạnh đó, Kinh tế tuần hoàn đáp ứng các tiêu chí chủ yếu của phát triển khía cạnh E – Môi trường, và KCNST đáp ứng 2 tiêu chí E – Môi trường và S – Xã hội.

Bền vững trở thành một yếu tố quan trọng trong quản lý rủi ro và xây dựng doanh nghiệp thành công thời đại hiện nay, tuy nhiên tại Việt Nam hiện có rất ít doanh nghiệp nhận thức được vai trò của việc phát triển bền vững. Vấn đề chuyển đổi mô hình đang là vấn đề cấp bách để đưa doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài và đủ khả năng quản trị những rủi ro trong tương lai. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi để phát triển bền vững và hiệu quả hơn.

Còn nữa...



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024