ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ ba, 20h22 12/03/2024

Bộ Xây dựng tiếp tục đề nghị doanh nghiệp giảm giá dự án nhà ở nhằm tăng thanh khoản

(KDPT) - Thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, song vẫn chưa giải quyết triệt để vướng mắc về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại phân khúc và giá bán phù hợp với thị trường, tạo dòng vốn để tiếp tục duy trì hoạt động.

Chính sách hỗ trợ thị trường chuyển biến tích cực

Trong báo cáo phục vụ cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Tổ công tác Thủ tướng sáng 11/3, Bộ Xây dựng đánh giá Chính phủ, Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng cùng các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã có những chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhất là những khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, nguồn vốn, trái phiếu…

Đáng chú ý, thời gian gần đây các bộ Luật mới đã được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. 

Qua đó, thị trường bất động sản (BĐS) cũng như việc tháo gỡ khó khăn trong khi triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường chung đã có đà hồi phục tốt hơn.

Thị trường chung đã có tín hiệu tích cực, song doanh nghiệp BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
Thị trường chung đã có tín hiệu tích cực, song doanh nghiệp BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Cơ quan quản lý nhận định: "Thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên thị trường này và các doanh nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước".

Thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã hướng dẫn cụ thể, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền. Các địa phương cũng đã ban hành một số văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành giao, đôn đốc, hướng dẫn; Tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực địa ốc, các dự án BĐS trên địa bàn.

Dù vẫn còn nhiều vướng mắc, song “nút thắt” về mặt thể chế đã được tháo gỡ nhờ các luật mới liên quan đến lĩnh vực này được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, các bộ luật mới chưa có hiệu lực thi hành trong năm nay, do đó khó khăn, vướng mắc ở thời điểm này vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

Bộ Xây dựng cho biết thêm, một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, không tích cực giải quyết, tháo gỡ khó khăn (các địa phương chỉ dừng lại ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành liên quan xem xét), chưa đưa ra kết quả giải quyết cụ thể, triệt để; Tại một số địa phương, Tổ công tác phải nhiều lần gửi văn bản đôn đốc, song vẫn không ra được kết quả giải quyết cụ thể báo cáo về Tổ công tác.

Ngoài ra, việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật vẫn còn nhiều khó khăn, đơn cử như: Tổ chức, cơ quan thực thi pháp luật mang tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý, không dám đề xuất hay tự quyết định khiến việc giải quyết bị chậm; Chưa rà soát lập danh mục các dự án BĐS, nhà ở trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến nhiều dự án bị chậm triển khai. (Ảnh minh họa)
Vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến nhiều dự án bị chậm triển khai. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Xây dựng, các địa phương chưa tập trung, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và mỗi 5 năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở; Chưa chú trọng vào cải cách thủ tục hành chính khiến kéo dài hoặc chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục triển khai dự án BĐS trên địa bàn; Chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất... 

Đề nghị, khuyến khích doanh nghiệp giảm giá dự án

Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp trong thời gian tới, theo đó sẽ tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và trình Chính phủ trong tháng 5/2024.

Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác, hướng dẫn kịp thời, tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý; Tích cực thúc đẩy các địa phương nhanh chóng giải quyết vướng mắc cho các dự án BĐS và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước ngày 30/6.

Bộ Xây dựng cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án BĐS.

Bộ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể, thúc đẩy hoạt động cho vay tín dụng đối với các chủ đầu tư dự án BĐS.

"Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh cơ chế hỗ trợ chương trình theo hướng tái cấp vốn", Bộ Xây dựng đề xuất.

Các doanh nghiệp BĐS cần cơ cấu lại danh mục sản phẩm, thực hiện các dự án phù hợp nhu cầu thị trường. (Ảnh minh họa)
Các doanh nghiệp BĐS cần cơ cấu lại danh mục sản phẩm, thực hiện các dự án phù hợp nhu cầu thị trường. (Ảnh minh họa)

Đối với doanh nghiệp BĐS, Bộ đề nghị chủ động rà soát về thủ tục pháp lý, đưa ra khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết.

Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án; Rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng nhằm triển khai mạnh và dứt điểm cho từng dự án để tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Đặc biệt, để tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư dự án điều chỉnh lại phân khúc, giá sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường, tạo được dòng vốn để duy trì hoạt động và tiếp tục thực hiện dự án.

Đối với các địa phương, Bộ đề nghị mỗi địa phương đều phải thành lập Tổ công tác để rà soát, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS trên địa bàn; Hướng tới việc giải quyết triệt để mọi khó khăn, vướng mắc của dự án BĐS./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024