"Nới" điều kiện thu nhập khi mua nhà ở xã hội: Nên có mức riêng với các thành phố lớn
Gỡ khó cho người lao động
Tại dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân của Bộ Xây dựng đã nới lỏng một số điều kiện để người mua nhà tiếp cận dễ dàng hơn với loại hình nhà ở xã hội.
Cụ thể, dự thảo của Bộ Xây dựng đã thay đổi điều kiện thu nhập của người dân tại các khoản 5,6,7,8 Điều 76 của Luật Nhà ở. Theo đề xuất mới, người mua nhà có mức thu nhập bình quân của người đứng đơn và vợ/chồng người đó không quá 15 triệu đồng/tháng. Bảng lương được tính theo bảng tiền lương, tiền công do cơ quan, đơn vị nơi người làm việc xác nhận. Mức này tăng 4 triệu so với mức đang áp dụng (11 triệu đồng/tháng). Cũng tại dự thảo, thời hạn xác định điều kiện về thu nhập là trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, đối với đối tượng quy định tại khoản 2,3,4 Điều 76 Luật Nhà ở thì phải thuộc trường hợp hộ nghèo hay cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ.
Nói về quy định hiện hành, các chuyên gia đánh giá, điều kiện để có thể mua nhà ở xã hội đó là các thành viên trong gia đình có thu nhập thường xuyên, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân - không quá 11 triệu đồng/tháng là không còn phù hợp, bởi hiện nay giá nhà ở xã hội đã tăng hơn trước đây.
Khảo sát về nhà ở xã hội của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cũng cho thấy, thực tế, những người có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng chỉ tiết kiệm được 4,7 triệu đồng cho chi trả tiền mua nhà. Khảo sát đưa ra, bình quân của một căn nhà ở xã hội là 1,5 tỷ đồng. Nếu người mua nhà đóng trước 20% giá trị và vay ngân hàng 80% với lãi suất 8-9% như hiện nay thì với thời gian 20 năm, mỗi tháng, người mua nhà phải trả cả gốc và lãi là 10 triệu đồng. Nếu tính thêm các chi phí sinh hoạt, học tập của con cái hay những chi tiêu khác thì người có thu nhập ở mức dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ gặp nhiều khó khăn khi mua nhà. Đặc biệt là tại các thành phố lớn, chi phí sinh hoạt và mức chi tiêu luôn ở mức cao.
Trao đổi với chúng tôi về tương quan mức thu nhập và chi phí để mua nhà ở xã hội, anh Quyền (quê Nam Định) cho biết, đầu năm 2023, vợ chồng anh đã làm hồ sơ để vay mua nhà ở xã hội. Vốn làm việc ở Hà Nội nhiều năm nên điều kiện về cư trú cũng như hồ sơ giấy tờ của gia đình anh không có vấn đề gì. Tuy nhiên, hồ sơ của vợ chồng anh vẫn bị loại bởi trong 1,5 năm trở lại thời điểm làm hồ sơ mua nhà, thu nhập tại cơ quan của anh là 13 triệu đồng/tháng vượt quá mức quy định để được mua nhà ở xã hội. Anh Quyền cho biết, nếu được nới điều kiện về thu nhập lên 15 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, con cái ăn học và các chi phí khác thì vợ chồng anh vẫn phải cố gắng buôn bán thêm mới đủ trang trải, chứ không chỉ dừng lại ở 15 triệu đồng/người/tháng.
Từ thực tế và tính toán này, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét để điều chỉnh, nới điều kiện phù hợp hơn, tạo điều kiện cho công nhân và người lao động có cơ hội để sở hữu “nơi an cư” của mình.
Không nên để người dân dùng quá nửa thu nhập cho việc mua nhà
Được biết, vấn đề điều kiện thu nhập của đối tượng mua nhà ở xã hội, trước đó đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội để sửa đổi Luật Nhà ở. Đa số ý kiến cho rằng, điều kiện về thu nhập (mức 11 triệu đồng/tháng) đã lỗi thời và cần thay đổi cho phù hợp. Ước tính đến năm 2025-2030, sẽ có nhiều dự án nhà ở xã hội được thông qua, những thay đổi này là hết sức cần thiết.
Đặc biệt, nếu điều kiện mua nhà ở xã hội được “nới” không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tốt hơn với chính sách nhà ở mà còn giúp những nhà phát triển nhà ở mở rộng được tệp khách hàng và từ đó có kế hoạch đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Đề xuất “nới” điều kiện về thu nhập với người mua nhà ở xã hội được dự báo sẽ giúp thị trường bất động sản sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh ý kiến tán thành việc “nới” điều kiện, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc cắt giảm thủ tục cần xây dựng phương án để hạn chế được tình trạng nhà ở xã hội rơi vào tay đầu cơ. Thực tế thời gian qua, không ít trường hợp mua nhà ở xã hội khó ở đầu vào mà không có hậu kiểm. Chính vì vậy, nhiều khu nhà ở đã xảy ra tình trạng bán không đúng đối tượng. Vì vậy, sự thông thoáng trong chính sách là quan trọng nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có hậu kiểm và buộc người mua có cam kết, nếu sai đối tượng sẽ bị thu hồi.
Từ góc độ doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, nới quy định về thu nhập lên 15 triệu đồng/tháng là phù hợp. Lý do ông Thành đưa ra là mức thu nhập đó sẽ giúp người có nhu cầu mua nhà ở đủ điều kiện mua, không phải lo “lách” quy định, vừa giúp mở rộng thêm đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Tuy vậy, ông Nghĩa đưa ra một khó khăn, đó là hiện nay, giá nhà đang tăng mạnh nên nếu giữ mức điều kiện thu nhập cũ thì rất khó để người dân có thể tiếp cận được nhà ở.
Ông Nghĩa cũng đề xuất, Chính phủ có thể xem xét nâng điều kiện đối với người dân sinh sống tại các khu đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM có thể thu nhập 20 triệu đồng/tháng vẫn đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Lý do bởi, mức chi phí sinh hoạt ở các thành phố này đắt đỏ hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác trên cả nước./.
- Ông Lê Hoàng Châu: Thị trường bất động sản đang phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn
- Thời hoàng kim của gửi tiết kiệm khép lại, nhà đầu tư nên bỏ tiền vào kênh nào để có lợi nhuận cao?
- Chuỗi Bách Hóa Xanh bứt phá doanh thu, giành ngôi ‘quán quân‘ với 31.600 tỷ đồng