ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ hai, 14h15 19/02/2024

Cần một khung tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất về xây dựng đường sắt Việt Nam

(KDPT) - Hiện nay, việc sớm thống nhất một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Theo đó, tại các tuyến đường sắt tại Việt Nam hiện giờ sử dụng một công nghệ khác nhau trong quá trình xây dựng cũng như vận hành, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình và duy tu bảo dưỡng về sau.

Khung tiêu chuẩn kỹ thuật nào cho đường sắt Việt Nam ?

Phát biểu tại phiên hội thảo 4 với chuyên đề "Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị" diễn ra tháng 1/2024, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ mục tiêu "Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội (có tính kết nối với Vùng Thủ đô) và TPHCM vào năm 2035".

Bên cạnh 10 tuyến với 417,8 km đường sắt đô thị được quy hoạch từ trước, sau khi rà soát mạng lưới giao thông, Hà Nội đã đặt vấn đề xây dựng thêm 7 tuyến, tổng chiều dài 178 km đường sắt đô thị nữa. Đó là mục tiêu rất nặng nề, đòi hỏi thành phố phải có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt.

Hiện nay, Hà Nội và TP.HCM đang đầu tư xây dựng 4 tuyến đường sắt đô thị (metro) với 4 công nghệ khác nhau phụ thuộc vào tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà tài trợ.

Việc sớm thống nhất một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết. (Ảnh minh họa)

Theo TS. Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Kỹ thuật và xây dựng Searefico, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn đường sắt đô thị TP.HCM, điều này gây ra những lãng phí về nguồn lực, không tận dụng được thiết bị, các sản phẩm kỹ thuật, đội ngũ kỹ sư lành nghề của các dự án và không thống nhất trong cách vận hành, khai thác.

TS. Phan Hữu Duy Quốc cũng nhấn mạnh đến các vấn đề tiềm tàng khi sử dụng nhiều tiêu chuẩn khác nhau như gây lãng phí nguồn lực do không tận dụng được thiết bị, sản phẩm kỹ thuật (bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…). Hay đội ngũ kỹ sư lành nghề ở dự án này có thể không có kinh nghiệm ở dự án khác.

Từ thực tế triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, các tiêu chuẩn kỹ thuật của đường sắt đô thị thiếu đồng bộ không chỉ gây ra khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình mà còn gây ra những hệ lụy nhiều năm sau. Do vậy cần xây dựng một khung tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của Việt Nam.

"Việc nghiên cứu khung kỹ thuật đường sắt Việt Nam phù hợp với khung pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng và vận hành khai thác; đáp ứng được xu thế phát triển khoa học công nghệ trên thế giới, có tính tương thích với hệ thống tiêu chuẩn chung của đường sắt và có độ mở linh hoạt để các chủ thể có thể tham gia vào đầu tư xây dựng và khai thác các tuyến đường sắt đô thị", ông Đỗ Việt Hải nói.

TS. Lê Công Thành, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của đường sắt đô thị là điều cần thiết, đặc biệt, cần thống nhất về diện tích tiết diện hầm, chuẩn hóa phương thức lấy điện của đoàn tàu đường sắt đô thị và hệ thống thông tin tín hiệu, điều khiển, kết nối với trung tâm điều hành (OCC).

"Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam nên dựa theo tiêu chuẩn Châu Âu. Các tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị cần được xây dựng dựa trên cơ sở biên soạn, chuyển đổi các tiêu chuẩn của Châu Âu (EN), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO)... thành tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện Việt Nam. Định hướng này sẽ giúp nhanh chóng xây dựng khung tiêu chuẩn liên quan và xác định các khung tiêu chuẩn các dự án đường sắt trong thời gian tới", TS. Lê Công Thành nêu ý kiến.

Đẩy mạnh xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho đường sắt đô thị

Theo TS. Lê Công Thành, do đường sắt đô thị là hệ thống phức tạp liên quan đến rất nhiều chuyên ngành, bao gồm: Công trình, cơ khí, vật liệu, điện, điện tử, thông tin tín hiệu, công nghệ thông tin… khối lượng các tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị rất lớn, trong khi nguồn lực (cả về nhân lực, kinh phí) còn hạn chế nên kết quả công tác xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đường sắt đô thị còn hạn chế.

Vì vậy, TS Lê Công Thành cho rằng, cần thiết phải có tổng hợp và so sánh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của đường sắt đô thị tại các nước phát triển trên thế giới và Việt Nam, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định hướng danh mục các tiêu chuẩn của hệ thống tiêu chuẩn cho đường sắt đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại Việt Nam, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, đang ứng dụng phổ biến trên thế giới.

Một số chuyên gia cho biết, cần phân biệt rõ giữa “Tiêu chuẩn” và “Quy chuẩn”. Quy chuẩn sẽ có những quy định về tải trọng, môi trường, các điều kiện tự nhiên của Việt Nam mà bất cứ dự án nào cũng phải tuân thủ.

Trong khi đó, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được lựa chọn áp dụng, kể cả tiêu chuẩn nước ngoài cũng được phép áp dụng nhưng điều kiệu đầu vào phải tuân thủ Quy chuẩn Việt Nam.

Việc sớm thống nhất một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết bởi với đường sắt đô thị do phải huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tính đồng bộ, tính tương thích liên quan tới các thông số kỹ thuật chủ yếu của các tuyến đường sắt đô thị.

Còn theo TS. Nguyễn Thị Hoài An, Khoa Vận tải và Kinh tế đường sắt (Trường Đại học Giao thông Vận tải), tiêu chuẩn hóa là điều kiện tiên quyết quan trọng cho sự đổi mới và sự an toàn của hệ thống đường sắt. Tiêu chuẩn là thước đo, tiềm năng kỹ thuật làm tăng khả năng đổi mới và khả năng cạnh tranh quốc tế; tăng chất lượng vận hành; tăng lợi thế về chi phí…

Nói cách khác, việc sớm có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam sẽ góp phần giúp tăng khả năng tự chủ hướng tới công nghiệp hóa ngành đường sắt, giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/05/2024