Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo khi thanh toán bằng mã QR
Công nghệ QR Code phủ sóng khắp nơi
Thanh toán không tiền mặt đã trở nên quen thuộc với anh Nguyễn Văn Vinh (Sóc Sơn, Hà Nội). Với thao tác đơn giản, chỉ với chiếc điện thoại trong tay là mọi giao dịch đều trở nên chính xác, thuận tiện. Bản thân anh Vinh và các chủ cửa hàng đều cảm thấy thoái mải.
Anh Nguyễn Huy Phong (Hà Nội), chủ tiệm tạp hóa chia sẻ: "Trước đây, khi khách hàng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, mỗi ngày, tôi nhận được rất nhiều tiền lẻ, cuối ngày phải ngồi đếm rất mất thời gian, có nhiều hôm đông khách còn trả nhầm tiền và rơi. Nhưng từ khi được ngân hàng đến tận nơi cấp mã QR Code, tôi khuyến khích khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản dù khoản thanh toán rất nhỏ chỉ từ vài nghìn đồng".
Thanh toán qua QR Code đã trở nên phổ biến với người dân hiện nay. |
Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước cho biết, thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, tất cả các cơ sở dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh hay quán trà đá vỉa hè,... đều có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức sử dụng QR Code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước. Phương thức sử dụng QR Code trong năm 2022 tăng tới hơn 225% về số lượng và 244% về giá trị so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán qua phương thức QR Code tăng tương ứng là 152% và 301% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỉnh táo với các chiêu trò lừa đảo
Với việc bùng nổ thanh toán điện tử như hiện nay, nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi cũng xuất hiện. Cuối tháng 7 vừa qua, chị N. (chủ một cửa hàng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện kẻ gian dán đè mã QR lên mã được treo phía ngoài cửa. Khi đó, khách hàng thanh toán 50.000 đồng bằng cách quét mã QR. Chờ vài phút nhưng chưa nhận được thông báo đã nhận tiền, chị nhờ khách cho kiểm tra lịch sử giao dịch. "Mã QR dẫn đến một tài khoản khác, tên là N.C.T. Lúc sau, tôi thử quét mã thì không ra số tài khoản này nữa", chủ cửa hàng kể lại.
Một nạn nhân khác là chị H (chủ cửa hàng ở Hà Nội) cho biết, để thuận tiện cho việc thanh toán, chị đã dán mã QR cá nhân ngay trên bức tường trước cửa hàng. Theo chia sẻ của chị H, một khách hàng chuyển cho chị hóa đơn trị giá hơn 200.000 nghìn đồng qua hình thức quét mã QR, nhưng tài khoản của chị không có biến động số dư, vì vậy chị đã nhờ khách cho kiểm tra lịch sử giao dịch.
Lúc kiểm tra, chị Huyền mới hốt hoảng khi tiền lại đến một số tài khoản khác. Sau đó, chị dùng điện thoại của mình quét mã thấy hiện lên số tài khoản không phải của mình, phát hiện một miếng dán mã QR khác được dán đè lên mã của mình.
Một hình thức khác là giả mạo biên lai chuyển tiền thành công cũng đã khiến nhiều người dân “sập bẫy”. Với sự xuất hiện của một số website tạo biên lai giả, ngày càng có nhiều kẻ lừa đảo lựa chọn phương thức này để chiếm đoạt tiền của người khác.
Cụ thể, chỉ cần đăng nhập số tài khoản của người bán hàng và số tiền cần chuyển, những kẻ lừa đảo sẽ có ngay một hóa đơn thanh toán giống hệt như thật. Thủ đoạn này thường được áp dụng trong các giao dịch thanh toán qua hình thức Internet Banking hay vay tiền mặt rồi trả bằng tiền chuyển khoản. Khi đó, chúng chỉ cần giơ hóa đơn thanh toán giả mạo để các nạn nhân tin tưởng rằng giao dịch chuyển tiền đã được thực hiện thành công.
Anh Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chống lừa đảo, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) cảnh báo, thời gian qua, hình thức giả mạo, dán đè mã QR đã được ghi nhận dù chưa phổ biến.
Theo anh, hình thức giả mạo mã QR nhằm đánh lừa khách hàng khi họ quét mã QR để trả tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Cách thức dễ thực hiện, khi các đối tượng lén dán hoặc đặt biển có mã QR thay thế của chủ quán.
Để hạn chế tình trạng chuyển tiền nhầm khi quét mã QR, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng mỗi lần thực hiện quét mã, nên kiểm chứng thông tin (số tài khoản, tên chủ tài khoản...) với chủ cửa hàng. Cùng với đó, các ngân hàng cũng cần có khuyến cáo chủ cửa hàng có thể kiểm tra lại camera an ninh để xem dấu hiệu của kẻ lừa đảo, người đã đặt mã QR giả mạo, báo cáo cơ quan chức năng để xử lý.