ChatGPT mất 15 giây viết dự thảo luật và được thông qua ngay lập tức
AP đưa tin, các nhà lập pháp ở một thành phố của Brazil đã thông qua đạo luật được viết bằng AI.
Vào tháng 10, các quy định ban đầu đã được thông qua ở thành phố Porto Alegre và Ủy viên hội đồng thành phố Ramiro Rosário hé lộ rằng, một chatbot đã viết nội dung đó. Điều này đã gây nên một làn sóng phản đối và nhiều người đặt ra câu hỏi về AI có vai trò gì trong chính sách công.
Ông Rosário trả lời tờ AP rằng, ông đã đề nghị ChatGPT của OpenAI đưa ra một kiến nghị để ngăn cản việc thành phố tính phí thay thế đồng hồ đo lượng nước tiêu thụ của người dân nếu chúng bị trộm mất. Sau đó, ông đã trình bày dự thảo luật sơ bộ với 35 đồng nghiệp mà không thay đổi bất kỳ điều gì, thậm chí còn cung cấp nguồn gốc của bản thảo.
ChatGPT đã đưa ra dự thảo luật chỉ sau 15 giây từ khi nhận được yêu cầu. (Ảnh minh họa) |
Theo ông Rosário, đề xuất bởi ChatGPT chắc chắn sẽ không được đưa ra bỏ phiếu nếu ông hé lộ trước đó. Hội đồng gồm 36 thành viên đã thống nhất thông qua dự thảo luật này và sắc lệnh chính thức có hiệu lực vào ngày 23/11.
Vị quan chức này khẳng định thêm, nếu dự án có nguy cơ không được thông qua chỉ vì được viết bởi AI thì sẽ không công bằng.
Chia sẻ với tờ The Washington Post, Ủy viên hội đồng cho biết, dự luật không phải là sản phẩm của nhiều ngày suy nghĩ mà xuất hiện chỉ sau 15 giây từ một đề nghị trên ChatGPT.
Với dân số 1,3 triệu người, Porto Alegre là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam Brazil. Ông Hamilton Sossmeier - Chủ tịch hội đồng thành phố đã phát hiện ra ông Rosário nhờ ChatGPT viết đề xuất và người đứng đầu của hội đồng nhận định rằng đó là một “tiền lệ nguy hiểm”.
Theo Chủ tịch hội đồng Hamilton Sossmeier, ông Rosário đã không thông báo việc ChatGPT đã viết dự thảo này cho các thành viên của hội đồng. Ông Rosário có chủ ý giữ bí mật về nguồn gốc dự thảo. Như vậy, ông có mục tiêu không chỉ là xử lý vấn đề địa phương mà còn tạo nên một cuộc tranh luận.
Ông cho rằng nhân loại sẽ đối mặt với một cuộc cách mạng công nghệ mới. Toàn bộ công cụ đã phát triển đều có thể được dùng cho mục đích tốt và xấu. Bởi vậy, đó là vì sao chúng ta cần chỉ ra cách nó được dùng cho mục đích tốt đẹp.
Những mô hình ngôn ngữ lớn hỗ trợ các chatbot như ChatGPT vận hành bằng cách thường xuyên đoán từ tiếp theo trong câu và dường như sẽ tạo nên thông tin sai lệch.
Nghiên cứu được công bố gần đây của công ty công nghệ Vectara cho thấy toàn bộ các chatbot đôi lúc cung cấp thông tin không chính xác khi tóm tắt một tài liệu, từ 3% thời gian đối với mô hình GPT tiên tiến nhất đến tỷ lệ 27% đối với một trong các mô hình của Google.
Theo Andrew Perlman, trưởng khoa của Trường Luật Đại học Suffolk, ChatGPT có thể báo trước một sự thay đổi, còn quan trọng hơn sự xuất hiện của Internet, tuy nhiên cũng cảnh báo về nhược điểm của chatbot này.
Perlman cho biết, không phải lúc nào ChatGPT cũng giải thích được sự phức tạp của luật. Bởi nó là một hệ thống máy học, do vậy có thể không có mức độ hiểu biết và phán đoán như một luật sư khi giải thích những nguyên tắc và tiền lệ pháp lý. Điều đó có thể dẫn tới những vấn đề trong khi cần có sự phân tích sâu hơn về pháp lý.
Rosário của Porto Alegre không phải nhà lập pháp duy nhất kiểm tra năng lực của ChatGPT. Trước đó, đã có những người khác làm như vậy nhưng ghi nhận kết quả kém thành công hơn.
Thượng nghị sĩ bang Dân chủ Barry Finegold tại Massachusetts cũng từng yêu cầu ChatGPT viết một dự thảo luật để điều chỉnh các mô hình AI, bao gồm cả chính chatbot này. Hồi đầu năm nay, dự luật đã được nộp và hiện vẫn chưa được bỏ phiếu./.