Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên các nền tảng thương mại điện tử

Theo Bộ Công Thương, tình trạng lừa đảo người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử diễn ra ngày càng thường xuyên với đủ các chiêu trò.

Thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng. Điển hình như việc người tiêu dùng đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do. Sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng mà người tiêu dùng đã đặt mua trên sàn. Khi giao dịch, người tiêu dùng mới phát hiện món hàng có vấn đề về chất lượng, nguồn gốc, giấy tờ giao dịch. Tuy nhiên, khi liên hệ sàn thương mại điện tử để phản ánh thì không được giải quyết vì giao dịch không được thực hiện qua sàn.

Trường hợp khác là người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo trong các chương trình khuyến mãi hoặc bị bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khi khiếu nại thì người tiêu dùng bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, do thiếu cơ sở pháp lý, công cụ nên việc xác minh hành vi vi phạm trên không gian mạng, truy tìm xử lý vụ việc, nhất là các vụ kinh doanh thông qua ứng dụng mạng xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn.

Giải pháp chuyển đổi số là cần thiết

Đây là quá trình áp dụng công nghệ mới để thay đổi mô hình từ doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số. Thông qua đó, các phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa công ty sẽ thay đổi.

Đối với khách hàng thì chuyển đổi số có thể chỉ đơn giản là xem và mua sắm các sản phẩm trên tất cả các kênh thương mại điện tử của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, website công ty, các kênh thương mại điện tử và các bộ phận liên quan như kho, kế toán, đóng hàng, vận chuyển,… đều phải vận hành liền mạch để đảm bảo trải nghiệm của người mua.

Như vậy, thương mại điện tử là 1 phần của chuyển đổi số. Áp dụng thương mại điện tử trong chuyển đổi số không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp có sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cũng có thể chuyển đổi số ngay cả khi họ không có sản phẩm để sản xuất, vận chuyển và giao hàng.

Nếu muốn tăng trải nghiệm khách hàng, doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ quản lý tích hợp với các giải pháp phần mềm để theo dõi, tổ chức tương tác cho người tiêu dùng. Một số công cụ quản lý giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng trong thương mại điện tử mà doanh nghiệp có thể tham khảo như ứng dụng Gainsight (thu thập dữ liệu khách hàng), Qualtrics (phân tích ý kiến phản hồi khách hàng), Zendesk (tương tác với khách hàng).

Một trong những giải pháp công nghệ mới mà doanh nghiệp nên ứng dụng vào thương mại điện tử là công nghệ thực tế ảo (VR). Việc ứng dụng công nghệ này sẽ nâng cao trải nghiệm, phục vụ khách hàng nhanh hơn.Thêm vào đó, doanh nghiệp không cần sáng tạo lại toàn bộ mô hình kinh doanh để thực hiện các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số mà chỉ cần ứng dụng đúng các công cụ VR/ AR phù hợp.

Đặc biệt, khi xây dựng được hệ thống quản lý hàng hoá và chống hàng giả nền tảng số, các số liệu được ghi nhận liên tục trong quá trình vận chuyển và giao dịch với khách hàng cũng sẽ là căn cứ để giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm khi gặp phải “thông tin xấu” không chính xác về sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp.

Một hệ sinh thái thương mại điện tử lành mạnh sẽ góp phần lớn cho sự phát triển bền vững của thị trường. Chuyển đổi số và thương mại điện tử có mối quan hệ khăng khít, để thành công doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp với những bước đi quyết liệt góp phần đẩy lùi vấn nạn gian lận, lừa đảo giúp môi trường kinh doanh số trở nên trong sạch, an tâm cho người dùng.