ISSN-2815-5823

Chuyển đổi số là chìa khoá phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh

(KDPT) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, kinh tế số cùng với kinh tế tri thức sẽ phát huy được phẩm chất, tiềm năng, trí tuệ của nguồn nhân lực Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chuyển đổi số hiệu quả cùng Hợp đồng điện tử có “tích xanh” MobiFone eContract Phát triển thế mạnh địa phương, khởi nghiệp nông dân trong thời đại chuyển đổi số

Sáng 11/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V năm 2023.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp công nghệ số có vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, bền vững.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Minh Khôi/VGP)

Đây cũng là dịp để Chính phủ, các nhà quản lý lắng nghe hiến kế không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, mà cả doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác, Nhà nước tìm ra động lực phát triển mới, cách tiếp cận mới, thay vì dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, ưu đãi đất đai, tài chính...

"Chuyển đổi số là cơ hội hiếm hoi cho những nước đang phát triển, đang đi sau như Việt Nam có thể đuổi kịp, vượt lên, như những thành công mà ngành viễn thông, công nghệ số đã đạt được", Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc lựa chọn chủ đề "Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động", Phó Thủ tướng cho rằng đây chính là tinh thần đổi mới sáng tạo với sự tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số. Những sản phẩm, giải pháp xuất sắc được vinh danh tại Diễn đàn là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, đội ngũ hùng hậu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Kinh tế số đang xác lập vị thế đáng tự hào và truyền cảm hứng đổi mới ở nhiều lĩnh vực khác trong ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trọng tâm là xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số, đã và đang tác động ngày càng sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Những công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, cốt lõi như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ chuỗi khối (blockchain), vi mạch bán dẫn,… đang tạo ra những thay đổi căn bản, sâu sắc, trên phạm vi rộng, xóa nhòa khoảng cách về địa lý, loại bỏ ưu thế của các phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh truyền thống, dựa vào tài nguyên thiên nhiên.

Với việc kết nối nhiều công nghệ mới, trong mọi mặt của đời sống xã hội, công nghệ số, sáng tạo số có không gian phát triển rất lớn, là "chìa khoá" phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh.

"Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là hai trụ cột, lĩnh vực đóng góp quan trọng vào kinh tế số. Đây là nguồn tài nguyên vô tận được sáng tạo, hình thành từ tư duy, trí tuệ con người. Kinh tế số cùng với kinh tế tri thức sẽ phát huy được phẩm chất, tiềm năng, trí tuệ của nguồn nhân lực Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Nhìn lại cơ hội thay đổi lớn lao từ mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tận dụng tiềm năng, thế mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tầm nhìn khác biệt để tư duy, sản phẩm, trí tuệ Việt Nam có thể toả sáng.

Theo đó, Chính phủ xác định không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số. Tài nguyên mới là dữ liệu số. Hệ sinh thái số được hình thành bao gồm thiết kế, xây dựng, chế tạo, cùng với các dữ liệu nền tảng, từng bước số hóa tất cả hoạt động kinh tế - xã hội vào lộ trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động. Thực tế đã chứng minh, chính trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và sau đại dịch với những khó khăn chưa từng có, đã tạo ra cú hích quan trọng để phát triển công nghệ số, kinh tế số.

Từ những số liệu thể hiện sự đóng góp của ngành công nghiệp số vào nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng đây là những giá trị đích thực được mang lại từ tri thức, trí tuệ của người Việt Nam. Công nghiệp số của Việt Nam đã chuyển từ gia công sang phát triển những sản phẩm mang thương hiệu "Make in Vietnam", đứng vững trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ ở trong nước, từng bước chinh phục thị trường toàn cầu.

Điều đó khẳng định tiềm năng, đóng góp thực chất, hiệu quả, bền vững của kinh tế số; và vai trò trung tâm của các doanh nghiệp công nghệ số trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả./.

HƯƠNG LAN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024