ISSN-2815-5823
Nam Khánh
Thứ tư, 13h58 02/10/2024

Chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch: Cơ hội mới để phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của đất nước

(KDPT) - Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, đời sống thể chất, tinh thần của đất nước.

Ngày 1/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình", nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) và là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.

Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 150 đại biểu tại hội trường và hơn 1.000 lượt theo dõi trực tuyến tại địa chỉ: Hoithao.cntt.gov.vn.

Động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có bài viết: "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc hội thảo.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại phiên chính của Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, năm 2024, Bộ VHTTDL đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu "Đúng - Đủ - Sạch - Sống". Việc xây dựng và phát triển CSDL hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; Góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các VĐV; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Chia sẻ tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương  - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, Đề án "ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06/CP) là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số nước ta trong 02 năm qua. Chính phủ đã xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của Chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sản xuất.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an chia sẻ tại sự kiện.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an chia sẻ tại sự kiện.

Quá trình thực hiện, Chính phủ đã nhận diện và đề ra 05 nguyên tắc để đảm bảo triển khai thành công Đề án 06 đó là: Thứ nhất, Người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, được thể hiện bằng phương pháp chỉ đạo, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian", có cơ chế kiểm tra, giám sát; Thứ hai, Nhận thức đúng và có giải pháp sáng tạo; Thứ ba, quán triệt việc triển khai để tạo giá trị "văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm"; Thứ tư, Việc tổ chức triển khai đảm bảo xuyên suốt 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã; Thứ năm, Để thực hiện thành công đề án phải hoàn thiện được 5 vấn đề về "pháp lý, hạ tầng công nghệ, tạo lập dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực (kinh phí và con người) để triển khai".

Tính hiệu quả của hệ thống CSDL ngành VHTTDL

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, đối với ngành du lịch, dữ liệu là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện chuyển đổi số thành công, phát triển du lịch thông minh. Xây dựng kho dữ liệu số, đặc biệt phát triển các cơ sở dữ liệu là một nhiệm vụ cần thiết nhằm giúp cho công tác quản lý ngành thực chất, hiệu quả, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành du lịch.

Đối với ngành di sản, TS. Phạm Thị Khánh Ngân - Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết, theo thống kê của Cục Di sản văn hóa đến tháng 12/2023 nêu hiện trạng về số lượng di tích, di sản tại Việt Nam. Theo bà Ngân , với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.

Chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch: Cơ hội mới để phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của đất nước - ảnh 3

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lý Đức Thùy - Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Cục Thể dục thể thao cho biết, Ngành Thể dục thể thao đã ưu tiên đầu tư triển khai xây dựng, phát triển và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý huấn luyện, đào tạo VĐV các đội tuyển. Các hệ thống thông tin quản lý, điều hành tác nghiệp được xây dựng nhằm hỗ trợ cho quá trình tương tác giữa VĐV, HLV và nhà quản lý trong quá trình huấn luyện.

Ở góc độ địa phương, ông Phạm Quốc Hoàn - Đại diện Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm qua, nhất là từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã "đi trước, đón đầu" trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, ở tất cả các lĩnh vực và xác định lấy hiện đại hóa nền hành chính làm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh, Đề án chuyển đổi số.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ cần có tính tổng thể, đồng bộ, để các địa phương không phải sử dụng nhiều phần mềm. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể và kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu ngành để địa phương không gặp khó khăn trong việc chủ động triển khai các hệ thống.

Giải pháp đảm bảo an toàn của hệ thống dữ liệu

Về vấn đề bảo mật và an ninh an toàn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cho rằng, đây là vấn đề mà các đơn vị quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cần được quan tâm hơn bao giờ hết trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, các Trung tâm dữ liệu đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Vấn đề nhận thức về an toàn thông tin và việc tuân thủ quy trình vận hành, quản trị hệ thống của nhân viên là những yếu tố then chốt.

Ông Nguyễn Văn Hân - Giám đốc Giải pháp An toàn thông tin - Hạ tầng Cloud, Tập đoàn VNPT đã chia sẻ tham luận với chủ đề: "Mô hình, giải pháp đảm bảo ATTT, hạ tầng tập trung trên nền tảng điện toán đám mây". Về giải pháp an toàn thông tin cho ngành VHTTDL, ông Hân cho rằng, mục tiêu ngắn hạn là phải phát hiện lỗ hổng, ngăn chặn tấn công. Trung hạn đó là hình thành năng lực hạ tầng nhân sự và dài hạn là xây dựng kiến trúc và duy trì nhận thức.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Văn Hân cũng chia sẻ lộ trình các bước cụ thể nếu doanh nghiệp này được tham gia vào xây dựng giải pháp an toàn thông tin cho ngành VHTTDL đó là: Khảo sát hiện trạng (hạ tầng, nghiệp vụ...), tìm hiểu mục đích, nhu cầu của khách hàng; Xây dựng phương án tổng thể để nâng cao an toàn an ninh mạng tại tổ chức của khách hàng; Nếu điều kiện phù hợp có thể dùng thử/thử nghiệm sản phẩm dịch vụ (ở quy mô vừa phải); Thực hiện các thủ tục để ký kết hợp đồng giữa khách hàng và VNPT; VNPT triển khai cung cấp sản phẩm dịch vụ theo hợp đồng đã ký kết; VNPT thực hiện đào tạo hướng dẫn sử dụng các nội dung liên quan trước khi nghiệm thu bàn giao.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Bộ VHTTDL sẽ tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành VHTTDL, tạo sự kết nối với các dữ liệu khác, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số, giúp cho công tác quản trị, điều hành và hoạch định chính sách./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/11/2024