Chuyển đổi số thư viện thúc đẩy văn hóa đọc thời công nghệ số
Xu thế tất yếu hiện nay
Chuyển đổi số đang và sẽ trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trong hoạt động của thư viện, trở thành xu hướng phát triển tất yếu của lĩnh vực thư viện hiện nay. Sự khác biệt của Thư viện thông minh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam so với thư viện truyền thống không đơn thuần là về mô hình, số lượng hoạt động, hiệu quả của thư viện; mà chính là chất lượng và công nghệ trợ giúp cho hoạt động thư viện, hình thức tổ chức kho tài liệu và nhất là đội ngũ cán bộ thư viện.
Mô hình thư viện thông minh cần được phổ biến rộng khắp, tạo văn hóa đọc thông minh thời công nghệ số. Ảnh minh họa |
Theo định hướng của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng thư viện điện tử đến nay là thư viện số đã được triển khai rộng khắp, nhiều thư viện đã phát triển được nguồn dữ liệu số tương đối lớn. Chuyển đổi số ngành thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả, giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.
Để tạo nên thư viện thông minh, cần có ba yếu tố cơ bản là công nghệ - dữ liệu - con người. Trong đó, hai nội hàm quan trọng nhất là tư liệu sản xuất và con người để tạo ra dữ liệu (bộ sưu tập số, cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu toàn văn, tài nguyên thông tin - thư viện...) trong các cơ quan thư viện. Đây sẽ là nguồn lực cơ bản và quan trọng nhất để các thư viện phục vụ người đọc/người dùng tin.
Số liệu thống kê cho thấy, việc chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số được các thư viện quan tâm thực hiện. Nhiều thư viện đã phát triển được nguồn dữ liệu số tương đối lớn. Đơn cử, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thư mục lớn khoảng 1 triệu biểu ghi. Đến nay, thư viện đã có được một lượng tài nguyên thông tin dạng số khoảng hơn 180.000 tên sách, số báo, tương đương khoảng trên 10 triệu trang tài nguyên số đưa vào phục vụ, thông qua khai thác trực tuyến và truy cập trong mạng nội bộ (LAN), phổ biến rộng rãi nguồn tri thức của dân tộc.
Thư viện luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Với tư cách là cơ quan thông tin, giáo dục ngoài nhà trường, thư viện là nơi cung cấp thông tin và tri thức cho mọi cá nhân và tổ chức xã hội, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, sản xuất, kinh doanh và cả lao động, sáng tạo... Thông tin, tri thức có trong thư viện là kho tàng tri thức của nhân loại, được tích lũy qua nhiều thế hệ, đã được trao truyền, kế thừa cho các đời sau.
Ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng thư viện
Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho biết, trong thời đại 4.0, thông tin, tri thức trong hệ thống Thư viện thông minh được chuyển tải nhanh chóng tới người đọc qua mạng internet. Tạo không gian lý tưởng để giao lưu tri thức số, kiến tạo nền văn hóa đọc chưa từng có trong lịch sử thế giới và khơi nguồn sáng tạo cho những phát minh quyết định trong tiến trình phát triển trí tuệ nhân loại. Sự ra đời của hệ thống thư viện này góp phần làm thay đổi quan điểm, khái niệm, diện mạo, phương thức phục vụ của thư viện.
ThS. Hoàng Thị Thu Trang, Thư viện Quốc gia Việt Nam, cho rằng, việc các thư viện liên kết cơ sở dữ liệu toàn văn, thư viện số và các nền tảng khác, đem đến những trải nghiệm đọc đa dạng hơn cho người sử dụng, tăng cường tính tiện lợi và linh hoạt cho người sử dụng. Thông qua các thiết bị di động như máy tính bảng và điện thoại thông minh, việc đọc sách và minh họa nội dung trực tuyến trở nên dễ dàng. Các tác phẩm, tài liệu trực tuyến có thể kết hợp hình ảnh, video, âm thanh và tương tác, giúp việc đọc thú vị và hấp dẫn hơn.
Bên cạnh việc chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số, các thư viện cũng đẩy mạnh hợp tác, liên kết, chia sẻ tài nguyên, bước đầu cho ra đời các hệ thống dùng chung nguồn tài nguyên thông tin, tiêu biểu như: Hệ thống quản trị thư viện dùng chung VietBiblio dành cho các thư viện có quy mô nhỏ như thư viện cấp huyện, xã và thư viện trường học… giúp các thư viện kết nối, chia sẻ và dùng chung tài nguyên thông tin.
Nhiều thư viện còn đưa ứng dụng công nghệ số vào phục vụ những đối tượng bạn đọc đặc biệt, là những người khuyết tật thị giác. Theo đó, một số thư viện như Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Phú Yên… đã tiến hành sản xuất tài liệu theo định dạng phù hợp cho người khiếm thị như sách nói kỹ thuật số, sách chữ nổi, triển khai các dịch vụ hướng dẫn tra cứu thông tin và sử dụng máy tính, dùng các phần mềm chuyên biệt… phục vụ cho người khuyết tật.
Thư viện Hà Nội được tối ưu hóa thiết kế tạo không gian tốt nhất cho độc giả |
Chia sẻ về lợi ích mà thư viện thông minh mang lại, bạn Nguyễn Tú Quyên sinh viên trường Đại học Quốc gia chia sẻ nhờ ứng dụng số mà bản thân có thể tìm được nhiều thông tin, kiến thức cần thiết phục vụ cho việc học tập của mình. Điều quan trọng là hiện nay có rất nhiều tài liệu bổ ích được đưa lên không gian số có thể truy cập tham khảo vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu mà không cần phải đến tận nơi như trước.
Thư viện thông minh cũng đi cùng các loại hình dịch vụ trực tuyến mới: mượn sách trực tuyến, mượn sách điện tử, tham gia hội thảo trực tuyến, các khóa học trực tuyến, nhận thông tin giới thiệu sách hay xuất bản tài liệu… Ngoài ra, hoạt động tương tác cộng đồng được các thư viện duy trì thông qua các nền tảng xã hội như Fanpage, diễn đàn trực tuyến, giúp tạo dựng cộng đồng đọc đa dạng.
Thông qua thư viện, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận tới các kho tài liệu khổng lồ không chỉ trong và ngoài nước, giúp việc phổ biến kiến thức, việc đọc trở nên thuận lợi hơn. Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện được xác định sẽ là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, là điều kiện quan trọng để tạo đột phá cho ngành thư viện, phục vụ bạn đọc ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí.