Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn Thủ đô.

Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội ông Khổng Doãn Điền phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội. ông Khổng Doãn Điền phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội Khổng Doãn Điền cho biết “Việt Nam và Thủ đô Hà Nội có may mắn là không thiếu nước trầm trọng như một số quốc gia và Thủ đô trên thế giới, nhưng cũng không phải là dồi dào,nước ta ở trong tình trạng thiếu nguồn nước ngọt, trong tương lai càng phải tính toán để tiết kiệm nước hơn nữa vì hiện nay chúng ta đang lãng phí rất nhiều. Với những nguồn nước như vậy, ứng xử của chúng ta thế nào, cần phải bàn thảo kỹ lưỡng sao cho hợp lý và hiệu quả nhất”.

Theo đó, từ năm 2003 đến nay vào vụ Đông Xuân mực nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt. Theo số liệu của Công ty Quản lý đường sông số 6, mực nước kiệt sông Hồng tại cầu Long Biên năm 2004 là 1,95m, năm 2008 là 0,79m, năm 2010 là 0,56m. Do mực nước sông Hồng thấp nên sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, và các con sông nội thành không có nguồn cấp đã trở thành sông “chết”, chỉ làm nhiệm vụ tiêu khi có mưa và tiêu nước thải, mùi hôi thối bốc lên gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do cao độ đáy sông Hồng tại Hà Nội bị hạ thấp dẫn đến mực nước mùa kiệt cũng bị hạ thấp từ 0,5 đến 1,67m. Đặc biệt, hạ thấp nghiêm trọng trên toàn tuyến sông Đuống, trung bình từ 3,0÷6,0m.

Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đã chỉ ra những vấn đề, hiện trạng công trình, các dự án đầu tư và quy hoạch cấp nước cho các sông phía bờ hữu sông Hồng. Trong đó, gồm có 4 con sông chính là sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và Hồ Tây. Đưa ra những sáng kiến, giải pháp và nghiên cứu diễn biến lưu lượng, mực nước các sông về mùa nước cạn; đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước trên địa bàn.

Đoạn giao cắt giữa sông Tô Lịch và sông Lừ với màu đen đặc trưng chảy qua khu Linh Đàm.
Đoạn giao cắt giữa sông Tô Lịch và sông Lừ với màu đen đặc trưng chảy qua khu Linh Đàm.

Đề xuất giải pháp

Theo đó, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện tình hình. Đó là, lợi dụng chiều cao mực nước sông Đà tại cống Lương Phú, dẫn nước tự chảy vào sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, bổ sung nước Hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Về tuyến công trình, sử dụng hệ thống thủy lợi đã có và kết hợp với tuyến đường giao thông theo quy hoạch sử dụng đa mục tiêu, để không phải tái định cư, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, thi công nhanh thuận lợi.

Cải tạo môi trường, làm sạch đẹp cảnh quan đô thị, tạo dòng chảy tự nhiên trên các trục sông, để Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp. Chủ động cấp nước ổn định, bền vững cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Sử dụng nguồn nước sau phát điện nên không làm ảnh hưởng đến lợi ích của ngành điện, lượng nước lấy khoảng 60% tổng lưu lượng theo quy hoạch đã được cấp phép nên không làm thiếu hụt nguồn nước vùng hạ lưu.

Khôi phục lại dòng chảy tự nhiên cho các sông và phương án phòng chống lũ. Lấy nước sông Đà điều tiết cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, Hồ Tây và sông Tô Lịch theo nhu cầu thực tế của từng tuyến sông và từng thời điểm.

Cấp nước cho Hồ Tây và sông Tô Lịch. Cấp nguồn ổn định cho sông Tô Lịch và các sông nội thành duy trì dòng chảy tự nhiên. Đề nghị sử dụng phao cao su để dâng mực nước lên cao trình (+4,0m) vì có mực nước cao, sẽ tự chảy về sông Nhuệ, không phải bơm tiêu nước thải qua trạm bơm Yên Sở như hiện nay sẽ tiết kiệm được tiền điện bơm tiêu nước thải. Khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, dòng sông không có nước thải, lúc đó dòng chảy trên sông sẽ vừa trong vừa mát không còn mùi hôi thối, mặt thoáng của nước sẽ điều hòa không khí tự nhiên, hạn chế những oi bức mùa hè. Đường hai bên bờ sông và mái sông đã được đầu tư cải tạo sẽ phát triển các dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, du thuyền trên sông, khôi phục lại dòng sông lịch sử và tạo điểm nhấn cho hoạt động du lịch trong Thành phố.

Tổng kết các ý kiến, tham luận tại hội thảo, ông Khổng Doãn Điền khẳng định, để bổ sung nguồn nước cho các sông, hồ tại TP Hà Nội, ý kiến cấp nước sông Đà là một ý tưởng hay, đã hình thành từ nhiều năm trước. Với các đề xuất trên là giải pháp tổng thể, bền vững, ổn định lâu dài, tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được tận gốc cho việc tạo dòng chảy tự nhiên làm “sống lại” sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ. Đồng thời chủ động được thời vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cải tạo môi trường, phục vụ dân sinh kinh tế.