Công nghệ AI nâng tầm và hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới
Công nghệ AI hỗ trợ trong việc tuyển dụng nhân sự
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống chứ không chỉ lĩnh vực công nghệ. Công nghệ AI đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó nổi bật nhất là sự ra đời của trợ lý ảo ChatGPT có thể thực hiện nhiều tác vụ… Trong 1-2 năm tới, AI sẽ thay đổi rất lớn về công nghệ, nhân lực và thông tin. Các chuyên gia dự báo năm 2026, khoảng 50% công việc lập trình viết code sẽ do AI thực hiện.
Công nghệ AI đã len lỏi vào nhiều lĩnh vực đời sống. Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, AI đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả tuyển dụng nhân sự. Theo ông Trần Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty TopCV Việt Nam, cho hay nếu trước đây nói về việc ứng dụng AI trong tuyển dụng nhân sự rất khó để giải thích. Nhưng sau khi nền tảng ChatGPT được nhiều người Việt biết đến thì chỉ cần gõ từ khóa làm thế nào để viết được một bản mô tả công việc cho một vị trí nào đó thì ngay lập tức sẽ có một bản mô tả rất ổn mà không phải đi sao chép ở đâu.
Khi khách hàng nhiều lên sẽ tăng trưởng quy mô nhân sự, bên cạnh ngân sách, thì bài toán đặt ra cho AI và dữ liệu lớn là có giải quyết được vấn đề tối ưu về thời gian hay không… Để giải quyết vấn đề này, Công ty TopCV đã sử dụng công nghệ CV Parsing giúp giảm 90% thời gian nhập liệu cho nhân viên của doanh nghiệp.
Thông thường, một nhân viên có thể tốn mười đến mười lăm phút để nhập một hồ sơ xin việc CV lên hệ thống. Thì với sự hỗ trợ của AI, với sự hỗ trợ của CV Parsing, một phút hệ thống có thể nhập liệu được 10 đến 15 CV, thậm chí là nhiều hơn. Và nhập liệu với độ chính xác hơn 90%. Nhập liệu được cả CV tiếng Anh và tiếng Việt. Được biết, TopCV đã sử dụng công nghệ AI do một doanh nghiệp Việt phát triển. Không chỉ được dùng trong nước, các giải pháp AI của Việt Nam còn được sử dụng ở nước ngoài.
Khi ứng dụng công cụ AI vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là cần phải thay đổi tư duy, phải biết rõ mình nên ứng dụng công cụ gì, vào thời điểm nào, cũng như mức độ phù hợp của doanh nghiệp mình đối với từng ứng dụng AI cụ thể. Không nên triển khai ứng dụng AI theo kiểu trào lưu.
"Cánh tay phải" đắc lực cho doanh nghiệp Việt
Trong cuộc cách mạng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ như vũ bão, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel, VinGroup… đều đã có những hướng tiếp cận, đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ, trong đó có AI.
Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc VNPT AI, để một doanh nghiệp công nghệ xây dựng AI riêng cần 4 trụ cột: con người, hạ tầng, tri thức (dữ liệu), chiến lược cụ thể đầu tư dài hạn. VNPT đang có hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện bao phủ các ngành nghề lĩnh vực: chính phủ số, thành phố thông minh, doanh nghiệp số, y tế điện tử, giáo dục điện tử…
Đây là kho dữ liệu rất lớn cho ứng dụng AI, tạo ra các trợ lý AI chuyên biệt cho từng ngành nghề cụ thể phục vụ các cơ quan, người dân và doanh nghiệp. Ông Cường cho rằng trợ lý AI của người Việt nên phát triển theo hướng chuyên sâu cho một ngành, một lĩnh vực hay một nghiệp vụ cụ thể.
Nhờ có hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện, VNPT đã tạo ra những trợ lý AI chuyên biệt. Hiện nay, trợ lý AI của VNPT đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như trợ lý AI định danh điện tử, trợ lý AI giám sát giao thông, trợ lý AI y tế cho bác sĩ; trợ lý AI tra cứu cho bộ, ngành; trợ lý AI chăm sóc khách hàng, hỗ trợ người dân tra cứu dịch vụ công; trợ lý AI hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định (triển khai trong nhiều Trung tâm giám sát điều hành thông minh- IoC các tỉnh, thành)…
Đặc biệt, trong hệ sinh thái VNPT AI, trợ lý AI định danh điện tử đã được triển khai trong nhiều đơn vị, tổ chức tài chính. Các trợ lý AI của VNPT AI đã và đang hoạt động hiệu quả trong thực tiễn, phục vụ hơn 1,2 tỷ lượt yêu cầu trong toàn mạng.
Theo ông Nguyễn Trung Trang, Giám đốc Công ty TNHH Time Group: “Xu hướng tiếp theo của nền kinh tế là ứng dụng các công nghệ mới như Blockchain và AI trong doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh. Trên thế giới, các công ty, tập đoàn hàng đầu đều đã ứng dụng. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. Nếu chậm chân sẽ là thảm họa”.
Biến thách thức thành cơ hội
Theo ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: "Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển AI. Tuy nhiên, số lượng chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực này không nhiều. Chúng ta cũng không có hạ tầng siêu tính toán mạnh như ở các quốc gia phát triển. Vấn đề cơ sở dữ liệu cho phát triển AI cũng là một rào cản… Đây là những lý do dẫn đến Việt Nam còn có khoảng cách nhất định so với các quốc gia khác trên thế giới về phát triển, nghiên cứu và ứng dụng AI".
Cùng với đó, việc triển khai AI tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như hạn chế về nguồn lực, cơ sở hạ tầng, nhân lực chuyên môn…
Dẫn số liệu báo cáo về chỉ số sẵn sàng AI năm 2022 cho biết, Việt Nam được xếp hạng 55 toàn cầu. Trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Kết quả này cho thấy Việt Nam vẫn cần quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng AI.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong đi tắt đón đầu trong “cuộc đua” AI bởi sở hữu đội ngũ nhân lực trẻ với nền tảng toán học và kỹ thuật tốt. Cùng với sự hỗ trợ và chung tay từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng nắm bắt được tiềm năng phát triển ngành công nghiệp AI. Chúng ta không bị lạc hậu ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mà chỉ đi sau một chút so với các quốc gia khác. Nếu so sánh khoảng cách về sự phát triển kinh tế với lĩnh vực AI thì khoảng cách ở lĩnh vực AI được đánh giá là ngắn hơn rất nhiều.
Ông Việt cho rằng Việt Nam có thuận lợi khi phát triển AI là nhận thức của người dùng, họ sẵn sàng chấp nhận, tò mò và thích thú sản phẩm công nghệ AI cung cấp. Doanh nghiệp cũng nhận thức được việc ứng dụng AI sẽ tốt cho họ… từ đó tạo ra nhu cầu.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng, AI là “trái tim” và “bộ não” của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, AI cũng sẽ là trung tâm của lĩnh vực kinh tế số.
AI là “trái tim” và “bộ não” của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 |
Chính vì xác định AI là quan trọng, nên từ tháng 1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược này được đưa ra với mục tiêu đưa công nghệ mới này trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI.
Bên cạnh đó, tháng 1-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chiến lược phát triển AI đến năm 2030 – xác định tầm nhìn đến năm 2030 AI ứng dụng được áp dụng rộng rãi trong kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Hình thành lực lượng lãnh đạo, người lao động có tư duy AI và kỹ năng trong việc sử dụng công nghệ này.
Việt Nam sẽ chọn cách đi bằng dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạo để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia sáng tạo giá trị mới. Quá trình này sẽ giải quyết các bài toán mà trước đây không thể thực hiện được, đưa ra các giải pháp để tạo nên lợi thế cạnh tranh mới cho đất nước. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ tân tiến, hiện đại, một thế hệ trẻ những người nắm bắt và làm chủ công nghệ số.