ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 11h41 01/08/2024

Công nghệ bán dẫn là nòng cốt phát triển, xây dựng thành phố thông minh

(KDPT) - Công nghệ bán dẫn là nòng cốt phát triển thành phố thông minh. Thành phố Hà Nội cần nâng cao năng lực về công nghệ điện tử để vận hành, ứng dụng công nghệ này.

Công nghệ bán dẫn là trụ cột quan trọng

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, xu thế chung của thế giới. Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, Việt Nam xác định phải tập trung phát triển các ngành mang lại giá trị cao, nhất là các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển vượt trội, Hà Nội đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024 diễn ra ngày 30/7, nhấn mạnh, bán dẫn là cuộc đua toàn cầu rất khốc liệt, do vậy các chính sách thu hút đầu tư đưa ra phải vượt trội so với các quốc gia trên thế giới.

Cách tiếp cận vấn đề này cần mãnh liệt hơn bởi đây là vấn đề mang tính sống còn, phải được tiếp cận theo một hướng khác biệt so với từ xưa tới nay trong một cuộc chơi thay đổi thời đại”, PGS, TS Trần Đình Thiên cho biết.

Cuộc đua tranh toàn cầu yêu cầu phải có công nghệ, vốn và nhân lực. Để thút đầu tư, còn cần phải có môi trường cạnh tranh, sự công khai, minh bạch, cũng như thể chế vượt trội và quản trị hiện đại.

PGS, TS Trần Đình Thiên cho biết, 3 năm qua, Hoa Kỳ thu hút 395 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào sản xuất chất bán dẫn. Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo giải ngân 50 tỷ USD cho các công ty và tổ chức nước này để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip, củng cố cung ứng chip quốc gia.

Tháng 5/2024, Hàn Quốc công bố gói khuyến khích lĩnh vực chip 19 tỷ USD, bao gồm 12,4 tỷ USD hỗ trợ đầu tư và ưu đãi thuế. Trong khi đó, Malaysia đang tạo hình mẫu phát triển mới, đó là phát triển hệ sinh thái bán dẫn xuyên quốc gia…

“Các quốc gia đi sau trong lĩnh vực này như Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ… đều đang muốn vượt lên trước. Việt Nam muốn cạnh tranh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn thì phải tạo được sự hấp dẫn, khác thường”. PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Xây dựng hệ sinh thái bán dẫn

Theo TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đi theo hai hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Do đó, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh.

TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA.
TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đi theo hai hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Do đó, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh.

Đối với với Hà Nội, phát triển công nghiệp bán dẫn cần gắn với đề án xây dựng thành phố thông minh, bởi trong quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng Hà Nội đều thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA, để trở thành thành phố thông minh, Hà Nội sẽ cần xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Tất cả các bộ môn hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp - thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được thông minh hóa.

Điều này đòi hỏi sử dụng số lượng lớn chip bán dẫn. Vì thế, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn để xây dựng và vận hành các đô thị thông minh một cách an toàn và bền vững.

Hiện nay, vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Do đó, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước. Hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương (đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần…) và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị (thiết kế, R&D…).

Các sản phẩm bán dẫn thế hệ cũ đã đạt đỉnh điểm, cần sản xuất bán dẫn thế hệ mới. Để phát triển ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Việt Nam phải có nguồn lực đầu tư lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao và phải tập trung tiến hành ngay, với các dự án cụ thể có tính chất đi tắt, đón đầu,…

Việt Nam cần có cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, cụ thể cho các ngành này. Ngoài huy động nhân lực tại chỗ, Việt Nam cần huy động trí tuệ, nguồn lực người Việt toàn cầu, cũng như huy động nguồn lực từ các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chọn được mắt xích và phải chọn được mắt xích quan trọng, phù hợp với lợi thế để đầu tư, phát triển. Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, dù mạnh cũng không thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ bán dẫn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024