ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 11h43 06/02/2025

Nhiều quốc gia lo ngại về an ninh dữ liệu, hệ thống bảo mật của công nghệ DeepSeek

(KDPT) - "Cơn bão" ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek đang dần trở thành nỗi lo ngại với an ninh dữ liệu, hệ thống bảo mật, kiểm soát nội dung của nhiều quốc gia hiện nay.

Các quốc gia lo ngại về DeepSeek

Trong ngày 5/2, nhiều nước đã có các động thái cụ thể đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek, do lo ngại về bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân.

Tại Mỹ, Thống đốc bang Texas, Greg Abbott, đã ban hành lệnh cấm DeepSeek trên tất cả thiết bị do chính phủ bang cấp. Ông Abbott cũng đồng thời cấm hai ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc là Xiaohongshu (còn gọi là RedNote) và Lemon8 trên các thiết bị này.

Theo đó, ngoài vấn đề bảo mật, DeepSeek còn bị các chuyên gia an ninh mạng chỉ trích vì hệ thống kiểm soát nội dung kém chặt chẽ. Các nhà nghiên cứu tội phạm mạng cảnh báo rằng nền tảng AI của DeepSeek có ít cơ chế kiểm soát, chưa đảm bảo ngăn chặn việc hacker lợi dụng AI vào mục đích xấu, như tạo email lừa đảo, phân tích tập dữ liệu bị đánh cắp hoặc nghiên cứu lỗ hổng bảo mật.

DeepSeek đang bị nhiều quốc gia trên thế giới
DeepSeek đang bị nhiều quốc gia trên thế giới "cấm cửa". (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, tại Italia, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italia (Garante) đã đình chỉ AI DeepSeek sau khi công ty Trung Quốc không trả lời được các câu hỏi chủ chốt về cách thức thu thập, lưu trữ cũng như xử lý các dữ liệu cá nhân. Garante cho rằng những phản hồi của DeepSeek "hoàn toàn không đầy đủ" nên cần cấm ngay lập tức. Cụ thể, Italia chặn DeepSeek với lý do lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.

Tại châu Á, Australia ngày 5/2 đã "cấm cửa" DeepSeek trên tất cả thiết bị của chính phủ, cũng với lý do tránh các rủi ro về bảo mật. Cụ thể, Bộ Nội vụ nước này đã ban hành chỉ thị bắt buộc "ngăn chặn việc sử dụng hoặc cài đặt các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web của DeepSeek", đồng thời, yêu cầu xóa tất cả sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web DeepSeek khỏi tất cả các hệ thống và thiết bị của chính phủ. Bộ trưởng Nội vụ Australia Tony Burke nhấn mạnh, lệnh cấm là "để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia của Australia".

Tại Đài Loan (Trung Quốc), ngày 1/2/2025, Bộ Kỹ thuật số Đài Loan cũng đã ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ và các cơ sở hạ tầng quan trọng sử dụng DeepSeek với lý do liên quan đến nguy cơ rủi ro về an ninh thông tin quốc gia.

Bất chấp lo ngại, DeepSeek đang là chatbot AI phổ biến chỉ sau ChatGPT

Theo Similarweb, công ty chuyên theo dõi và so sánh lượng truy cập của các trang web trên toàn cầu, lượng truy cập vào trang web DeepSeek.com đã có sự tăng trưởng vượt trội trong thời gian gần đây.

Similarweb cho biết DeepSeek đã vượt qua các chatbot AI phổ biến khác như Gemini của Google hay Character.AI để trở thành trang web AI có lượng người truy cập lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau ChatGPT của OpenAI.

Dữ liệu mới nhất từ Similarweb cho biết lượng truy cập vào DeepSeek.com hiện ổn định quanh mức 29 đến 30 triệu lượt mỗi ngày.

Lượng truy cập của DeepSeek đã vượt xa 2 công cụ AI phổ biến khác là Gemini của Google và Character.AI, với lượng truy cập lần lượt đạt 10 triệu và 6 triệu lượt mỗi ngày.

Tuy nhiên, lượng truy cập vào DeepSeek vẫn còn khoảng cách rất xa với ChatGPT, công cụ AI phổ biến nhất thế giới hiện nay. Similarweb cho biết trang web chatgpt.com hiện thu hút từ 130 đến 140 triệu lượt truy cập mỗi ngày.

Sự phát triển và phổ biến của DeepSeek đang lớn mạnh hơn từng ngày, tuy nhiên với sự lo ngại và "cấm vận" từ các quốc gia, liệu tương lai của ứng dụng AI này sẽ đi về đâu trong thời gian tới? Câu hỏi này sẽ cần thêm thời gian để trả lời./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/03/2025