ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 06h00 29/02/2024

Dấu ấn của trí tuệ nhân tạo (AI) trong đời sống xã hội

(KDPT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - thành quả của cuộc cách mạng này vào cuộc sống đang trở nên rất cấp thiết và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực và của mỗi quốc gia.

AI mở ra kỷ nguyên mới

Theo các chuyên gia, AI là thành quả mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quy trình này bao gồm học tập (thu nhận thông tin và quy tắc sử dụng thông tin), hệ thống lý luận (sử dụng quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định) và tự điều chỉnh. Các ứng dụng đặc biệt của AI bao gồm hệ thống chuyên gia, nhận dạng giọng nói và thị giác máy… Đây là thành quả tất yếu của sự phát triển khoa học và công nghệ, là giải pháp giải quyết những bài toán khó của sự phát triển loài người trong tương lai.

Áp lực của nền kinh tế thời hậu Covid-19 dẫn đến các doanh nghiệp tăng tốc ứng dụng các công cụ tự động hóa và AI vào trong hoạt động phát triển sản phẩm cũng như điều hành nhằm tối ưu hiệu quả và hiệu suất kinh doanh. Điều này dẫn đến một lượng lớn lao động sẽ mất việc.

Ảnh minh họa

Tại các nước tiên tiến thì nhiều công việc trong các ngành có thu nhập cao đang dần được thay thế hay tối ưu hóa bởi AI như công nghệ thông tin, y tế, luật, hành chính, kiểm toán... Trong những tháng cuối năm 2023, 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (“Big 4”) đã cho nghỉ việc hơn 300.000 nhân viên chuyên nghiệp. Trong khi đó ở các nước đang phát triển thì các công việc không đòi hỏi chuyên môn cao có quy trình rõ ràng cũng như các công việc có thể tự động hóa đang dần được thay thế bởi AI.

Ứng dụng nổi bật của AI là cải thiện sức khỏe của con người và giảm chi phí: Các bệnh viện đang áp dụng máy để chẩn đoán tốt hơn và nhanh hơn con người. Các ứng dụng AI khác bao gồm chatbot, chương trình máy tính được sử dụng trực tuyến để trả lời các câu hỏi và hỗ trợ khách hàng, giúp sắp xếp các cuộc hẹn theo dõi hoặc hỗ trợ bệnh nhân thông qua quy trình thanh toán và trợ lý sức khỏe ảo cung cấp phản hồi y tế cơ bản.

Trong kinh doanh, AI giúp tự động hóa các robot đang được áp dụng cho các công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Chatbots đã được kết hợp vào các trang web để cung cấp dịch vụ ngay lập tức cho khách hàng.

Trong giáo dục, AI có thể tự động hóa việc chấm điểm, giúp các giáo viên có thêm thời gian đánh giá năng lực và quản lý sinh viên, thậm AI có thể thay thế một số giáo viên.

Trong sản xuất, AI đã đi đầu trong việc kết hợp robot vào quy trình làm việc. Robot công nghiệp đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các nhà máy để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhằm giải phóng sức lao động của con người…

Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao trong lĩnh vực chuyển đổi số và có tỷ lệ dân số trẻ vẫn còn khá lớn có khả năng hội nhập tốt vào thế giới số. Đây là cơ hội tốt cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới có thể lên top 1/4 trên bảng xếp hạng năng suất lao động thế giới.

Xu hướng phát triển AI

Chia sẻ về xu hướng phát triển AI, GS. Laurent Peridy - Hiệu trưởng Trường Đại học Công giáo miền Tây cho rằng, thời gian gần đây, AI đã nhanh chóng hoàn thiện trong lĩnh vực hình ảnh và thị giác máy tính với sự ra đời của các kỹ thuật học sâu, học không giám sát và học tích cực… Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự đột phá trong các giải pháp thị giác máy tính dựa trên AI và tác động của điều này sẽ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực hình ảnh y khoa. Thị giác máy tính sẽ cho thấy thành công trong lĩnh vực lái xe tự hành, sản xuất thông minh, nhà thông minh và thành phố thông minh thông qua một ngành mới được gọi là thị giác máy tính vùng biên.

Sự phát triển AI hiện nay không dừng lại ở mô hình truyền thống, mà đã tiến tới thế hệ tiếp theo - đó là AI tạo sinh. Đây là một loại hệ thống AI có khả năng tạo ra nội dung mới dựa trên các gợi ý (prompt). Các mô hình AI tạo sinh áp dụng các kỹ thuật học máy mạng nơ-ron nhân tạo, sau đó tạo ra dữ liệu mới. Các hệ thống AI tạo sinh đáng chú ý như ChatGPT; Bing Chat; Google Bard AI; Stable Diffusion AI, Midjourney, DALL-E...

AI tạo sinh có mức độ tác động rất sâu rộng đối với kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh của các quốc gia trên thế giới. Việc ứng dụng AI nói chung, AI tạo sinh nói riêng vào các hoạt động kinh tế, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, nâng cao năng suất, gia tăng giá trị rất lớn. Dự kiến quy mô thị trường AI thế giới sẽ đạt 407 tỷ USD vào năm 2027; tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ước tính của AI trong giai đoạn 2023-2030 sẽ là 37,3%.

TS. Lý Hải Bằng - Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, trước bối cảnh phát triển, công nghệ AI đang cho phép một lớp hệ thống giao thông thông minh mới cho đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường biển. Các giải pháp này kết nối các phương tiện, tín hiệu giao thông, trạm thu phí và các cơ sở hạ tầng khác để giúp giảm thiểu ùn tắc, ngăn ngừa tai nạn, giảm khí thải và làm cho giao thông vận tải hiệu quả hơn. Ví dụ AI có thể ứng dụng trong quản lý đội xe, quản lý giao thông thông minh, giao tiếp không dây, sạc xe điện, thu phí điện tử và một loạt các giải pháp di chuyển khác…

Tại Việt Nam, phát triển công nghệ AI được ưu tiên trong chính sách phát triển. “Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030” được ban hành năm 2021. Việt Nam là một trong số 60 nước đã đưa ra chiến lược quốc gia về AI. Chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu của Việt Nam hiện đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo Báo cáo mới nhất về Quy mô thị trường AI do Hãng nghiên cứu thị trường Statista công bố, tỷ lệ tăng trưởng kép trong giai đoạn 2023-2030 (GAGR 2023-2030) của thị trường AI Việt Nam là 19,51%, cao hơn 2,21 điểm phần trăm so với thị trường AI toàn cầu (17,30%). Năm 2030, tổng giá trị của thị trường AI Việt Nam sẽ đạt gần 2 tỷ USD so với 541 triệu USD trong năm 2023.

Tuy nhiên, phát triển AI nói chung, AI tạo sinh nói riêng ở Việt Nam còn có những hạn chế, như: Kho cơ sở dữ liệu dùng chung mới chỉ đang được xây dựng, có nơi triển khai còn gặp nhiều khó khăn; nguồn dữ liệu còn phân tán chưa có sự kết nối, chia sẻ hiệu quả; phát triển các nền tảng AI còn phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài; nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về AI còn thiếu nhiều; không gian pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ AI chưa đầy đủ.

Để phát triển và quản lý AI tạo sinh trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo lập niềm tin về phát triển và ứng dụng AI tạo sinh cho mọi cấp, mọi ngành, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/05/2024