Dự án thành phố thông minh, do liên doanh Tập đoàn BRG (Việt Nam) - Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư tại huyện Đông Anh, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028.

Những bước đầu phát triển đô thị thông minh

Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá, góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đô thị thông minh, trong đó phải kể đến Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018 về phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án này xác định đến năm 2030, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long và lấy Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh. Đây là định hướng quan trọng để Hà Nội nghiên cứu, lập kế hoạch, đưa ra lộ trình cụ thể phát triển đô thị thông minh.

Quy hoạch đô thị thông minh có phương pháp thực hiện đặc trưng riêng. Trong đó cách tiếp cận dữ liệu và đưa ra phương án có sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật phân tích dữ liệu để đảm bảo độ chính xác, tối ưu trong các quyết định. Quy hoạch đô thị thông minh bắt đầu bằng việc khảo sát, đánh giá những vấn đề, nhu cầu của con người trong thế giới thật (dựa trên dữ liệu lớn) từ đó đưa ra những giải pháp thực tiễn.

Đồng thời sử dụng khoa học dữ liệu để xác định kích thước, vị trí của những khu chức năng (tiểu công viên, sân chơi, khoảng mở rộng lề đường, các không gian xanh hay những khu vườn trong không gian đô thị, phố đi bộ, đường dành cho xe đạp, các vòng xoay giao thông…) thay vì đơn thuần phỏng đoán nơi nào cần những không gian chức năng hay tiện ích này.

Thúc đẩy quá trình xây dựng, tháo gỡ những khó khăn

Quy hoạch đô thị thông minh phải dựa trên cơ sở dữ liệu. Các dữ liệu liên thông sẽ được xử lý để giúp trả lời cho vị trí vấn đề cần được giải quyết. Quy hoạch đô thị thông minh cần ứng dụng công nghệ để phân tích dữ liệu thô thành dữ liệu có khả năng đọc, hiểu. Đôi khi vấn đề có thể được hình dung dễ dàng khi nó là vật thể (lưu lượng giao thông, luồng giao thông…) nhưng khi nó là vấn đề phi vật thể, việc hình dung phạm vi ảnh hưởng có thể trở nên khá khó khăn (ví dụ như ô nhiễm hoặc khả năng điều khiển xe của con người…).

Một công cụ cho phép biến tất cả các dữ liệu thành có khả năng nhìn thấy được dựa trên việc mã hóa thành các dữ liệu không gian là công cụ GIS (Geographic Information Systems – hệ thống thông tin không gian địa lý). GIS cung cấp nền tảng thông tin địa lý, tích hợp rất nhiều thông tin trong cùng một bản vẽ theo các lớp, để quản lý thông tin, đồng thời cho phép tích hợp thông tin theo ý muốn. Biến dữ liệu đơn giản thành dữ liệu không gian (có thể nhìn thấy, đọc được) mới cho phép con người có khả năng đọc hiểu và thúc đẩy sự hợp tác giữa các đối tác trong quá trình hiểu, thực hiện, thống nhất phương án.

Tuy vậy, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập như: mới bước đầu tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ đô thị thông minh, trong khi các nội dung về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý xây dựng đô thị thông minh chưa thực sự được chú trọng; còn ít các dự án đô thị thông minh có cách tiếp cận toàn diện với mục tiêu hướng tới không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị mà xa hơn là hướng tới một quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là những bức phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư; tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu, biểu tượng, điển hình là vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các ĐTTM còn hạn chế; tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu; việc huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội còn thiếu bài bản.

Để quá trính đô thị hóa được diễn ra tốt đẹp, đất nước rất cần sự chung tay góp sức của các chuyên gia, các nhà khoa học, diễn giả với những hiến kế, đề xuất về phát triển đô thị, chuỗi đô thị thông minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam trong thời gian tới.