Đẩy mạnh đào tạo nhân lực phát triển lĩnh vực bán dẫn
Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa
Ngành công nghiệp bán dẫn - đây là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua, nhất là khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quan hệ hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Cũng gần như ngay sau đó là chuyến công tác tại Hoa Kỳ vào tháng trước của Thủ tướng Phạm Minh Chính với hàng loạt cuộc làm việc với các tập đoàn công nghệ, sản xuất hàng đầu thế giới về bán dẫn.
Tuyên bố chung của Việt Nam và Hoa Kỳ mới đây cho thấy hai bên sẽ hợp tác sâu rộng về lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên để phát triển lĩnh vực bán dẫn cần có sự chuẩn bị kỹ càng về nhân sự chất lượng cao, bởi kỹ sư về lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam đang rất khiêm tốn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT khẩn trương xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.
Việt Nam cần khoảng 50.000 kỹ sư vi mạch trong tương lai. Ảnh minh họa |
Theo dự báo, Việt Nam trong 10 năm tới cần khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực này. Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch của Việt Nam mới có khoảng 5.000 người. Nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn được coi là \"điểm nghẽn\" để Việt Nam có thể đón bắt cơ hội trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Những năm qua, Việt Nam đã có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông, các ngành phục vụ nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như AI, Bigdata…
Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. 3 lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hằng năm mạnh nhất là máy tính và CNTT (17,1%), công nghệ kỹ thuật (10,6%).
Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch; nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch: Các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần, bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…
Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Xây dựng chính sách để phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam
Thực tế đã cho thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Do đó, rất cần phải có đột phá để khơi thông điểm nghẽn này. Do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.
Lĩnh vực bán dẫn muốn phát triển cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước. Ảnh: VnEconomy |
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng. Thứ nhất là Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch.
Thứ hai là Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.
Mặt khác, cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…
Việc hợp tác với một nước lớn như Hoa Kỳ sẽ mở ra tương lai sáng cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Để thực hiện tốt những mục tiêu, kế hoạch đề ra, chúng ta cần chuẩn bị tốt đội ngũ nhân lực có trình độ, chuyên môn tốt ngay từ thời điểm này. Vì vậy, cần sự chung tay của các Bộ, Ngành có liên quan, phối hợp hiệu quả để sớm hiện thực kế hoạch nâng tầm đất nước, tiến tới những đột phá công nghệ mới cho tương lai.
Tại báo cáo về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn); tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030 là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. |