ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ tư, 10h55 20/09/2023

Đẩy mạnh sử dụng vật liệu xanh thân thiện với môi trường

(KDPT) - Mang trong mình những đặc điểm như an toàn với người dùng, thân thiện với môi trường, vật liệu xanh đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của xu hướng xây dựng bền vững trong tương lai. Vì vậy, các công trình sử dụng vật liệu xanh đang dần thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống, đẩy mạnh mô hình với tên gọi "công trình xanh".

Tác động của vật liệu xanh đến môi trường

Vật liệu xanh được hiểu là các loại vật liệu được sản xuất và sử dụng không gây hại đến môi trường, có thể tái chế được hoặc phân hủy xanh. Như vậy cả vòng đời, từ sản xuất vật liệu cho tới khi hết hạn sử dụng, vật liệu xanh đều thân thiệt, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.

Vật liệu xanh đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của xu hướng xây dựng bền vững trong tương lai.

Do đó vật liệu xanh rất an toàn, được khuyến khích sản xuất và sử dụng trên toàn thế giới, trong nhiều ngành nghề cuộc sống và công nghiệp. Vật liệu xanh không chỉ mang đến lợi ích cho môi trường mà tốt với cả sức khỏe của người sản xuất lẫn người sử dụng.

Vật liệu xanh phải có tối thiểu một trong các tiêu chí sau: Là vật liệu không có tính chất độc hại; vật liệu được làm từ vật liệu tái chế và phải là vật liệu có khả năng tái chế được; vật liệu tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; vật liệu có vòng đời sử dụng dài; vật liệu quan tâm đến vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và thu hồi sau khi sử dụng.

Về tác động đến môi trường, sử dụng vật liệu xanh đem lại nhiều giá trị như gia tăng giá trị bền vững, tạo sự gần gũi với thiên nhiên, từ đó giúp tăng cường sức khỏe và khả năng tư duy của não bộ. Điều quan trọng khi sử dụng vật liệu xanh vừa giúp tiết kiệm chi phi, vừa tránh tiêu hao năng lượng và tài nguyên môi trường. Đây chính là ảnh hưởng tích cực của loại vật liệu này đến sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng.

Ứng dụng công nghệ vật liệu xanh trong xây dựng công trình

Theo báo cáo của German Watch, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống được chỉ ra là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Đứng trước mối đe dọa này, việc tăng cường sử dụng vật liệu xanh là phương pháp tối ưu nhất đối với ngành Xây dựng.

Để đáp ứng được tiêu chí trên, ngành Vật liệu xây dựng đang đẩy mạnh tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giảm sức lao động, tăng năng suất lao động, đồng thời cho ra mắt những vật liệu mới thân thiện với môi trường và tiện ích hơn.

Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây dựng sẽ mang lại rất nhiều ưu điểm như dễ dàng giám sát hoạt động của máy móc trong dây chuyền; giảm nhân công, tăng đầu tư vào công nghệ; tăng năng suất lao động; nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, dễ dàng lên kế hoạch bảo dưỡng và thay thế vật tư, sắp xếp phương án dự trù hay tính toán được thời gian làm việc của cả dây chuyền sản xuất.

Hiện tại Việt Nam đã có một số sản phẩm vật liệu xây dựng áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ mới tạo dựng được thương hiệu và chất lượng ở trong nước lẫn quốc tế. Ví dụ như kính tiết kiệm năng lượng low-e, gạch bê tông siêu nhẹ AAC, thanh polyme cốt sợi thủy tinh chống ăn mòn, dùng cho các công trình ven biển, xốp cách nhiệt, tấm lợp sinh thái, sơn thích ứng biến đổi khí hậu, hay như xốp cách nhiệt XPS, với độ bền cơ học cao nhờ tính ổn định trong cấu trúc vật lý, có tác dụng ngăn nước, chống ẩm, khả năng cách âm, cách nhiệt đặc biệt,...

Một gợi ý khác là công nghệ tấm lợp sinh thái được sản xuất từ các sợi hữu cơ và chất chống thấm asphalt theo phương pháp ép lớp. Nhờ vậy mà nó khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, không bị ăn mòn, rất phù hợp với các công trình ven biển. Ngoài ra, tấm lợp còn có khả năng chống nóng, cách âm tốt và giúp tiết kiệm điện năng dùng cho điều hòa vào những ngày nhiệt độ tăng cao.

Những vật liệu xanh có đặc điểm ít tiêu tốn năng lượng và giúp tiết kiệm chi phí.

Trong thời gian tới, một số lĩnh vực vật liệu xây dựng ứng dụng công nghệ sẽ phát triển rất nhanh như vật liệu cho kết cấu tập trung theo hướng những loại vật liệu bền, thiết kế mô hình cấu kiện, lắp ghép, thi công thuận tiện; vật liệu bao che nhẹ, cách âm, cách nhiệt, chống thấm nước, thi công, lắp ghép nhanh; vật liệu trang trí, hoàn thiện hấp thụ tia UV hoặc phản xạ tia UV cho ánh sáng trắng truyền quang.

Bên cạnh đó, các vật liệu xanh cách nhiệt tự nhiên (như tre, kiện rơm) có khả năng làm giảm tác động của thay đổi nhiệt độ môi trường. Chúng có khả năng cung cấp cản nhiệt hoặc cách nhiệt tự nhiên, giúp duy trì nhiệt độ ổn định. Từ đó, phòng chống các trường hợp đột quỵ do sốc nhiệt, cải thiện sức khỏe tổng thể cho con người.

Từ những lợi ích thiết thực nói trên, xu hướng sử dụng vật liệu xanh đang trên đà phát triển mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Những ứng dụng công nghệ áp dụng trong xây dựng góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng thi công cũng như giảm bớt khối lượng công việc cho người lao động. Bắt đầu sử dụng vật liệu xanh ngay từ chính ngôi nhà của mình là cách để chúng ta góp một phần công sức cho việc bảo vệ thiên nhiên, xây dựng sự phát triển xanh, an toàn và bền vững.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024