Một tiết học ứng dụng công nghệ tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội
Một tiết học ứng dụng công nghệ tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội

Công nghệ chuyển đổi số ảnh hưởng đến sự thay đổi của thế giới

Trong nhiều nghiên cứu ước tính rằng trong 15 năm tới, trên thế giới 14% lực lượng lao động có nguy cơ cao bị tự động hóa thay thế và 30% khác phải đối mặt với những thay đổi về kỹ năng được sử dụng trong cách đào tạo lực lượng lao động. Nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang phải vật lộn với dự báo không có khả năng tạo ra những người lao động trẻ tuổi hay tạo ra tầng lớp lao động có kỹ năng làm việc và kỹ năng sống đủ cao để đối mặt với công nghệ đột phá. Điều này ảnh hưởng đến những thay đổi trong công việc và việc làm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số chung của thế giới và cũng không thể bỏ lỡ những cơ hội mà Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Qúa trình quốc tế hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng, mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, Việt Nam đã ký kết các Hiệp định hợp tác thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,… góp phần tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội vàng để giáo dục nghề nghiệp có thể tiếp cận với nền tri thức mới, xu thế mới, tiêu chuẩn quốc tế, mô hình giáo dục hiện đại để phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Trong báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey đã xác định 12 công nghệ sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi toàn cầu gồm: Internet di động, tự động hóa công việc tri thức, điện toán đám mây, công nghệ robot tiên tiến, xe tự hành, công nghệ cải tiến phát triển gen, pin nhiên liệu, công nghệ in 3D, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ thăm dò và phục hồi dầu khí và công nghệ điện tái tạo.

Thúc đẩy mạnh quản lý giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong thời đại mới, khẳng định vị thế, vai trò trên toàn thế giới với những ghi nhận trong việc đào tạo lực lượng lao động và chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao cho toàn cầu tham gia vào việc tạo ra giá trị công việc năng suất, chất lượng, hiệu quả. Cùng với việc trao quyền cho con người để phát triển, cung cấp giáo dục thường xuyên và công việc suốt đời, quản lý học tập mở, linh hoạt dựa trên hiệu suất với các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng cần thiết cho người học, người lao động chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn phù hợp với những thay đổi liên tục của cuộc sống, giáo dục nghề nghiệp ngày càng được ưu tiên trong các chương trình nghị sự quốc gia.

Cần thúc đẩy và tạo ra những bước đột phá về công nghệ trong giáo dục nghề nghiệp phải thích ứng bằng công nghệ kỹ thuật số hàng đầu như máy tính, công nghệ cộng tác, công nghệ thức tế mở rộng, trí tuệ nhân tạo, và một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian (công nghệ Blockchain)… và được tích hợp với phương pháp tổ chức dạy và học trên học sinh, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận giáo dục và học hỏi suốt đời.

Đẩy mạnh những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học, đột phá của công nghệ số dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực trong đó có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cần thay đổi, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý, xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác, hiệu quả trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, số hóa tài liệu, giáo trình. Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục công tác dạy và học từ xa.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế số, phát huy mạnh mẽ giá trị con người và sức sáng tạo của mỗi cá nhân góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.