ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 13h45 09/10/2024

Đế chế Nokia sụp đổ và bài học đắt giá cho các công ty công nghệ

(KDPT) - Đế chế Nokia từng thâu tóm mọi ngóc ngánh của thị trường điện thoại di động. Tuy nhiên, hiện nay tất cả chỉ còn là sự hoài niệm...

Đế chế Nokia: Tan vỡ khi đang ở trên đỉnh cao

Nokia thành lập năm 1865 tại Tampere (Phần Lan), bởi kỹ sư khai mỏ Fredrik Idestam. Ban đầu, đây chỉ là một nhà máy bột giấy. Trải qua hơn 100 năm hoạt động, mảng điện thoại của Nokia ra đời năm 1979 với tên Mobira, nhờ liên doanh với hãng sản xuất TV Phần Lan Salora, đánh dấu bước phát triển đầu tiên của Nokia trong lĩnh vực này.

Năm 1982, Nokia cho ra đời chiếc điện thoại có tên Mobira Senator. 5 năm sau, họ sản xuất Mobira Cityman - điện thoại di động cầm tay đầu tiên và đến khi Nokia 1011 ra mắt năm 1992, đế chế này đã có 20 năm sau đó tiếp tục phát triển và thống trị mảng điện thoại di động và viễn thông.

Nokia trở thành hãng điện thoại di động hàng đầu thế giới. Mảng này cũng được định giá khoảng 300 tỷ USD. Đến năm 2001, các dòng điện thoại của họ đã có thêm nhiều tính năng, từ camera đến truy cập web. Doanh thu hàng năm cũng tăng gấp 5 lần. Theo đó, từ năm 1999-2008 Nokia liên tiếp đứng vị trí số 1 trong thị trường điện thoại di động toàn cầu, với thị phần giữ vững ở mức 35-40%. Sự phổ biến Nokia thể hiện ở chỗ những năm 1990s-2000s nếu như đi mua điện thoại người ta sẽ nói đi "mua Nokia", đủ để nói lên tầm ảnh hưởng tuyệt đối của hãng này trong lĩnh vực viễn thông.

Nokia đã ngủ quên trên đỉnh cao chiến thắng. (Ảnh: Nokia)
Nokia đã ngủ quên trên đỉnh cao chiến thắng. (Ảnh: Nokia)

Tuy nhiên, khi đang ở trên đỉnh cao thì dấu hiệu sụp đổ lại manh nha ngay từ lúc này. Sự ra đời của iPhone 1 và iPhone 2 trong các năm 2007-2008 đã biến Apple trở thành "nhạc trưởng" mới cho thị trường điện thoại di động toàn cầu. Cùng với đó, các điện thoại Android mà đứng đầu là Samsung đã nhanh chóng càn quét tất cả các phân khúc thị trường với đa dạng các dòng sản phẩm, mẫu mã và tính năng.

Năm 2011, CEO khi đó của Nokia là Stephen Elop đã mô tả tình trạng Nokia như đang ngồi trên một nền tảng đang cháy. Có lẽ, ngày tàn của Nokia đã không còn xa. Năm 2012, Samsung lần đầu vượt qua Nokia để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới với thị phần 22% và tiếp tục giữ vững vị thế nhiều năm sau đó.

Cuối cùng, vào tháng 9/2013, Nokia đã phải bán lại mảng Thiết bị và Dịch vụ của mình cho Microsoft với giá 7,17 tỷ USD đặt dấu chấm hết cho thương hiệu với lịch sử 148 năm. 

Liệu Apple có đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm?

Có lẽ, Apple phải hiểu rõ nhất về bài học trì trệ, ngại thay đổi của Nokia hơn ai hết. Apple thành công và vượt mặt Nokia bởi nét đặc trưng riêng, sự sáng tạo, đề cao cái đẹp cùng sự chuẩn mực.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, có vẻ Apple đang dần đánh mất đi những yếu tố đó và dần dần đi theo vết xe đổ của Nokia.

Mặc dù vẫn rất thành công về mặt kinh tế, tuy nhiên, đối với giới công nghệ và người dùng phổ thông, dường như Apple đã mất đi "cái hồn" vốn có của mình khi không còn sự sáng tạo và mạo hiểm đột phá. Thay vào đó, Apple đi theo con đường an toàn và khai thác những sản phẩm vốn đã tạo nên thành công cho hãng.

Sản phẩm iPhone 16 mới đây của Apple được cho là không có nhiều sự đột phá so với các sản phẩm trước đó. (Ảnh chụp màn hình)
Sản phẩm iPhone 16 mới đây của Apple được cho là không có nhiều sự đột phá so với các sản phẩm trước đó. (Ảnh chụp màn hình)

Giờ đây, khi thị trường smartphone màn hình gập cũng đang rất sôi động, Apple vẫn đang đứng ngoài "cuộc chơi" này. Giới công nghệ đã đặt ra câu hỏi liệu Apple có thực sự muốn cho ra mắt iPhone màn hình gập hay không? Bên cạnh đó, Apple từng được cho là có tham vọng đặt chân vào thị trường xe điện thông minh. Tuy nhiên, cuối cùng dự án này đã bị hủy bỏ giữa chừng, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng Apple sợ thất bại nên không dám đối mặt với một thách thức hoàn toàn mới, bất chấp hãng có nền tảng mạnh về tài chính lẫn công nghệ.

Nhìn vào các sản phẩm Apple ra mắt trong những năm gần đây, ai cũng có thể nhận ra "quả táo" đã mất đi tính đột phá và sáng tạo, theo đó, Apple vẫn trung thành với các mẫu iPhone có thiết kế hầu như không thay đổi. Phải chăng ban lãnh đạo Apple đang nghĩ rằng "cần gì phải đột phá" khi mà mỗi phiên bản iPhone, iPad mới trình làng vẫn luôn mang về cho công ty hàng chục tỷ USD doanh thu?

Có thể nhận thấy, sự sáng tạo là thứ đã không còn tồn tại ở các sản phẩm của Apple.

Các hãng công nghệ cần rút ra bài học cho chính mình

Nhìn vào sự sụp đổ của Nokia hay sự xuống dốc của Apple, các công ty công nghệ cần phải luôn tìm hiểu và cập nhật thị hiếu của khách hàng.  Đừng quá yêu thương hiệu của mình đến mức từ chối thay đổi thậm chí khi cần thiết. Điều quan trọng để duy trì thành công trong kinh doanh đó là: Điều khách hàng muốn là gì, không phải điều bạn cho là tốt cho khách hàng.

Khi đã xác định được thị hiếu của thị trường và xu hướng hiện tại, hãy vượt mặt đối thủ bằng cách cải tiến. Trong đó, việc thường xuyên đánh giá sản phẩm để tìm ra những khía cạnh cần cải tiến là cực kỳ quan trọng. Thoát khỏi vùng an toàn và thử những điều mới. Đó chính là động lực để chúng ta luôn mang lại điều tốt nhất cho khách hàng, cũng chính là công thức thành công của Apple và Google để vượt xa đối thủ của họ.

Ví dụ như cách hãng công nghệ Xiaomi (Trung Quốc) đã trang bị bản thân để chiếm lấy thị phần lớn hơn của thị trường smartphone. Samsung và những tên khổng lồ viễn thông khác vẫn đang bán điện thoại cho khách hàng cá nhân, điều này cũng chẳng có gì sai, nhưng Xiaomi đã lường trước được rằng người dùng smartphone sẽ sớm tiếp cận Internet of Things (IoT), từ đó thay đổi cách bán hàng của họ để phù hợp với mô hình kinh doanh thương mai điện tử có để ứng dụng IoT và chuẩn bị từ những ngày đầu để vượt mặt những đối thủ trong tương lai gần.

Và, điều quan trọng mà các công ty cần ghi nhớ đó là đừng bao giờ chủ quan, thậm chí nó đã và đang thành công. Chúng ta sẽ rất dễ bỏ qua những kênh bán hàng mới chưa được khai thác. Thay vào đó, học tất cả những gì chúng ta có thể về những mô hình kinh doanh mới và cập nhật mô hình đó thường xuyên.

Cuối cùng, nhân sự là yếu tố sống còn đối với những công ty công nghệ hay bất kỳ một công ty nào. Có được những người nhân viên giỏi, thông minh, chăm chỉ sẽ mang công ty của hãng lên một tầm cao mới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024