Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển
Với quy mô và sự tham gia đông đảo của các cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành, diễn đàn được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động lớn và sức ảnh hưởng nhất định trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức từ các quy định pháp lý, chính sách tài khóa đến điều kiện thị trường.
Phát biểu tại diễn đàn, nhà báo Nguyễn Kim Khiêm - Tổng giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội nêu vấn đề về tình trạng đầu cơ găm hàng, thổi giá khiến giá nhà, đất bị đẩy cao một cách vô lý; hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cọc trong các cuộc đấu giá để tạo mặt bằng giá ảo nhằm trục lợi, thao túng thị trường. Nếu tình trạng này không được nhận diện, kiểm soát và có giải pháp thích hợp để những cơn sốt ảo đẩy bất động sản lên một mặt bằng giá mới sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế cũng như xã hội.
“Từ góc độ an ninh trật tự, đã đến lúc cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, cơ quan an ninh kinh tế cần vào cuộc mạnh mẽ để làm rõ các hiện tượng đầu cơ không lành mạnh, những hành vi thao túng giá, gây lũng đoạn làm cho thị trường bất động sản trở nên méo mó, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế xã hội”, nhà báo Nguyễn Kim Khiêm nhấn mạnh.
Để đánh giá những tác động của các điều Luật đến sự phát triển minh bạch và bền vững của thị trường bất động sản, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là 3 đạo luật quan trọng, gắn kết chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng đất đai, phát triển thị trường bất động sản và nhà ở.
Cụ thể, các điểm mới nổi bật bao gồm đổi mới quy trình và nội dung quy hoạch, giảm bớt các bước phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo linh hoạt và phù hợp thực tiễn. Luật cũng đưa ra các phương thức tiếp cận đất đai đa dạng như đấu giá, đấu thầu, hoặc thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đề cao tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là thương mại hóa quyền sử dụng đất, cho phép sử dụng đất đa mục đích, mở rộng quyền cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ thống thông tin đất đai quốc gia đang được xây dựng, hướng tới vận hành vào năm 2025, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số.
Ngoài ra, việc phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận cho địa phương sẽ giúp tăng tính chủ động và hiệu quả. Đặc biệt, thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận quyền sử dụng đất đang trình Quốc hội sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai. Những đổi mới này sẽ tạo nền tảng pháp lý minh bạch, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng nêu về vai trò của công tác quản lý Nhà nước trong định hướng phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, minh bạch. Ông Vương Duy Dũng cho rằng, thị trường bất động sản liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác nhau trên thị trường sẽ đặt ra thách thức cho các cơ quan, địa phương, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia trong xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp.
Để làm được điều này, theo ông Dũng, cần bảo đảm công tác lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, các dự án phải phù hợp với quy hoạch. Từ đó, thị trường sẽ phát triển theo hướng bảo đảm cung cầu, thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nguồn cung nhà ở tăng. Sản phẩm bất động sản có nhiều đặc thù, nhiều tham số, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó, đòi hỏi sự tích cực, kiên trì đồng bộ của các cơ quan, các cấp và các chủ thể tham gia vào thị trường.
Bên cạnh các ý kiến, phát biểu chính, các chuyên gia cũng có những phần tham luận chuyên đề nổi bật như: Bất cập trong thị trường bất động sản và khó khăn của doanh nghiệp; Xây dựng bảng giá đất và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; và Giải pháp thuế hạn chế đầu cơ bất động sản.
Các phiên thảo luận xoay quanh các giải pháp tăng cường tính minh bạch, cải thiện hành lang pháp lý, và tạo điều kiện cho người mua và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn, tăng cường vai trò của các ngân hàng trong việc hỗ trợ phát triển thị trường và đề xuất giải pháp huy động vốn từ các mô hình tài trợ mới như trái phiếu bất động sản, quỹ tín thác bất động sản./.
- Doanh nghiệp bất động sản sắp xếp nguồn lực, sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới
- Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam: “Đang có những lệch lạc khi giá bất động sản tăng nóng”
- Ngành kinh doanh bất động sản đang đem lại cho TP.HCM khoản doanh thu 22.600 tỷ đồng mỗi tháng