ISSN-2815-5823

Thêm gần 900 triệu USD vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong tháng 10

(KDPT) - Tính đến ngày 31/10/2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với gần 5,23 tỷ USD (tăng gần 900 triệu USD so với thời điểm cuối tháng 9), chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ.

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Báo cáo Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 10 tháng năm 2024.

Theo báo cáo, tính đến ngày 31/10/2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ.

Trước đó, trong 9 tháng năm 2024, ngành kinh doanh bất động sản thu hút 4,38 tỷ USD vốn ngoại, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ.

Như vậy, chỉ trong một tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót thêm gần 900 triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thống kê từ Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu “nhắm” tới các dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.

Theo dự báo của đơn vị này, từ nay đến năm 2026 sẽ có một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài rót vào thị trường địa ốc Việt Nam do phân khúc bất động sản ở thực đang có tỷ lệ sinh lời đạt tới 8 - 10%/năm. Con số này tương đối hấp dẫn và cao hơn nhiều so với mức 2 - 3%/năm của các quốc gia trong khu vực.

Chuyên gia Savills cho rằng, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ vào bối cảnh chính trị, sự phát triển kinh tế ổn định và chi phí nhân công cạnh tranh. 

Theo chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn FDI dồi dào, một số phân khúc bất động sản sẽ có sự tăng trưởng nổi trội, gồm có căn hộ dịch vụ và bất động sản công nghiệp.

Ngoài ra, việc Luật Nhà ở mới cho phép người nước ngoài được gia hạn thời gian sở hữu nhà ở tại Việt Nam lên tới 50 năm cũng được kỳ vọng sẽ hút thêm hàng tỷ USD từ những người nước ngoài có mong muốn mua nhà tại Việt Nam.

“Các quy định rõ ràng, minh bạch về quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài sẽ tạo tiền đề hình thành môi trường đầu tư hấp dẫn, từ đó thu hút thêm dòng vốn FDI vào bất động sản”, bà Lê Thị Hằng, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Indochine nhận định.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến ngày 31/10/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, có 2.743 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 1,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 12,23 tỷ USD (giảm 2,5% so với cùng kỳ); có 1.151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD (tăng 41,7% so với cùng kỳ); có 2.669 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 10,4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD (giảm 29% so với cùng kỳ).

Trong 10 tháng, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 17,1 tỷ USD, chiếm gần 62,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và gần 1 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024