ISSN-2815-5823

"Điểm sáng" của thị trường bất động sản nhìn từ hàng loạt dự án đã được "gỡ vướng"

(KDPT) - Thị trường bất động sản dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhiều ý kiến đánh giá, cơ bản thị trường đã thoát khỏi tình trạng “mất phanh”. Đâu đó đã bắt đầu xuất hiện những “điểm sáng”. Điển hình như việc thời gian qua, hàng loạt dự án bất động sản đã được “gỡ vướng”.
Bất động sản ngày càng tăng giá, đâu là thời điểm thích hợp để "xuống tiền"? Đâu sẽ là phân khúc được nhà đầu tư "ưa chuộng" trong năm 2024?

“Gỡ vướng” khó khăn cho nhiều dự án

Thời gian qua, Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tại TP.HCM đã liên tục tổ chức các cuộc họp nhằm tháo gỡ cho các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, tính đến nay, UBND TP.HCM đã làm rõ các vướng mắc và chỉ đạo giải quyết 16 dự án, bao gồm: Florita, Sunriver, Q7 Boulevard, Asiana Riverside, Sunshine River City, khu cao tầng thuộc Khu đô thị mới Đông Tăng Long, The Metropole Thủ Thiêm, chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, Khu nhà ở Phước Nhân, Khu đô thị Lê Minh Xuân, Khu nhà ở Tân Kiên, Lancaster D4, The Artemis II, Moonlight Centre Point, Kingdom 101, chung cư Soái Kình Lâm.

Bên cạnh đó, còn 20 dự án, các sở, ngành vẫn đang tiếp tục rà soát pháp lý để xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Mới đây nhất, Tổ công tác cũng đã giải quyết các nội dung còn tồn tại vướng mắc tại các dự án sử dụng vốn đầu tư công và các dự án không sử dụng vốn ngân sách TP.HCM.

Kết quả, có 3 dự án đã được giải quyết theo chỉ đạo của Tổ Công tác, gồm dự án Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty CP Quốc Lộc Phát, dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tâm Giao, dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.

Hiện, 12 dự án đang được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, gồm dự án tại số 3A - 3B Tôn Đức Thắng (quận 1), dự án Căn hộ Lê Thành Tân Tạo 2, dự án khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành, tổ hợp cao ốc thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ tại đường Ba Tháng Hai (quận 11). Riêng dự án tại số 100 đường Cô Giang (quận 1), Sở Xây dựng đang tập trung thực hiện nội dung theo chỉ đạo của Tổ Công tác.

Ngoài ra còn có dự án khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ khách sạn tại số 428 - 430 Nguyễn Tất Thành (quận 4), dự án xây dựng chung cư 926 Võ Văn Kiệt và cao ốc 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), dự án đầu tư xây dựng cụm 8 chung cư lô số ở cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), dự án khu dân cư Nhơn Đức Nhà Bè (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè).

Với các dự án nhà ở xã hội, hiện có 2 dự án đang gặp vướng mắc liên quan đến việc sử dụng 20% quỹ đất thuộc dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách là Khu dân cư 28 ha tại huyện Nhà Bè và Khu dân cư thương mại 12,3 ha tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.

Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn chi tiết về việc chủ trì thẩm định chi phí, phương thức tiếp nhận quỹ đất và thanh toán. Ngoài ra, TP.HCM có 6 dự án gặp vướng mắc về việc dành 20% quỹ đất tại dự án để xây nhà ở xã hội. UBND TP.HCM kiến nghị tổ công tác làm việc với các bộ, ngành liên quan cho phép các dự án khi thực hiện hoặc điều chỉnh chấp thuận đầu tư được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo văn bản UBND TP.HCM đã chấp thuận trước đây.

Bao giờ thị trường mới phục hồi?

Có thể nói việc hàng loạt các dự án bất động sản đã và đang được “gỡ vướng” chính là những “điểm sáng” trong một bức tranh tương đối ảm đạm của thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ thì cần thời gian, đặc biệt là để các chính sách thực sự “ngấm”.

Theo đó nhiều ý kiến cho rằng, phải sang giữa năm 2024, thị trường mới thực sự có những động lực mạnh mẽ hơn để tăng trưởng trở lại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do các động lực.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Minh chứng nhìn từ mức độ khó khăn của thị trường tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thể hiện rất rõ nét tại thị trường bất động sản TP.HCM.

Dữ liệu cho thấy, tại quý 1/2023 tăng trưởng -16,2%; đến 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng -11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý 1/2023; đến cuối quý 3/2023 tuy vẫn còn tăng trưởng -8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm và sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm 42,3% so với quý 1/2023.

Cũng khẳng định thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc rõ nét, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan, thị trường bắt đầu xuất hiện thêm nhiều điểm sáng trong bức tranh tổng thể. Bước sang quý 3 và tháng đầu tiên của quý 4/2023, trạng thái hoạt động của thị trường bất động sản tương đối ổn định. Cụ thể, bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, ghi nhận sự quan tâm mới của một số nhà đầu tư đến từ Mỹ.

Cũng theo ông Đính, dù bất động sản nghỉ dưỡng chưa có cơ hội “trở mình” do Nghị định 10/2023/NĐ-CP chưa phát huy được nhiều tác dụng, nhưng lại ghi nhận động thái tích cực từ một số địa phương như Khánh Hòa với việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel trên đất thương mại, dịch vụ...

Có thể thấy, bức tranh thị trường bất động sản thời gian qua đã được mổ xẻ, phân tích, nhận diện những điểm nghẽn. Theo đó, cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì “niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về “trạng thái bình thường”./.

AN NHIÊN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/12/2024