ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ năm, 15h05 16/11/2023

Doanh nghiệp tận dụng và biến công nghệ trở thành trợ thủ đắc lực

(KDPT) - Trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo tạo sinh nói riêng đã và đang mang lại sự tiện nghi và những giá trị to lớn cho con người. Với những doanh nghiệp hiện nay, làm quen và tối ưu hóa AI đã giúp nâng cao chất lượng công việc cũng như nâng cao vai trò, giá trị của nhân sự trong công ty.

Con người đồng hành cùng công nghệ

Trí tuệ nhân tạo nói chung và sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo tạo sinh nói riêng đã và đang mang lại sự tiện nghi và những giá trị to lớn cho con người. Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ với con người. Hầu hết mọi hoạt động cuộc sống đều có bóng dáng của công nghệ này.

Theo đó, có gần 77% thiết bị ngày nay sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo ở dạng này hay dạng khác. Sẽ có nhiều trợ lý trí tuệ nhân tạo hơn số người trên thế giới này, dự báo sẽ có 8,4 tỷ trợ lý giọng nói kỹ thuật số được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo trên thế giới vào năm 2024, lớn hơn dân số toàn cầu.

AI hiện hữu trong hầu hết đời sống con người hiện nay

Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, thông tin và công nghệ là hai yếu tố cốt lõi để các công ty mở rộng quy trình sản xuất nhằm tăng hiệu quả trong toàn doanh nghiệp. Với khả năng học máy, nguồn dữ liệu đầu vào phong phú, công nghệ AI đang cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, vượt xa khả năng tưởng tưởng của con người chỉ trong một thời gian ngắn, đem lại nhiều lợi ích. AI giúp tăng năng suất và hiệu quả trong nhiều ngành công nghiệp bằng cách tự động hóa quy trình, tối ưu hóa sản xuất, tăng cường khả năng phân tích dữ liệu lớn, thúc đẩy các mô hình, thuật toán dự đoán, giúp đưa ra các quyết định dựa trên các thông tin có cơ sở.

Thực tế, tự động hóa, tích hợp và phân tích nâng cao sẽ giúp con người tối ưu hóa các quy trình từ hợp lý hóa công việc sản xuất đến nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Trong đó, hiện nay, công nghệ đám mây chính là chìa khóa để các doanh nghiệp quan sát tổng thể hoạt động sản xuất, đồng thời cho phép sửa chữa các thiết bị từ xa và phân tích dự đoán những vấn đề có thể xảy ra trong quy trình sản xuất của máy móc.

Ngoài ra, ML (máy học) cũng sẽ là công nghệ hữu ích khi có thể cung cấp các thông tin hữu ích về hành vi của khách hàng để từ đó doanh nghiệp đưa ra các kế hoạch tiếp thị phù hợp nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng với sản phẩm của mình.

Có thể thấy, AI hiện hữu trong hầu hết đời sống con người, từ sinh hoạt tới sản xuất, giáo dục, nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật… AI giúp con người tối ưu hóa hoạt động, tăng hiệu suất, giảm nhân lực. Sự bùng nổ của AI đã và đang cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của ứng dụng học máy và công nghệ dữ liệu lớn, đẩy trí tuệ nhân tạo lên một bước phát triển mới.

Nắm bắt và tận dụng những lợi thế từ AI

Theo một cuộc khảo sát, trung bình để hoàn thành công việc, các quy trình làm việc không được số hóa tốn gấp ba lần thời gian so với tự động hóa. Chính vì vậy, công nghệ sẽ là lực lượng hỗ trợ con người thực hiện các nhiệm vụ đơn điệu để phát huy tiềm năng cho các công việc thực sự đem lại giá trị cho sự phát triển của công ty.

Áp dụng công nghệ để tự động hóa trong doanh nghiệp có thể coi là phương pháp hiệu quả để tăng hiệu suất trong khi vẫn tối ưu hóa chi phí. Bằng chứng là 74% công ty được khảo sát, báo cáo việc sử dụng các giải pháp công nghệ để tự động hóa đã giúp họ giải quyết rất nhiều vấn đề của doanh nghiệp trong đại dịch. Trong khi đó, 23% thậm chí còn đạt doanh thu vượt kỳ vọng.

Doanh nghiệp dùng công nghệ để tối ưu hóa công việc, giảm thiểu chi phí

Lấy ví dụ về tác động của AI đối với tự động hóa trong kinh doanh là trường hợp của công ty về phần mềm ngân hàng, nCino. Công ty đã sử dụng AI để tự động hóa các quy trình liên quan đến khởi tạo và tuân thủ khoản vay. Điều này cho phép họ thu thập dữ liệu từ khách hàng một cách an toàn và giúp quá trình giới thiệu nhanh chóng hơn. Điều này đã khiến nCino đạt lợi thế so với các đối thủ bằng cách giúp khách hàng giảm thời gian nhận khoản vay.

Hay như trong tiếp thị và bán hàng, AI có thể được sử dụng để cá nhân hóa các chiến lược tiếp thị và tạo nội dung tùy chỉnh. Trong công nghệ thông tin và kỹ thuật, AI có thể hợp lý hóa các quy trình viết và tạo mã. Trong trường hợp gặp những rủi ro về pháp lý, nó có thể đưa ra những lời khuyên nhanh chóng và khá chính xác cho các câu hỏi phức tạp bằng cách tự động sàng lọc cơ sở dữ liệu pháp lý rộng lớn.

Chuyển đổi số và tự động hóa sẽ đưa lực lượng nhân sự đến những công việc sáng tạo và chiến lược hơn. Hoặc đơn giản, con người sẽ chỉ chịu trách nhiệm quản lý và vận hành hệ thống máy móc thay vì thực hiện các công việc thủ công tốn thời gian.

Giải pháp quản trị tích cực đối với trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng tạo ra các lo ngại về hoạt động lừa đảo công nghệ cao, vi phạm quyền riêng tư, gia tăng khoảng cách giàu nghèo hay thậm chí là tạo ra các nội dung phân biệt chủng tộc, kích động bạo lực, gia tăng chạy đua.

Những thách thức từ trí tuệ nhân tạo đang thôi thúc các nước phải tìm các giải pháp quản trị phù hợp. Hiện tại, các nước có các cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này. Một số nước cho rằng, cần quản lý chặt để không tạo ra các nguy cơ, một số khác lại nhấn mạnh, sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn là trách nhiệm của các công ty công nghệ và việc quản trị phải đảm bảo không cản trở tiến bộ khoa học.

Chia sẻ một số hướng giải pháp, theo tiến sĩ Sơn Phạm - Giám đốc điều hành Công ty BioTuring - cho rằng: "Với tốc độ phát triển vượt bậc như thế này, tôi nghĩ là rất khó có một chính phủ nào có thể bắt kịp được với tốc độ phát triển.Tôi nghĩ cần có một tổ chức quốc tế để đưa ra những hướng dẫn cơ bản nhằm đảm bảo được rằng sự phát triển của AI không đi ngược lại với lợi ích của con người".

Ông Trần Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết: "Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay đang phối hợp với phía Australia cùng với Đại học Luật thực hiện những nghiên cứu nhằm đưa ra những đề xuất, những công cụ thực hành để làm sao mình có thể tạo ra những sản phẩm AI có trách nhiệm trong các lĩnh vực".

Để phát huy hiệu quả, AI cần phải được tích hợp vào các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ số cụ thể để cung cấp, mang lại giá trị cho các doanh nghiệp và người dân. Đây sẽ là những giải pháp phù hợp với bài toán của Việt Nam, trong lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đánh giá chính xác nhu cầu cụ thể của công ty và triển khai các giải pháp công nghệ phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình. Chỉ khi làm được điều này, doanh nghiệp mới có thể khai thác triệt để sức mạnh của công nghệ để đạt được thành công lâu dài.

Trong một môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay, các công ty phải luôn sẵn sàng mọi nguồn lực để đương đầu và vượt qua những trở ngại. Chính vì vậy, công nghệ cung cấp một loạt các giải pháp tối ưu hóa và tự động hóa đã mang lại sự ổn định và hiệu quả, đóng vai trò là nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp luôn đi đúng hướng.

Tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp là việc nâng cao nhận thức chung của người dân về trí tuệ nhân tạo, nhất là nhận diện những thách thức tiềm tàng từ công nghệ này để giúp đảm bảo an toàn, phát triển công nghệ trong tầm kiểm soát.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/09/2024