ISSN-2815-5823
ÁNH DƯƠNG
Thứ ba, 21h53 24/10/2023

Đổi mới sáng tạo mở: Chìa khóa để phát triển mạnh mẽ

(KDPT) - Đổi mới sáng tạo mở cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi mọi thứ trở nên toàn cầu, mọi nền tảng mở ra. Độ "mở" càng lớn thì chúng ta càng tiếp cận được nhiều tri thức, công nghệ sẵn có ở trên thế giới và tránh việc nghiên cứu lại, trùng lặp. Hiện nay với sự phát triển, bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng Internet thì xu huớng "mở" trong đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ nét. Liên kết giữa tập đoàn, doanh nghiệp với start-up, viện, trường có thể cùng lúc giải quyết bài toán cho nhiều doanh nghiệp, qua đó, tiết kiệm được chi phí vận hành, nguồn nhân lực.
Các start-up trao đổi, làm việc với Qualcomm tại hoạt động Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam - Ảnh: VGP/HG
Các start-up trao đổi, làm việc với Qualcomm tại hoạt động Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam. (Ảnh: VGP/HG)

Đổi mới sáng tạo mở, nơi các doanh nghiệp cộng tác với các công ty khởi nghiệp năng động để tìm kiếm giải pháp mới cho những thách thức kinh doanh của họ, đã trở thành xu hướng chủ đạo khi thói quen làm việc mới hậu Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu làm thay đổi thực lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu mới của Sopra Steria, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp đang tăng lên khi các công ty tận dụng sức mạnh của các doanh nghiệp nhỏ hơn, linh hoạt hơn nhằm đổi mới khi suy thoái kinh tế toàn cầu gây áp lực lên ngân sách vốn đã eo hẹp.

Theo báo cáo Đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Report) 2023 do Tập đoàn hàng đầu châu Âu về chuyển đổi số Sopra Steria phát hành, kết quả khảo sát 1.648 công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tại 10 nước châu Âu cho thấy, 72% doanh nghiệp đang hợp tác triển khai dự án đổi mới sáng tạo mở với doanh nghiệp khởi nghiệp, 67% đánh giá hoạt động hợp tác là nhiệm vụ quan trọng với chiến lược phát triển của tổ chức.

Các start-up trao đổi, làm việc với Qualcomm tại hoạt động Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam - Ảnh: VGP/HGCác start-up trao đổi, làm việc với Qualcomm tại hoạt động Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam - Ảnh: VGP/HG

Đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân của mỗi doanh nghiệp để luôn phát triển và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường. Nếu như trước đây, doanh nghiệp thường tự mình giải quyết vấn đề phát sinh thì hiện nay doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm các giải pháp từ bên ngoài mà không mất nhiều nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển

Mối quan tâm ngày càng tăng nhanh chóng đối với đổi mới sáng tạo mở có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm nhận thức cao hơn về các mô hình đổi mới sáng tạo mở, nhu cầu đổi mới tăng cao kết hợp với sự quen thuộc mới với các công cụ cộng tác kể từ khi đại dịch Covid-19 bình thường hóa hoạt động làm việc từ xa.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2023 do Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Venture công bố chỉ ra, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn kinh tế lớn còn hạn chế. Do đó, tại Việt Nam, các tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thông qua đầu tư tài chính hoặc các hình thức khác.

ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN),
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN). (Ảnh: VGP/Hoàng Giang)

Chia sẻ với báo chí, theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), trong một thời đại toàn cầu, thay đổi nhanh chóng và nhiều biến động như hiện nay, việc các doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn lực của chính mình để phát triển không còn phù hợp. Họ vừa cần phát huy sức mạnh nội tại vừa tìm đến sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài.

Thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong như trước đây thì đổi mới sáng tạo "mở" phần nhiều có sự tham gia của nguồn lực bên ngoài. Nghĩa là doanh nghiệp phối hợp với lực lượng bên ngoài, bao gồm các start-up, viện, trường để giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp. Mặt khác, viện, trường cũng có thể áp dụng sáng kiến từ lực lượng doanh nghiệp hay viện, trường khác để giải quyết chính bài toán của mình.

Thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn có tính linh hoạt, thường đi đầu trong việc đưa ra giải pháp, công nghệ mới nhưng thiếu thị trường, còn các tập đoàn lớn đang nhận thấy các khoản đầu tư cho R&D nội bộ chưa hiệu quả như kỳ vọng.

Ông Phạm Hồng Quất cho biết, kinh nghiệm xây dựng mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Mỹ, Singapore, Hàn Quốc... đã cho thấy cần khuyến khích các tập đoàn ra đầu bài, ý tưởng và kết nối những nguồn lực quốc tế để thu hút các giải pháp từ doanh nghiệp khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Quất, ở giai đoạn ban đầu, điểm nghẽn lớn mà chúng ta cần phải vượt qua là tư duy mở và niềm tin. Tư duy mở để các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nhau và niềm tin để đi đến hành động.

"Điều cốt lõi là có những người tiên phong, câu chuyện điển hình, thực hành tốt để làm bệ phóng cho tư duy và niềm tin này phát triển", ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ KH&CN luôn nỗ lực trong việc xây dựng chiến lược, định hướng phát triển mô hình đổi mới sáng tạo mở, thu hút các đối tác trong nước và quốc tế tham gia xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của tập đoàn, liên kết với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine