ISSN-2815-5823

Dự án Hattoco 15 năm "chết đứng" trên đất vàng Hà Nội

(KDPT) - Khởi công từ năm 2009, dự án Hattoco được kỳ vọng sẽ biến thành tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại vị trí vàng của Thủ đô với tổng vốn đầu tư lên tới 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án vẫn chỉ là những khung bê tông lạnh lẽo, bỏ ngỏ và gây thất vọng cho nhiều người.

Trong hơn một năm qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều biến động bất thường, đặc biệt là tình trạng tăng giá mạnh ở cả phân khúc nhà đất lẫn chung cư.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự khan hiếm nguồn cung, khiến giá bất động sản cao cấp tăng vọt. Ngay cả phân khúc trung bình cũng ghi nhận mức tăng từ 20-50%, trong khi nhà ở xã hội và bình dân lại đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu từ thực tế của Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, nhiều dự án bất động sản, từ chung cư cho đến nhà thấp tầng, vẫn đang trong tình trạng bị bỏ hoang. Một số dự án gặp phải vướng mắc pháp lý hoặc gặp phải các khó khăn khác chưa thể triển khai nên các dự án đó vẫn chưa đưa sản phẩm ra thị trường để đến được với người dân.

Hệ quả là tài nguyên bị lãng phí, nơi thừa nguồn cung nhưng nơi lại thiếu hụt trầm trọng, tạo ra sự mất cân đối và làm tình trạng khan hiếm nhà ở trở nên nghiêm trọng hơn, cũng là một phần khiến cho giá nhà đang leo thang.

Mời quý độc giả theo dõi bài viết đầu tiên trong loạt bài về các dự án khu đô thị bỏ hoang: "Dự án Hattoco 15 năm "chết đứng" trên đất vàng Hà Nội" để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này và những tác động tiêu cực của nó đến thị trường bất động sản.

Chậm tiến độ bàn giao nhà trong nhiều năm khiến cư dân bức xúc

Dự án Hattoco là tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và chung cư cao cấp (hiện nay được đổi tên trên thị trường là Golden Millennium Tower).

Dự án nằm tại số 110 đường Trần Phú (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) do Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Ba Đình CIC) làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 900 tỷ đồng.

Dự án Hattoco được triển khai trên khu đất rộng 4.992 m², bao gồm một tòa tháp 39 tầng nổi và 3 tầng hầm. Các tầng từ 1 đến 6 được bố trí làm trung tâm thương mại và văn phòng, trong khi khu căn hộ nằm từ tầng 7 đến tầng 39 với tổng cộng 439 căn.

Nằm ở vị trí
Nằm ở vị trí "đất vàng" nhưng gần 15 năm qua, dự án Hattoco vẫn "trơ khung" khiến nhiều người dân bức xúc. (Ảnh: KQ)

Dự án Hattoco được khởi công vào năm 2009 và đã hoàn thành phần thô lên đến tầng 39 cùng ba tầng hầm vào cuối năm 2017.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, công trình này vẫn chỉ là một khối bê tông lạnh lẽo, không chỉ làm xấu đi diện mạo của quận Hà Đông mà còn gây ra nhiều bức xúc cho những khách hàng đã đặt cọc tiền từ lâu. Họ đã thanh toán từ 50-70% giá trị căn hộ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì về tiến độ bàn giao.

Cuối năm 2011, dự án buộc phải tạm ngưng do thiếu hụt nguồn vốn. (Ảnh: KQ)
Cuối năm 2011, dự án buộc phải tạm ngưng do thiếu hụt nguồn vốn. (Ảnh: KQ)

Mặc dù thời điểm bàn giao được công bố là năm 2014, nhưng cho đến nay, Công ty Ba Đình vẫn chưa hoàn thành dự án, khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn. Những hình ảnh người dân mang băng rôn "đòi nhà" đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại đây, nhưng chủ đầu tư vẫn lẩn tránh trách nhiệm.

Theo hợp đồng, thời hạn giao nhà đã là tháng 11/2014, nhưng trước đó, vào tháng 11/2011, ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Ba Đình CIC, đã phải thế chấp gần như toàn bộ vốn điều lệ của công ty để có vốn hoạt động. Tuy nhiên, dự án buộc phải tạm ngưng do thiếu hụt nguồn vốn.

Mặc dù chủ đầu tư đã thông báo tái khởi động vào năm 2013 và hứa hẹn bàn giao vào quý I/2016, đến nay, công trình vẫn trong tình trạng chưa hoàn thiện.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, tòa nhà Hattoco giờ đây chỉ dừng lại ở phần thô và các khu vực công trình đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng, với tầng 1 bị hư hỏng nặng do không được bảo trì.

Công trình đã xây dựng 15 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở phần xây thô. (Ảnh: KQ)
Công trình đã xây dựng 15 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở phần xây thô. (Ảnh: KQ)
Bên trong dự án vẫn có công nhân xây dựng làm việc (Ảnh: KQ)
Bên trong dự án vẫn có công nhân xây dựng làm việc (Ảnh: KQ)

Được biết, thời gian qua hơn 300 khách hàng mua căn hộ dự án chung cư Hattoco bức xúc phản ánh việc bỏ hàng tỷ đồng mua nhà nhưng 15 năm nay chưa thể nhận nhà vào ở.

Nhiều người dân sinh sống tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, nơi gần kề với dự án Hattoco, vẫn chưa thể quên những tháng ngày đầy căng thẳng trước đây.

Khoảng 2-3 năm trước, tình trạng người mua nhà tụ tập căng băng rôn biểu tình để đòi lại tiền đặt cọc diễn ra khá thường xuyên. Họ không ngừng tố cáo các vi phạm của chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư giải quyết vấn đề chậm tiến độ bàn giao căn hộ.

Ngoài ra, những người đã đặt cọc mua nhà còn trình cả băng rôn kêu cứu đề nghị UBND TP. Hà Nội giao cho chủ đầu tư mới, đủ năng lực hơn để triển khai dự án. Tuy nhiên, đến nay, công trình vẫn "án binh bất động".

Các hạng mục xung quanh cũng bị ảnh hưởng, xuống cấp nghiêm trọng.
Các hạng mục xung quanh cũng bị ảnh hưởng, xuống cấp nghiêm trọng.
Dự án Hattoco 15 năm

Theo môi giới bất động sản, các căn hộ tại dự án Hattoco (Golden Millennium) có diện tích từ 89,5-167 m2 mỗi tầng. Đặc biệt, tầng 39 được thiết kế căn penthouse rộng tới 320 m2.

Về giá bán cập nhật từ cuối năm 2023, các căn hộ chung cư Golden Millennium dao động từ khoảng 21-29 triệu đồng/m2, tương ứng với khoảng giá gần 1,9-4 tỷ đồng/căn.

Dự án của chủ đầu tư Ba Đình CIC nằm
Dự án của chủ đầu tư Ba Đình CIC nằm "trơ khung" suốt nhiều năm (Ảnh: KQ)

Chủ đầu tư Hattoco vướng vòng lao lý khiến các dự án nghìn tỷ chìm trong bê bối

Vào tháng 5/2021, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra kết luận về những tố cáo xoay quanh dự án. Trong giai đoạn từ 2008 đến hết 2017, Ba Đình CIC đã hoàn thiện phần thô của công trình với 39 tầng nổi, 1 tầng áp mái, 1 tầng kỹ thuật mái và 3 tầng hầm, đồng thời hoàn thành việc xây tường ngăn cho các căn hộ từ tầng 8 đến tầng 38.

Dù vậy, từ năm 2018, chủ đầu tư đột ngột ngừng thi công, khiến dự án bị đình trệ, không thể bàn giao nhà đúng hẹn cho khách hàng, dẫn đến hàng loạt bức xúc và khiếu kiện.

Trước đó, dự án do CTCP Du lịch Hà Tây làm chủ đầu tư, nhưng đã được chuyển nhượng cho Ba Đình CIC với hy vọng có thể thúc đẩy tiến độ. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản, Ba Đình CIC không tiến hành thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, dẫn đến việc không được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cuối năm 2023, môi giới cho biết giá bán cao nhất của dự án chỉ khoảng 29 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với các chung cư khác tại quận Hà Đông (Ảnh: KQ).
Cuối năm 2023, môi giới cho biết giá bán cao nhất của dự án chỉ khoảng 29 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với các chung cư khác tại quận Hà Đông (Ảnh: KQ).

Về phía chủ đầu tư, Ba Đình CIC do ông Nguyễn Tiến Trung làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, được thành lập vào tháng 7/2001 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Công ty đặt trụ sở tại số 455 Hoàng Hoa Thám, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, và do Chi cục Thuế Quận Ba Đình quản lý.

Vào tháng 10/2018, Ba Đình CIC đã tăng vốn điều lệ từ 328 tỷ đồng lên 689 tỷ đồng để mở rộng hoạt động kinh doanh và đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đang triển khai.

Dự án do Ba Đình CIC làm chủ đầu tư
Dự án do Ba Đình CIC làm chủ đầu tư "giậm chân tại chỗ" suốt hơn 1 thập kỷ. (Ảnh: KQ)

Ba Đình CIC cũng dính líu đến dự án Thành An Tower tại số 21 Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi mà tiến độ xây dựng bị trì trệ trong thời gian dài.

Điều này khiến nhiều khách hàng của dự án mất kiên nhẫn và gửi đơn tố giác đến Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ các sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, vốn và tài sản của Nhà nước.

Họ cũng đề nghị xử lý nghiêm các bên liên quan, bao gồm Tổng công ty Thành An và Công ty Ba Đình, yêu cầu thu hồi dự án và giao lại cho đơn vị đủ năng lực tiếp tục triển khai. Ngoài ra, khách hàng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng trong việc cho vay và giải ngân.

Vào tháng 4/2024, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tại dự án này, căn cứ theo khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Dự án Hattoco đã không được triển khai đúng tiến độ từ năm 2012, khi chủ đầu tư không tuân thủ yêu cầu của Sở Xây dựng, khiến dự án vẫn "đắp chiếu" và chưa thể đưa vào sử dụng. Từ năm 2018, Sở Xây dựng cũng lơ là trong việc theo dõi, kiểm tra, góp phần làm cho dự án tiếp tục trì trệ, không thể bàn giao cho các hộ dân.

Trong kết luận của UBND TP. Hà Nội, nguyên nhân chậm tiến độ được nêu rõ: "Đây là nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ dự án. Trách nhiệm thuộc về Ba Đình CIC, Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư."

Trước tình trạng này, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư Hattoco về việc chậm trễ trong tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, các sở này cần yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án theo đúng quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024