ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ ba, 21h29 25/06/2024

Dự kiến tới năm 2026-2027 sẽ làm đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

(KDPT) - Việt Nam đang tập trung phát triển xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 1.500km với dự kiến triển khai sớm trước năm 2030, vào 2026-2027, theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Thông tin này được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đề cập trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC), chiều 25/6, tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC), chiều 25/6. Ảnh: Đoàn Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC), chiều 25/6. Ảnh: Đoàn Bắc

CRSC trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC), nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới, là cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm các hệ thống kiểm soát vận tải đường sắt.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo kế hoạch, Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027. Để triển khai, ông cho hay, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu.

"Đây là ba cấu phần giữ vai trò quyết định an toàn của các tuyến đường sắt, kể cả đường sắt cao tốc và đô thị", Bộ trưởng Thắng nói, thêm rằng Trung Quốc có công nghệ tốt về phát triển đường sắt, giá thành hợp lý, nên đây là cơ hội tốt để hai bên hợp tác thông qua cơ chế hỗ trợ như vay vốn ODA, tín dụng xuất khẩu.

Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 có 3.000 km đường cao tốc và tăng lên 5.000 km vào 2030. Hạ tầng đường sắt, nhất là dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuối tháng 11/2023, Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc - Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.

Nhận định Trung Quốc có thế mạnh về phát triển đường sắt kết nối cả nước và đường sắt đô thị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ mong muốn trao đổi, tìm cơ hội hợp tác để Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam trong thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, trong đó đặc biệt là phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội, tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng.

"3 tuyến đường sắt này dài hơn 700km, có vai trò đặc biệt quan trọng, do đó Việt Nam mong triển khai sớm các dự án", Thủ tướng chia sẻ, và nhấn mạnh Việt Nam cũng muốn đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị.

Ông Lâu Tề Lương khẳng định phát triển đường sắt là động lực lớn cho phát triển đất nước Trung Quốc.

Liên quan lĩnh vực giao thông đường sắt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CRSC nhấn mạnh nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng. Ông khẳng định Tập đoàn có thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), vì đây là đơn vị có lực lượng hùng hậu về phát triển đường sắt đô thị, nhất là mảng tín hiệu.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/07/2024