ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 20h55 12/09/2023

Du lịch Việt cần táo bạo hơn nữa trong chuyển đổi số

(KDPT) - Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đã diễn ra với khá nhiều ứng dụng tiêu biểu. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng nhanh chóng bắt nhịp và thành công khi triển khai các ứng dụng số này, mở ra một trang mới cho “du lịch số” hậu đại dịch. Các doanh nghiệp Việt hiện nay cũng đang nỗ lực chuyển mình để bắt kịp xu thế mới, định hình rõ ràng cho ngành kinh tế trọng điểm này.

Chuyển đổi số là cách để ngành du lịch tiếp tục tồn tại và phát triển

Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh rằng: “Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số. Vì thế, hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần tranh thủ các thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.”

Theo dữ liệu tìm kiếm Google, Việt Nam là điểm đến được nhiều khách du lịch nước ngoài tìm kiếm trên nền tảng số.

Nhìn sang thế giới, các đất nước nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã thu về những kết quả khả quan, họ đã có những biện pháp thích ứng linh hoạt với những khủng hoảng sau Covid-19, từ đó tạo đà băng lên để tạo ra những cơ hội mới, tăng cường năng lực phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch.

Là một trong những nước đi đầu trên hành trình chuyển đổi số, cùng tham vọng trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, Singapore tiên phong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số. Hành động này đã giúp ngành du lịch thích ứng với tình hình dịch, từ đó phục hồi và định hình lại tương lai ngành kinh tế xanh.

Theo đó, Chính phủ Singapore và Tổng cục du lịch Singapore đã tổ chức hàng loạt sự kiện “hybrid” (sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến); tăng cường áp dụng công nghệ như kiốt đăng ký tự động có tích hợp công nghệ quét mã QR tại Triển lãm TravelRevive để hỗ trợ quy trình đăng ký không cần tiếp xúc. Sân bay Changi cũng được trang bị robot dọn dẹp tự động có kèm thiết bị phun sương khử trùng trên thảm và sàn nhà; áp dụng công nghệ ánh sáng LED cực tím (UV-C) để khử trùng tay vịn trên thang cuốn…

Bên cạnh Singapore, đất nước láng giềng của Việt Nam là Campuchia cũng gây ấn tượng với tour ảo tham quan quần thể di tích Angkor Wat, đưa du khách trở về quá khứ để ngắm nhìn những công trình kiến trúc cổ xưa…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng chuyển đổi số là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này khi tạo ra không gian số, hạ tầng số (xây dựng nhanh, ít tốn kém hơn so với hạ tầng vật chất), dữ liệu và các xu thế mang lại hiệu quả, năng lực cạnh tranh tốt hơn (phi trung gian hóa, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa).

Tháo gỡ khó khăn, vượt qua những rào cản

Với vai trò đầu tàu của ngành kinh tế xanh Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế. Đó là sự manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc trong quá trình triển khai dẫn đến khó hình thành một hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành; sự chênh lệch về công nghệ số tại nhiều địa phương do trình độ phát triển; sự thiếu hụt nguồn lực về công nghệ hiện đại, tài chính và nhân lực số có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phù hợp.

Theo đó, các giải pháp và nền tảng, hạ tầng công nghệ số của du lịch Việt còn chưa đầy đủ, dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ từ nhiều nguồn khác nhau...

Vì vậy, quá trình chuyển đổi số du lịch đòi hỏi cần phải quyết liệt, đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động toàn ngành, từ vai trò của cơ quan quản lý, cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương.

Các quốc gia thành công trên hành trình chuyển đổi số du lịch hầu hết đều sử dụng những ứng dụng như: Ứng dụng mobile vào các hành vi du lịch; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI (để quản lý hành chính, khách hàng) và Chat bot (chương trình được tạo từ máy tính, cho phép con người có thể tương tác, giao tiếp thông qua trí tuệ nhân tạo đã được lập trình sẵn; Kết nối IoT (Internet of Things) trong ngành du lịch (giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu, thói quen du lịch... nhằm chuyển đến khách hàng tiềm năng những thông tin mà họ thật sự quan tâm).

Các ứng dụng công nghệ đã trở thành công cụ hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển. Ảnh minh họa.

Ngoài ra còn có các ứng dụng giúp khách hàng có thể đánh giá và xếp hạng về sản phẩm và dịch vụ du lịch nhanh chóng qua mạng xã hội như Facebook, Yelp, TripAdvisor hay các trang web du lịch; Du lịch thực tế ảo (Virtual Reality) đã mang đến các sản phẩm tour ảo như ảnh 360, video 360, ảnh Panorama (toàn cảnh), ảnh Flycam (ảnh chụp từ trên cao)… nhằm giúp du khách phần nào thỏa mãn “cơn khát” xê dịch. Đây cũng là các phương án để nhiều doanh nghiệp, cơ sở du lịch Việt học hỏi, nghiên cứu để có những phương án thích hợp áp dụng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng để chuyển đổi số du lịch thành công, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra chiến lược, giải pháp, cách tiếp cận riêng và tạo ra sự khác biệt. Muốn thực hiện chuyển đổi số trong du lịch hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi toàn ngành phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành du lịch.

Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch đã được Chính phủ “hậu thuẫn” bằng nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hơn, cùng hy vọng quá trình chuyển đổi số du lịch Việt sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra, để ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng thành công mang lại những hiệu quả to lớn cho đất nước.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024